Nội dung chính sách tài chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách tài chính nhằm bình ổn giá xăng dầu tại việt nam (Trang 33)

1.3. Chính sách tài chính nhằm bình ổn gi| xăng dầu

1.3.3. Nội dung chính sách tài chính

Để bình ổn giá hàng hoá thiết yếu nói chung, giá xăng dầu nói riêng, Nhà nước sử dụng một số chính sách tài chính cụ thể sau:

1.3.3.1. Chính sách thuế

Thuế là một phần thu nhập mà mỗi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước theo quy định của pháp luật để đảm bảo các khoản chi tiêu của chính phủ và xác lập tính hợp pháp về thu nhập của họ. Đối với doanh nghiệp, thuế là khoản chi phí bắt buộc phải nộp cho Nhà nước. Thuế có vai

trò lớn đối với mỗi quốc gia. Thuế không những là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách Nhà nước mà nó còn là công cụ quan trọng để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Thuế là công cụ để điều tiết giá cả, làm thay đổi quan hệ cung cầu, tác động đến định hướng hoạt động và mở rộng quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó giúp Nhà nước điều tiết hoạt động kinh doanh và định hướng tiêu dùng. Thuế có tác động đến hoạt động thương mại quốc tế của đất nước qua đó điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư quốc tế cũng như sự vận động của luồng vốn quốc tế.

Các chính sách về thuế phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, các mục tiêu vĩ mô của Chính phủ trong từng thời kỳ. Đồng thời, chính sách thuế của các quốc gia cũng chịu ảnh hưởng khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, chính sách thuế đòi hỏi phải có sự thống nhất phù hợp với các chuẩn mực về luật lệ quốc tế như thực hiện các cam kết về cắt giảm các dòng thuế khi tham gia thực hiện các hiệp định thương mại, liên minh thuế quan.

Đối với xăng dầu, thuế là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của thương nhân đầu mối. Thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Vì vậy, việc điều chỉnh thuế sẽ tác động trực tiếp đến giá hàng hoá.

Đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước, các loại thuế ảnh hưởng đến giá xăng dầu bao gồm:

+ Thuế nhập khẩu là một loại thuế đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu vào lãnh thổ hải quan Việt Nam. Việc đánh thuế nhập khẩu bên cạnh làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn góp phần bảo hộ nền sản xuất trong nước do sản phẩm nhập khẩu chịu thuế sẽ đắt lên qua đó không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm ngoại nhập đó. Hiện nay, một quốc gia có thể đưa ra mức thuế nhập khẩu cao

để không khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng có thể bị coi là xa xỉ phẩm hay đi ngược lại các truyền thống văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, nhiều loại thuế nhập khẩu hiện nay ở nước ta có xu hướng giảm dần trong quá trình tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện các lộ trình cắt giảm thuế quan. Do đó, theo mức thuế suất đối với cùng một mặt hàng có thuế suất thuế nhập khẩu thông thường, thuế ưu đãi và thuế ưu đãi đặc biệt.

Theo phương thức tính thuế, thuế nhập khẩu có thể tính theo một đơn vị hàng hóa nhập khẩu nên không phụ thuộc vào biến động giá cả của hàng hóa hoặc tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của mức giá hàng hóa - được gọi là thuế suất thuế nhập khẩu.

Mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với xăng dầu tại Việt Nam được tính theo tỷ lệ phần trăm, gồm mức thuế suất thuế nhập khẩu thông thường, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ ASEAN (ATIGA).

+ Thuế tiêu thụ đặc biệt (Thuế TTĐB) là loại thuế gián thu đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, chưa thật cần thiết cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của con người và có ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người trong xã hội. Đây là những hàng hóa mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng hoặc có những lợi thế đặc biệt trong sản xuất kinh doanh. Các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được pháp luật thuế các nước hầu như qui định gồm: rượu, bia, thuốc lá, xe ô tô, xăng...; kinh doanh cá cược, đua ngựa, đua xe, sòng bạc... Thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng chịu khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ.

Thuế TTĐB tại Việt Nam chỉ áp dụng đối với mặt hàng xăng.

