2.2. Tình hình lao động nữ của Việt Nam sang làm việc tại thị trường Đông
2.2.3. Lao động nữ của Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc đảo gồm 4 đảo chính là đảo Honsu, Hokkaido, Kyushin, Shikoku và nhiều đảo nhỏ chạy dọc theo bờ biển phía Đông Bắc Á.
Nhật Bản có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, trong đó công nghiệp chiếm vị trí vô cùng quan trọng, phụ thuộc phần lớn vào việc nhập các nguyên, nhiên vật liệu thô. Mặc dù đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động một cách trầm trọng, song Nhật Bản lại có chủ trương bảo hộ thị trường lao động trong nước. Trên thực tế, với tỉ lệ sinh giảm, dân số già, Nhật không có sự lựa chọn nào khác để tiếp tục duy trì vị trí thứ hai của nền kinh tế này. Có nhiều cách để lách hàng rào cấm nhập cư như thông qua những chương trình đào tạo và học tập do chính phủ tài trợ mà các công ty Nhật Bản có thể tuyển lao động từ các nước thứ ba.
Trong thời gian qua, lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật dưới dạng tu nghiệp sinh. Chương trình tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài đến Nhật Bản được chia làm hai loại chính: đào tạo lý thuyết và đào tạo qua công việc thực tế. Tu nghiệp sinh Việt Nam đến Nhật Bản theo chương trình đào tạo qua công việc thực tế. Một công ty tiếp nhận có thể nhận được một số lượng tu nghiệp sinh tuỳ thuộc vào tính chất của công ty, vào số lao động làm việc thường xuyên tại công ty, xí nghiệp tiếp nhận. Thông thường các công ty phải có ít nhất từ 20 lao động trở lên mới được nhận tu nghiệp sinh nước ngoài. Hình thức tiếp nhận gồm có: Chương trình tu nghiệp do công ty thực hiện trực tiếp; chương trình tu nghiệp do công ty thực hiện qua trung gian; chương trình tu nghiệp được thực hiện với sự giới thiệu của Cơ quan hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (JITCO); ngoài ra còn có chương trình thực tập kỹ thuật dành cho tu nghiệp sinh đã hoàn thành khoá tu nghiệp thông thường. Họ có thể thực tập tay nghề tại cùng một doanh nghiệp mà họ đã kết thúc chương trình tu nghiệp trước đó.
Ký kết hợp đồng: Trong giai đoạn tu nghiệp, hợp đồng tu nghiệp là hợp
đồng đào tạo ký kết giữa cơ quan gửi tu nghiệp sinh và cơ quan tiếp nhận tu nghiệp sinh. Trong giai đoạn thực tập kỹ thuật, thực tập sinh trực tiếp ký kết
hợp đồng lao động với doanh nghiệp nhận thực tập sinh. Hợp đồng lao động ký giữa người sử dụng lao động và người lao động phải được nêu rõ mức lương, giờ làm việc và các điều kiện khác đối với người lao động. Tuy nhiên, đôi khi người sử dụng lao động không chỉ rõ những điều trên cho lao động nước ngoài. Khi các quy định trong hợp đồng khác hẳn so với thực tế, người lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động và người sử dụng lao động phải chịu các chi phí đi lại cần thiết cho người lao động nước ngoài trở về nước trong vòng 14 ngày do việc huỷ hợp đồng.
Quyền lợi cơ bản: Về cơ bản, đạo luật việc làm được áp dụng cho cả
người Nhật và người nước ngoài tại Nhật. Theo Điều 3 Luật tiêu chuẩn lao động quy định thì người sử dụng lao động không được phép phân biệt đối xử về lương, giờ làm việc hoặc các điều kiện làm việc khác vì lý do quốc tịch của người lao động.
Thu nhập: Trong thời gian tu nghiệp, tu nghiệp sinh không nhận lương mà chỉ nhận trợ cấp tu nghiệp. Mức trợ cấp này được quyết định bởi thoả thuận giữa tổ chức gửi và tổ chức tiếp nhận tu nghiệp sinh. Giai đoạn đầu, trợ cấp tu nghiệp sinh từ 300 - 400 USD/tháng, giai đoạn sau từ 600 - 800 USD/tháng. Từ 1995 đến nay, chính sách này lại được mở rộng thêm một bước: vào năm thứ 2 và năm thứ 3, tu nghiệp sinh được hưởng quy chế gần giống với lao động (được hưởng lương thay cho trợ cấp tu nghiệp, được phép làm thêm giờ và số tiền làm thêm này sẽ được hưởng toàn bộ mà không phải mất phí cho cơ quan nào… Nếu muốn người lao động làm quá giờ theo luật định hoặc làm thêm vào những ngày nghỉ cần phải có sự thoả thuận giữa chủ và thợ. Trường hợp làm quá giờ theo luật định, phía chủ phải trả thêm cho người lao động mức lương giờ tối thiểu là 25% cho các ngày làm việc trong tuần và với những ngày nghỉ phải trả thêm tối thiểu là 35%. Làm việc ban đêm (từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng), phải trả thêm tối thiểu từ 25% so với mức lương trong giờ.
