1.2. Xuất khẩu lao động nữ
1.2.2. Một số đặc điểm của lao động nữ và xuất khẩu lao động nữ
1.2.2.1. Đặc điểm của lao động nữ.
So với lao động nam, lao động nữ nói chung và lao động nữ xuất khẩu nói riêng có những đặc điểm riêng biệt. Những đặc điểm này vừa là những thuận lợi nhưng cũng đồng thời là những điểm làm cho họ gặp nhiều khó khăn khi lao động ở nước ngoài.
Trước hết, xét về phương diện giới, phụ nữ có thiên chức mang thai, sinh con và nuôi con. Trong điều kiện kinh tế thị trường, đặc biệt là trong điều kiện đi XKLĐ, vấn đề này luôn được coi là hạn chế của phụ nữ với tư cách là “người đi tìm việc”. Bên XKLĐ và tiếp nhận lao động thường rất e ngại trong việc sử dụng lao động nữ. Họ thường kèm theo một số các điều kiện nhạy cảm liên quan đến vấn đề thai sản. Ngoài ra, với tư cách là một nửa còn lại của thế giới, phụ nữ luôn bị xem là đối tượng của nhiều tệ nạn, nhiều vấn đề xã hội như nạn buôn người hay mại dâm… Do vậy, lao động nữ làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương bởi sự cô lập, quấy rối và điều kiện làm việc tồi tệ; nhu cầu tăng lên đối với các cơ hội làm việc ở nước ngoài cũng có nghĩa là nguy cơ bị buôn bán cao hơn.
Xét về phương diện sinh lý, sức khoẻ thì phụ nữ thường bị hạn chế về thể lực so với nam giới nên không thích hợp với những công việc nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như sức khoẻ sinh sản, như những công việc ở trên độ cao, những nghề làm việc dưới nước, những công việc tiếp xúc với hoá chất hay những công việc đòi hỏi cường độ lao động cao. Như vậy, do đặc điểm sức khoẻ mà phạm vi lựa chọn công việc của phụ nữ cũng vô hình chung bị thu hẹp so với nam giới.
Xét về đặc điểm tâm lý, đa số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đều xuất thân từ nông thôn, là lao động phổ thông nên còn có những hạn chế nhất định. Bên cạnh những hạn chế chung đối với cả lao động nam như về ngoại ngữ kém, nhận thức chưa đúng hoặc thiếu đầy đủ về quan hệ chủ - thợ, về tác phong công nghiệp trong lao động hay chưa hiểu rõ về phong tục tập quán của nước NKLĐ…, lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ của Việt Nam, đều có bản tính nhút nhát, rụt rè, chưa quen tiếp xúc với người nước ngoài, kém tự tin. Song, so với nam giới, họ lại có tính chịu khó, nhẫn nhịn, nhanh nhẹn và dễ gần hơn. Lao động nữ còn có ý thức tổ chức kỷ luật, tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng tốt hơn nam giới. Nếu nam giới không làm được những việc quá tỉ mỉ, chi tiết, đòi hỏi sự khéo léo hay phải mất nhiều thời gian thì thực tế cho thấy, phụ nữ lại rất thành công với những công việc như vậy. Do đó phần lớn lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đều tập trung vào những công việc như giúp việc gia đình, y tá hay công nhân dệt may… Tuy nhiên, vẫn còn phổ biến hiện tượng lao động nữ mặc cảm về một số nghề nghiệp như giúp việc gia đình, phục vụ bán hàng, phục vụ ăn uống, chăm sóc người bệnh hay khán hộ…, coi những công việc này là hèn kém mà chưa nhận thức được rằng bất cứ công việc nào mà tạo ra thu nhập một cách chính đáng thì đều là vinh quang. Do đó, hầu hết những phụ nữ đi XKLĐ đều chỉ muốn làm công nhân. Điều này dẫn đến tình trạng là có quá nhiều người xin đi làm công
khán hộ công cao nhưng tuyển không đủ số người cần thiết hay không tuyển được [21].
Xét về những đặc điểm xã hội, so với nam giới, điều kiện sinh hoạt của lao động nữ thường phức tạp hơn. Xuất phát từ những đặc điểm mang tính tự nhiên như lao động nữ có thời kỳ mang thai, sinh đẻ, nuôi con,… mà điều kiện sinh hoạt tối thiểu của phụ nữ cũng phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định nhằm đảm bảo cho sự phát triển bình thường về sinh lý của họ. Có nhiều lao nữ gặp phải các vấn đề tại nơi cư trú hơn là nam giới. Phần lớn phụ nữ cảm thấy không an toàn tại khu vực mà họ cư trú, thậm chí ngay cả trong gia đình mà họ giúp việc.
Tất cả những đặc điểm về tự nhiên cũng như những đặc điểm về xã hội của lao động nữ kể trên đã tạo ra những tác động tích cực nhưng cũng có không ít tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu lao động nữ. Vì vậy, chương trình XKLĐ nữ cũng cần phải coi trọng và tạo điều kiện để người lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với những đặc điểm của họ.
1.2.2.2. Đặc điểm của xuất khẩu lao động nữ.
Xuất phát từ những đặc điểm của lao động nữ, ngoài những đặc điểm chung của hoạt động xuất khẩu lao động, XKLĐ nữ còn có những đặc điểm riêng nhất định.
Xét về đặc điểm thị trường, lao động nữ bị hạn chế ở những thị trường có nhu cầu về một số công việc phù hợp trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ như công nhân ngành may mặc, da giày, dệt, công việc gia đình hay một số dịch vụ. Trên thực tế, ngày càng có nhiều công việc chỉ đòi hỏi những lao động giản đơn, không cần chuyên môn kỹ thuật nhưng lại cần lao động khéo léo, tỉ mỉ, chịu khó, cần cù… Phụ nữ là những người đáp ứng được những phẩm chất này và là nguồn cung cấp lao động dồi dào cho các công xưởng, nhà máy… không chỉ ở trong nước mà còn sang cả phạm vi thị trường lao động nước ngoài. Chính vì vậy, hàng năm, nhu cầu tuyển dụng lao động nữ ở
các nước NKLĐ vẫn tăng lên. Tuy nhiên, lao động nữ xuất khẩu chỉ tập trung trong các lĩnh vực, ngành có tiền lương, tiền công thấp, các ngành sử dụng nhiều lao động và khu vực phi chính thức. Họ ít có cơ hội tiếp cận việc làm ở các ngành, khu vực sử dụng nhiều vốn, công nghệ và có tiền lương cao.
So với XKLĐ nam, XKLĐ nữ có mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều. Ngoài những rủi ro do tình trạng thiếu thông tin nên dễ bị các “cò lao động”, các công ty môi giới không có chức năng XKLĐ lợi dụng, lừa đảo để chiếm dụng vốn, thu phí không đúng quy định… lao động nữ còn dễ trở thành nạn nhân của việc buôn bán người qua biên giới. Tình trạng này đã được nhiều kênh thông tin đại chúng cảnh báo và đăng tải, các nhà quản lý lên tiếng. Do sự phối hợp quản lý lao động giữa các bên thiếu chặt chẽ nên lao động nữ còn là đối tượng của sự lạm dụng tình dục khi làm việc ở nước ngoài hoặc không được làm đúng những nghề nghiệp hay công việc như theo cam kết trong hợp đồng.