Chương 3 : Một số hàm ý chính sách cho việc cải cách
3.2. Nguyên tắc chung của quá trình cải cách
Nguyên tắc cơ bản của NHNN đối với quá trình tái cơ cấu ngân hàng gồm:
Thứ nhất, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Về quy mô, hệ thống ngân hàng có các ngân hàng lớn làm trụ cột nhưng rất cần có những ngân hàng vừa và nhỏ, tổ chức tín dụng phi ngân hàng hoạt động có hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng mỗi tầng lớp trong xã hội; để xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, tạo điều kiện ổn định cho nền kinh tế vĩ mô, đáp ứng yêu cầu phát triển,… Ví dụ ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông
thôn thì cần đặt nhiều chi nhánh tại các vùng nông nghiệp nông thôn, không cần phải mở quá nhiều tại các thành phố lớn,…
Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh và nâng cao tính minh bạch cho cả hệ thống của ngân hàng. Tái cơ cấu ngân hàng là để toàn hệ thống mạnh lên và hoạt động ổn định hơn. Thể trạng sức khỏe của nhiều ngân hàng Việt Nam hiện nay đang rất gay go, thời gian qua, việc các ngân hàng đi vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng để đảm bảo tình hình thanh khoản đã làm rối thị trường, lãi suất cao đột biến (40%- 150%), cần vàng để thế chấp cũng đi vay, vay rồi nhưng không có tài chính để trả,… rất đáng báo động bởi nó gây nguy hiểm, mất an toàn hệ thống, nợ xấu theo đó mà tăng cao quá mức cho phép. Tình trạng ngân hàng A vay ngân hàng B, ngân hàng B vay ngân hàng C,… vòng luẩn quẩn như vậy thì khi một ngân hàng gặp vấn đề sẽ kéo theo sự đổ vỡ đồng loạt, tiền cứ long vòng trong các ngân hàng với nhau chỉ để thanh toán đáo hạn cho khoản tiền gửi và che dấu tình trạng thanh khoản kém của mình (trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất cần vốn thực sự lại không có khả năng tiếp cận vốn). Một số ngân hàng thương mại nhỏ được nâng cấp lên có xuất phát điểm thấp, có quy mô vốn nhỏ, năng lực quản trị yếu kém,… đang gây ra những vấn đề bất cập cho hệ thống ngân hàng nói chung. Vốn ít nên họ cố gắng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nóng trong khi quản trị yếu kém tất dẫn tới rủi ro cho bản thân ngân hàng và cho cả hệ thống. Nguyên tắc an toàn hệ thống có thể coi là rất quan trọng trong quá trình tái cấu trúc ngân của chúng ta hiện nay.
Thứ ba, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan. Đây là nguyên tắc vàng để đảm bảo ổn
định tình hình kinh tế xã hội, góp phần tái cấu trúc thành công cho toàn bộ nền kinh tế.
Thứ tư, tái cấu trúc ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp. Tái cấu trúc dù là vấn đề cấp bách nhưng cũng không thể nóng vội. Từng ngân hàng phải tự tái cấu trúc hoạt động của mình trên cơ sở đánh giá đúng đắn tình hình thực trạng về mọi phương diện. Ngân hàng Nhà nước cần có các bước đi thận trọng, căn cứ vào thể trạng, đặc điểm của từng ngân hàng cụ thể để hướng dẫn họ về hình thức và biện pháp phù hợp.
Thứ năm, tăng cường “sức khỏe” cho từng ngân hàng tham gia tái cấu trúc. Nhiều ngân hàng có vấn đề về quản trị doanh nghiệp rất yếu và có xu thế cổ đông lớn không quan tâm tới lợi ích cộng đồng và những cổ đông nhỏ, chỉ quan tâm tới lợi ích của chính mình, làm cho rủi ro của những ngân hàng này cả về ngắn hạn lẫn dài hạn là rất lớn. Thủ tướng cũng đã lưu ý “đối với các ngân hàng cổ phần, mỗi ngân hàng đều cần phải tự mình tái cơ cấu để mạnh lên, hiệu quả hơn, không ai làm thay mình được: tái cơ cấu về chiến lược kinh doanh, quản trị, vốn, sở hữu,… để hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Tự mình kiện toàn cho mình, đừng làm khó cho hệ thống”.