Điều kiện về lao động: nữ tu nghiệp sinh phải nằm trong độ tuổi từ 20 - 40; có đủ sức khoẻ, đủ năng lực hành vi đáp ứng được yêu cầu tu nghiệp ở xí nghiệp tiếp nhận, được một cơ quan y tế của nước phái cử xác nhận, đảm bảo trong thời gian tu nghiệp không phải điều trị bệnh về răng. Về học vấn, phải tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc cao hơn; là người lao động phải có nghề và đang làm việc trong cơ sở sản xuất, dịch vụ được cử đi; có thời gian làm nghề ít nhất là một năm (tuy nhiên số tu nghiệp sinh này còn phải đào tạo lại cấp tốc ít nhất là 6 tháng); phải tu nghiệp công việc ở trình độ công nghệ cao, phải là người chưa từng đi tu nghiệp ở Nhật; trong thời gian tu nghiệp không được mang theo thành viên gia đình…
Cơ cấu ngành nghề: Từ năm 1992 đến nay đã có rất nhiều nữ tu nghiệp
sinh Việt Nam sang tu nghiệp tại các xí nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Phần lớn tập trung trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như dệt may, lắp ráp điện tử, chế biến và sản xuất nhựa, bao bì… Thời gian qua, phía Việt Nam và phía Nhật Bản đã bắt đầu đàm phán về việc Việt Nam cung ứng lao động là y tá và hộ lý vào làm việc ở bệnh viện, và cơ sở y tế của Nhật Bản, mở thêm một “kênh” mới cho nữ lao động kỹ thuật của Việt Nam. Đây là lĩnh vực đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao, có bằng cấp được nước tiếp nhận công nhận, có kinh nghiệm công tác nhất định và có khả năng sử dụng tốt tiếng Nhật. Trên thực tế, chúng ta cũng có nhiều nữ lao động và chuyên gia đáp ứng được các điều kiện đó, nhưng những người này lại có nhiều cơ hội làm việc ở Việt Nam với điều kiện làm việc tốt hơn. Vì vậy, trong thời gian qua, số lượng nữ lao động làm việc trong lĩnh vực này là không đáng kể, tuy nhiên, đây là một lĩnh vực tiềm năng trong thời gian sắp tới đối với lao động nữ của nước ta nếu chúng ta biết quan tâm và nắm bắt cơ hội kịp thời.
Qua số liệu ở bảng 2.1 ta thấy, ngay từ những năm đầu khi tu nghiệp sinh Việt Nam vào Nhật thì nữ tu nghiệp sinh của Việt Nam đã có mặt tại thị trường này, ban đầu chỉ chiếm một tỷ trọng khá khiêm tốn so với tổng số tu nghiệp sinh của Việt Nam ở Nhật Bản: năm 1992 là 8 người (3,81%), năm 1993 là 15 người (5,19%) và số lượng nữ tu nghiệp sinh của Việt Nam ở Nhật tăng vọt từ 72 người vào năm 1995 lên 541 người vào năm 1996, chiếm 40,28%. Trong những năm tiếp theo, tuy số lượng nữ tu nghiệp sinh tăng giảm không đều nhưng nhìn chung đều đạt ở mức trên 600 người mỗi năm. Năm 2000, số nữ tu nghiệp sinh của ta là 754 người, chiếm tỷ trọng cao nhất từ trước đến nay (49,77%), nhưng xét về con số tuyệt đối thì cao nhất lại là năm 2007, chúng ta đã đưa được 1.280 nữ tu nghiệp sinh sang thị trường này, chiếm 23,20%. Xếp thứ hai là năm 2001 với 1.008 người, chiếm 31,02%. Đáng chú ý là 6 tháng đầu năm 2008, mặc dù đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, song ta vẫn đưa được 2.364 người đi tu nghiệp tại Nhật, trong đó có 769 người là nữ, chiếm 32,53%. Từ 1992 đến nay chúng ta đã đưa được 34.182 người đi tu nghiệp tại Nhật Bản, trong đó có 10.166 nữ tu nghiệp sinh, chiếm khoảng gần 30%.
2.3.ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NỮ CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG ĐÔNG BẮC Á TRONG THỜI GIAN