+ Thuế giá trị gia tăng (Thuế GTGT) là một loại thuế gián thu đánh trên khoản giá trị tăng thêm cuả hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ

sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và được nộp vào ngân sách Nhà nước theo mức độ tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế doanh thu đánh vào mỗi giai đoạn sản xuất, lưu thông sản phẩm hàng hoá, từ khi còn là nguyên liệu thô sơ cho đến sản phẩm hoàn thành và giai đoạn tiêu dùng do đó, thuế giá trị gia tăng còn gọi là thuế doanh thu có khấu trừ số thuế đã nộp ở giai đoạn trước. Thuế giá trị gia tăng được cộng vào giá bán hàng hoá, dịch vụ, người tiêu dùng chịu khi mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ.

Thuế giá trị gia tăng thuộc loại thuế gián thu và được áp dụng rộng rãi đối với mọi tổ chức, cá nhân có tiêu dùng sản phẩm hàng hoá hoặc được cung ứng dịch vụ, nên tạo được nguồn thu lớn và tương đối ổn định cho ngân sách nhà nước.

+ Thuế bảo vệ môi trường (Thuế BVMT) là loại thuế gián thu, thu vào hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của thuế bảo vệ môi trường là điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm...

Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng, do đó cần quy định thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là phù hợp với mục tiêu đánh vào hàng hóa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường của thuế bảo vệ môi trường.

+ Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Các mặt hàng xăng dầu thường phải chịu một khoản phí xăng dầu tùy từng thời kỳ, do đó phí xăng dầu cũng sẽ được các doanh nghlệp kinh doanh xăng dầu cộng thêm vào giá thành.

Trước đây, Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu ở mức tối thiểu trong khung thuế suất và bằng mức phí xăng dầu là để không

gây xáo trộn trong việc quản lý thu khi chuyển từ phí xăng dầu sang thuế BVMT đối với xăng dầu.

Chi phí trả thuế, phí được các doanh nghiệp cộng vào giá thành. Do vậy, sự thay đổi trong chính sách thuế của Chính phủ sẽ tác động đến giá hàng hóa.

Việc điều chỉnh thuế được sử dụng tùy từng bối cảnh kinh tế- xã hội, diễn biến giá xăng dầu thế giới và phải đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên. Theo đó, khi giá xăng dầu tăng cao, Nhà nước điều chỉnh thuế nhập khẩu để giảm áp lực tăng giá xăng dầu trong nước, việc cắt giảm thuế cũng được thực hiện theo các cam kết hội nhập mà Việt Nam tham gia. Khi giá xăng dầu thế giới biến động giảm, để đảm bảo nguồn thu, Nhà nước có thể điều chỉnh tăng thuế, phí, tuy nhiên việc điều chỉnh này phải hạn chế thấp nhất tác động làm tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

1.3.3.2. Chính sách giá

Hiện nay, nước ta đã chuyển sang cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng là thị trường chưa hoàn thiện, vẫn còn đan xen giữa thị trường và chưa thị trường, tuy rằng tính chất thị trường đã nhiều hơn thể hiện cả trong cơ chế giá và hệ thống giá.

Giá cả có tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp, của cả người mua và người bán. Giá cả là một hệ thống tín hiệu khách quan trên thị trường, là một đòn bẩy kinh tế rất quan trọng để định hướng sản xuất, đầu tư, phân bổ nguồn lực của đất nước, tác động làm thay đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu đầu tư, tổ chức sắp xếp lại sản xuất dưới sự kiểm soát của thị trường. Tuy nhiên, do tính tự phát, tự điều chỉnh vốn có, sự biến động của giá cả cũng có thể tác động dẫn đến suy thoái, khủng hoảng và thậm chí huỷ hoại cả một hệ thống kinh tế nếu nền kinh tế có cơ chế quản lý giá và hệ thống giá

không hợp lý. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải có chính sách để bình ổn giá, kiểm soát tính tự phát của giá cả, góp phần khắc phục những khuyết tật của thị trường, giảm thiểu tổn thất xã hội.

