Cải cách cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình chung của cả nước đồng thời mang tính đặc thù của địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk (Trang 80 - 85)

25 Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005-2010.

3.2.2.Cải cách cơ chế, chính sách cho phù hợp với tình hình chung của cả nước đồng thời mang tính đặc thù của địa phương.

nước đồng thời mang tính đặc thù của địa phương.

Đường lối phát triển kinh tế của một quốc gia thể hiện tư duy chiến lược và có vai trò quan trọng đối với thành công hay thất bại của nền kinh tế. Ở lĩnh vực vi mô, cơ chế, chính sách của địa phương cũng có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân. Thực tế cho thấy tỉnh nào có chủ trương và thực hiện chính sách trải “thảm đỏ” để đón các doanh nghiệp đầu tư vào thì tỉnh đó phát triển kinh tế một cách rõ rệt (Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bình Dương... là những ví dụ điển hình); địa phương nào còn e ngại hoặc chưa mạnh dạn thì các doanh nhân cũng e ngại khi đầu tư vào địa phương đó.

Nhà nước cần tạo môi trường thông thoáng, ổn định, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để mọi tổ chức, cá nhân yên tâm phát triển theo định hướng của Nhà nước. Loại bỏ các rào cản ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp, bỏ cơ chế xin cho trong việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, giao đất, cho thuê đất, giải quyết thủ tục kinh doanh. Khắc phục các tình trạng không minh bạch, thiếu đồng bộ, nhất quán trong quản lý, đầu tư và giải quyết thủ tục hành chính.

Thực tế cho thấy chưa có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, doanh nghiệp nhà nước luôn luôn được ưu ái hơn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh mặc dù luật pháp quy định là phải bình đẳng; nguyên nhân do doanh nghiệp nhà nước có cơ quan chủ quản (thường là cơ quan quản lý nhà nước), mà trong quá trình kinh doanh doanh nghiệp thường dựa vào mối quan hệ nhiều hơn là hệ thống luật pháp. Các doanh nghiệp quốc doanh còn được nhiều ưu ái về đất đai, tín dụng, quyền khai thác tài nguyên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước được “khoanh vùng” quyền sử dụng đất đai nhưng

thực tế lại không sử dụng hết, chỉ để trống hoặc cho thuê trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh không có đất để sản xuất kinh doanh.

Việc dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước đã tác động trực tiếp tới khả năng phát triển của kinh tế tư nhân. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Cần thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút vốn đầu tư đã được ban hành. Hết sức chú trọng về cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục. Định kỳ tổ chức các buổi gặp mặt, toạ đàm, hội thảo xúc tiến đầu tư để giải quyết các vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất.

Chú trọng phát triển ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn nhằm huy động tối đa nguồn lực cho phát triển, tạo ra nhiều của cải vật chất, thu hút lao động, tăng cường đóng góp vào ngân sách nhà nước. Để đạt được mục tiêu đó, phải tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và niềm tin vững chắc; đồng thời chủ động giúp đỡ kinh tế tư nhân tiếp cận về vốn, đất đai, lao động, thông tin thị trường nhằm tăng năng lực sản xuất.

Đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Đẩy nhanh quá trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – quyền sở hữu nhà, giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư và tiến tới cấp các loại giấy này qua mạng điện tử để giảm thời gian đi lại của nhà đầu tư, đồng thời hạn chế được các vấn đề tiêu cực.

Uỷ ban nhân dân tỉnh cần xoá bỏ cơ chế một cửa trong đăng ký kinh doanh mang tính chất lòng vòng như hiện nay và ban hành chính sách một cửa theo đúng nghĩa và theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đối với việc đăng ký kinh doanh, khắc dấu và đăng ký mã số thuế để giảm bớt thời gian đi lại và tiền bạc của nhà đầu tư (3 thủ tục: đăng ký kinh doanh, cấp mã số thuế và khắc dấu thực hiện tại một đầu mối là cơ quan đăng ký kinh doanh).

