1.2. Xuất khẩu lao động nữ
1.2.3. Các yếu tố tác động đến hoạt động XKLĐ nữ
Như hoạt động xuất khẩu thông thường, xuất khẩu lao động nữ cũng chịu sự tác động rất lớn của quan hệ cung - cầu về lao động nữ. XKLĐ nữ không phải là một hiện tượng mới xuất hiện trên thế giới cũng như ở Việt Nam và trên thực tế, số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài không kém so với nam giới. Ngày càng có nhiều lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài hơn, thành phần và đặc trưng của lao động nữ cũng thay đổi nhiều so với trước đây.
Xu thế toàn cầu hoá đã và đang tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho phụ nữ, từ đó tác động trực tiếp tới hoạt động XKLĐ nữ. Khi thế giới trở nên phẳng thì bất cứ ai trong số chúng ta, đều có cơ hội làm việc ở một nơi không phải quê hương mình. Điều này cũng không loại trừ đối với lao động nữ. Toàn cầu hoá làm gia tăng việc làm cho các nền kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động nữ nông thôn nghèo ở các quốc gia, đặc biệt là ở khu
vực Đông Nam Á. Thực tế cho thấy, toàn cầu hoá đã mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động nữ trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến… Sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ ở nhiều nước đang phát triển như Tanzania, Maldives, Nepal và Uganda đã tạo thêm được rất nhiều việc làm mới cho lao động nữ ở cả khu vực kết cấu và phi kết cấu. Ở Philippines, rất nhiều phụ nữ tìm được việc làm ở nước ngoài trong lĩnh vực y tế. Rất nhiều phụ nữ ở Châu Á đã tìm được việc làm mới trong lĩnh vực dịch vụ ở cả trong nước và ngoài nước [24, tr27]. Đặc biệt trong ngành giúp việc gia đình và dịch vụ giải trí. Nhiều quốc gia, người sử dụng lao động nước ngoài sẵn sàng trả cho lao động nữ của nước khác mức lương cao hơn mức lương mà những người lao động đó có thể nhận được nếu làm việc ở trong nước do mức lương mà họ trả vẫn còn thấp hơn so với mức lương của lao động nữ sở tại hoặc do tính chất công việc mà lao động nữ ở nước sở tại không muốn làm.
Sự khác biệt về sinh lý - giới tính giữa nam và nữ cũng có tác động lớn đến hoạt động XKLĐ nữ. Khác biệt giới luôn tồn tại trong tất cả các dòng di cư, dù mức độ có khác nhau tuỳ theo từng khu vực. Phụ nữ di cư chiếm tỷ lệ khác so với nam giới. Họ làm việc trong những khu vực kinh tế đặc thù. Đóng góp cũng như vai trò của họ trong lao động cũng khác so với nam giới di cư. Do sự khác biệt này, lao động nữ thường gặp khó khăn từ khâu tuyển chọn cho đến lúc sang nước bạn làm việc. Nó ảnh hưởng đến sự phân bổ nam nữ lao động trong các ngành nghề khác nhau và sự xắp xếp, vị trí công việc trong ngành nghề hay lĩnh vực đã có những khác biệt rõ rệt. Trên thực tế, lao động nữ khó cạnh tranh được với nam giới vốn là những người có sức khoẻ và trình độ cao hơn, lại rảnh rang trong các chức năng tái sinh sản. Nhiều nhà sử dụng lao động nước ngoài không muốn tuyển lao động nữ vì ngại phải thực hiện chính sách xã hội và năng suất lao động bị sụt giảm. Kết quả là, do tình trạng
thất nghiệp, và vì kế mưu sinh, nhiều lao động nữ chấp nhận ra nước ngoài làm những công việc lương thấp và chế độ làm việc không đảm bảo.
Chính sách: do lao động nữ là đối tượng dễ bị tổn thương nên hoạt động XKLĐ nữ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách pháp luật của nước XKLĐ, nước NKLĐ cũng như các tổ chức quốc tế có liên quan. Trong thực tế, an ninh việc làm và phúc lợi xã hội tại nơi làm việc là một trong những mối quan tâm lớn nhất của LĐXK, đặc biệt là lao động nữ. Họ thường phải làm những công việc khó khăn, nặng nhọc nhưng nhìn chung họ không có được bất kỳ một sự bảo trợ về xã hội nào, chẳng hạn như chăm sóc sức khoẻ hay bảo hiểm. Thực tế cho thấy tình trạng sức khoẻ của lao động nữ di cư kém hơn, khả năng mắc bệnh cao hơn và tiếp cận kém hơn đến các dịch vụ y tế so với lao động di cư là nam giới. Vì vậy, hoạt động XKLĐ nữ đòi hỏi trong chính sách pháp luật của nước XKLĐ cũng như nước NKLĐ cần phải có những quy định riêng đối với người lao động nữ nhằm đảm bảo quyền lợi, sức khoẻ và sự an toàn của họ. Những lỗ hổng trong chính sách của quốc gia cũng như sự yếu kém về năng lực quản lý trong hoạt động XKLĐ là những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng quyền lợi của lao động nữ ở nước ngoài không được đảm bảo, buộc người lao động vào thế phải bỏ trốn để mưu cầu môi trường làm việc tốt hơn hoặc bù đắp chi phí, vay nợ. Điều này vừa đẩy người lao động, trong đó có rất nhiều lao động nữ, vào tình trạng cư trú bất hợp pháp, vừa phá vỡ các hợp đồng kinh tế giữa các bên gây khó khăn và giảm uy tín trong công tác XKLĐ.
Ngoài ra, XKLĐ nữ còn gặp trở ngại do những hạn chế trong gia đình và định kiến xã hội như tư tưởng trọng nam khinh nữ, đặc biệt đối với các nước Đông Nam Á. Người phụ nữ trong gia đình thường được coi là người nội trợ, chăm sóc con cái; bên cạnh đó, hầu hết những chị em có nhu cầu tham gia chương trình xuất khẩu là những người đã lập gia đình và đã có con nên điều này thường ít được gia đình hưởng ứng. Một số lao động nữ đã phải về nước
trước thời hạn do sức ép từ phía gia đình. Điều này vừa ảnh hưởng đến kinh tế của bản thân, gia đình, tốn hao sức khoẻ, tâm trí, thời gian và thậm chí còn gây ra dư luận không tốt về XKLĐ nữ.