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng thiết yếu đối với nền kinh tế, an ninh quốc phòng Việt Nam, sự biến động của giá xăng dầu tác động kéo theo giá cả các mặt hàng khác cũng sẽ biến động, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, do lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%) nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới trong khi đó giá xăng dầu trên thị trường thế giới thường xuyên biến động khó lường đòi hỏi Nhà nước phải có những biện pháp quản lý giá phù hợp. Mặt khác, tại Việt Nam, thị trường xăng dầu thuộc dạng cạnh tranh hạn chế (có doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường), vì vậy Nhà nước phải điều tiết về giá để kiểm soát giá độc quyền, bình ổn giá… đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện nay đang được thực hiện giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Tùy theo từng kỳ, với mục tiêu kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, để bình ổn giá cả thị trường nói chung, giá xăng dầu nói riêng, Nhà nước áp dụng các chính sách quản lý giá bao gồm:

- Quản lý giá bằng các biện pháp trực tiếp: Nhà nước định giá hoặc thực hiện bình ổn giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia và sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. Cụ thể, các biện pháp điều tiết giá của Nhà nước gồm:

+ Định giá: Định giá là việc nhà nước trực tiếp quyết định mức giá một hàng hóa hoặc một dịch vụ của doanh nghiệp. Theo quy định tại Luật Giá, Nhà nước định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản

phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Các hình thức định giá bao gồm định khung giá; mức giá cụ thể; mức giá tối đa, mức giá tối thiểu.

+ Bình ổn giá: Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá khi giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường hoặc mặt bằng giá biến động làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế xã hội, gây tác động xấu đến sản xuất và đời sống nhân dân. Theo đó, Nhà nước áp dụng có thời hạn một hoặc một số biện pháp như điều hòa cung cầu hàng hoá; các biện pháp tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý. Trong trường hợp cần thiết, lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nhằm mục tiêu hỗ trợ cho bình ổn giá; sử dụng quỹ bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống.

Trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp đăng ký giá để bình ổn giá đối với mặt hàng cụ thể thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước khi định giá, điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện đăng ký giá bằng việc lập biểu mẫu đăng ký giá gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

+ Hiệp thương giá: Trong nền kinh tế thị trường, một số hàng hoá, dịch vụ quan trọng được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đặc thù hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế; có tính chất độc quyền mua hoặc độc quyền bán hoặc bên mua, bên bán phụ thuộc nhau không thể thay thế được. Để đảm bảo lợi ích hợp pháp của bên mua và bên bán, tránh tình trạng lợi dụng thế độc

quyền hoặc liên minh độc quyền để tăng giá hoặc ép giá, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức và làm trung gian cho bên mua và bên bán thương lượng về mức giá mua, giá bán hàng hoá, dịch vụ. Theo đó, Nhà nước không can thiệp trực tiếp bằng các mệnh lệnh hành chính mà thông qua các thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm về chi phí sản xuất… để phân tích từ đó đưa ra một mức giá hợp lý có tính thuyết phục đảm bảo lợi ích của bên mua và bên bán.

+ Trợ giá là biện pháp Nhà nước sử dụng các biện pháp ưu đãi để giữ cho mức giá của hàng hoá gần sát với mức giá thị trường. Trong trường hợp bảo hộ cho người tiêu dùng, Nhà nước muốn giữ giá thấp hơn mức giá thị trường thì Nhà nước phải có ưu đãi, hỗ trợ cho người sản xuất và người bán để họ không nâng giá lên. Trường hợp bảo hộ cho người sản xuất, Nhà nước muốn giữ cho giá cả cao hơn mức giá cả thị trường nhằm thì phải có chính sách khuyến khích tiêu dùng để giá không bị giảm xuống dưới mức tính.

+ Kiểm tra yếu tố hình thành giá, các phương án giá của các hàng hóa, dịch vụ, độc quyền; hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước định giá; hàng hóa dịch vụ thuộc diện bình ổn giá; hàng hóa dịch vụ được sử dụng ngân sách Nhà nước.

- Quản lý giá theo hình thức gián tiếp: Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Theo đó, đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường đều được hình thành theo cơ chế thị trường. Nhà nước không trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành mức giá sản phẩm dưới bất kỳ hình thức mà Nhà nước thực hiện việc điều tiết và bình ổn giá cả thị trường chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách phát triển sản xuất, điều hoà cung- cầu; mua vào, bán ra hàng dự trữ quốc gia; kiểm soát hàng hoá tồn kho; chính sách tài khoá, tiền tệ... để gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận

động của giá cả thị trường. Đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá đối với một số mặt hàng, công khai thông tin về giá; hoặc thực hiện điều tiết thông qua các chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu. Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách tài chính nhằm bình ổn giá xăng dầu tại việt nam (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)