Bối cảnh nền kinh tế Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp hoàn thiện công tác quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP đại dương tài chính và ngân hàng (Trang 99 - 100)

3.1. Định hướng hoạt động tín dụng tại NHTMCP Đại Dương

3.1.1. Bối cảnh nền kinh tế Việt Nam

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, nền kinh tế thế giới đã có những bước thay đổi đáng kể trong năm 2009 và 2010. Tuy vậy trong 2 năm gần đây, kinh tế thế giới đang trải qua một năm đầy sóng gió với nhiều bài toán chưa tìm được lời giải, trong đó hai mối họa lớn nhất là nợ công Châu Âu và những khủng hoảng kinh tế Mỹ. Nằm trong khu vực kinh tế năng động và nhạy cảm của nền kinh tế thế giới, Việt Nam không thể không chịu tác động của những xu hướng phát triển kinh tế quốc tế nêu trên. Nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây cũng là những năm nhiều biến động. Lạm phát tăng cao năm 2011, nhưng sang đến năm 2012 và 2013 với các biện pháp kiềm chế, tốc độ lạm phát đã được hãm phanh, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với các nước lân cận: Trung Quốc 5,5%; Indonesia 4%; Malaysia 3,5%; Philippin 4,7% và Thái Lan 4,1%. Có thể thấy những bất cân đối vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam 2013 khá trầm trọng: thị trường bất động sản bị đóng băng từ đó lộ ra nhiều hệ lụy từ ngân hàng và tín dụng, giá vàng liên tiếp tạo nên các cơn sốt về giá, chứng khoán triền miên chuỗi ngày lao đao. Ba năm gần đây là thời gian sóng gió đối với các doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam. Đối với ngành Ngân hàng sau quãng thời gian tăng trưởng quá nhanh với 130 tổ chức tín dụng, gần 10.000 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước, hệ thống ngân hàng lộ rõ nhiều yếu điểm nguy hiểm: tỷ trọng sở hữu chéo cao, đạo đức kinh doanh xuống thấp, những cuộc đua lãi suất không ngừng và có dấu hiệu "sa lầy" vào bất động sản, nợ xấu gia tăng... Sau khi điều tra vĩ mô và xếp hạng các ngân hàng vào cuối năm 2011, thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phát

lệnh tái cấu trúc Ngân hàng, hợp nhất và sát nhập những ngân hàng yếu kém trong 2 năm 2012, 2013, để hình thành nên những định chế tài chính mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đồng thời lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng, giúp các ngân hàng phát triển bền vững.

Tốc độ tăng trưởng GDP tính bằng phần trăm của các năm kể từ 2009 đến 2013 lần lượt là: 5,32; 6,78; 5,89; 5,03; và 5,4. Có thể thấy mức 5,03% năm 2012 là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, và sang năm 2013 là 5,4% cũng chỉ cao hơn mức 5,3% năm 2009. Trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay, tăng trưởng GDP 5,4% là không tồi, tuy thấp so với kế hoạch đưa ra nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang suy giảm từ 5,1% xuống 4% và các nước trong khu vực ASEAN trước đây tăng trưởng 6,9% nay chỉ còn 5,3%, thì nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và hướng tới tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Đáng lo hơn nhiều là những vấn đề kinh niên của nền kinh tế gây ra bất ổn vĩ mô đã kéo dài từ nhiều năm như: thâm hụt ngân sách cao, thâm hụt cán cân thương mại lớn, lạm phát cao, đầu tư kém hiệu quả và hệ thống ngân hàng phát triển không bền vững.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp hoàn thiện công tác quản lý rủi ro tín dụng tại ngân hàng TMCP đại dương tài chính và ngân hàng (Trang 99 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)