Bảo đảm các chính sách về đất đai, vốn, thuế thuận lợi cho các nhà đầu tư. Điều chỉnh giá thuê đất cho phù hợp với thị trường và theo khuôn khổ luật pháp cho phép. Cần cải cách cơ chế, thủ tục cho thuê đất, giao đất cho các doanh nghiệp để tránh lãng phí thời gian kinh doanh của doanh nghiệp và giảm chi phí đi lại không cần thiết. Đầu tư xây dựng những khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi về giao thông, nguồn nguyên liệu đồng thời phải bảo đảm về môi trường cho các doanh nghiệp thuê với phương án miễn giảm tiền thuê đất từ 1 – 3 năm đầu nhằm tạo điều kiện ban đầu cho các doanh nghiệp mới thành lập. Việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp phải chú ý đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kèm theo đến tận hàng rào các khu công nghiệp (đường, điện, nước, thông tin liên lạc...), kèm theo đó là các loại hình dịch vụ xã hội ăn theo như khu nhà ở cho công nhân, bệnh viện, khu giải trí... Nên quy hoạch hình thành thêm khoảng 10 cụm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp nhỏ tại các huyện và thành phố Buôn Ma Thuột.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đai phải đúng và quản lý được quy hoạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các tổ chức kinh tế lựa chọn lĩnh vực và địa bàn để đầu tư, kinh doanh; giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phải loại bỏ kiểu quy hoạch hành chính, áp đặt và không khả thi, không tuân thủ theo quy luật thị trường. Điển hình như quy hoạch xăng dầu trên địa bàn tỉnh là một ví dụ; Sở Thương mại – Du lịch chỉ thống kê những điểm đang kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định những điểm đấy là nằm trong quy hoạch, những doanh nghiệp nào muốn mở địa điểm mới thì phải đăng ký và chờ lần quy hoạch sau đưa vào, việc này tạo nên cơ chế xin – cho giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Tỉnh cần hình thành trung tâm thông tin về kinh tế – xã hội, quy hoạch, chính sách, các nguồn lực tài nguyên trên hệ thống mạng Internet. Đồng thời

cần có chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ cung cấp thông tin thị trường. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng, quảng cáo, quảng bá trên thị trường.

Mở những lớp tập huấn cho các doanh nghiệp về các văn bản luật pháp liên quan, vấn đề về gia nhập WTO, AFTA, Hiệp định thương mại Việt – Mỹ..., về các chính sách thuế, đất đai... để các doanh nghiệp nắm bắt được thông tin kịp thời nhằm đưa ra kế hoạch cho doanh nghiệp của mình. Hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại giám đốc các doanh nghiệp tư nhân về quản lý hành chính, quản lý sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi tham quan, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài.

Tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, các đơn vị kinh doanh mặt hàng có điều kiện.

Nhà nước tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh; nhất là xem xét đến phương án doanh nghiệp nhà nước liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của tư nhân nhằm tận dụng những ưu thế của nhau.

Cần tạo điều kiện cho chi nhánh Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, công ty thuê tài chính, các quỹ đầu tư hình thành và phát triển trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát hành trái phiếu, cổ phiếu mở rộng sản xuất.

Đẩy nhanh lộ trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước, chuyển dần sang hình thức tư nhân hoá bằng cách bán một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp nhà nước cho tư nhân (đối với những lĩnh vực nhà nước không cần thiết phải sở hữu).

Có những chính sách ưu đãi mạnh về thuế, phí, thời hạn thuê đất để thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công cộng nhằm thu hút tối đa vốn đầu tư của tư nhân.

Khuyến khích các hộ dân làm kinh tế trang trại bằng cách cho vay ưu đãi vốn, quảng bá nông sản phẩm trong phạm vi nội địa và nước ngoài.

Thực hiện tốt chính sách khuyến khích đầu tư khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp để giải quyết lao động ở nông thôn như phát triển hàng thủ công, mỹ nghệ, dệt thổ cẩm. Là một tỉnh thuộc Tây Nguyên với nguồn nguyên liệu phong phú, nhân lực dồi dào nhưng việc phát triển hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống vẫn chưa có nhiều nổi trội, còn manh mún và chưa có kế hoạch phát triển rõ ràng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như: Lập chương trình hỗ trợ phát triển những ngành nghề truyền thống, cho vay vốn để mở rộng sản xuất, miễn giảm thuế trong 1 – 2 năm đầu mới thành lập, mở những lớp đào tạo về quản lý cho các chủ cơ sở, tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại những địa phương trong cả nước và cả ở nước ngoài...

Quy hoạch và tạo điều kiện hình thành các làng nghề truyền thống; mời và thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi vào truyền dạy nghề, mở xưởng sản xuất; trước mắt nên tập trung ở các thôn, buôn thuận lợi về giao thông, có dịch vụ du lịch... sau đó sẽ nhân rộng đến các vùng xa xôi.

Sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch nhất là theo hướng du lịch thiên nhiên kết hợp với bảo vệ môi trường; hỗ trợ hoạt động thông tin và quảng bá du lịch với thị trường trong nước và quốc tế.

Đầu tư mở rộng và xây mới các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường trung học nghề. Nhà nước cần hỗ trợ thậm chí là miễn phí hoàn toàn đối với việc đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao dân trí và tạo công ăn việc làm ổn định cho đối tượng này. Tăng chi phí từ ngân sách tỉnh để xây dựng các trung tâm hỗ trợ đào tạo nghề.

Thực sự coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kêu gọi có chọn lọc các nhà đầu tư ở các nước đầu tư vào một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến nông – lâm sản, dịch vụ, công nghệ cao. Tăng cường kêu gọi, khuyến khích thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, viện trợ nước ngoài để phát triển kinh tế – xã hội toàn tỉnh. Không nên quá thành kiến với những nhà đầu tư là Việt kiều từ Mỹ, mà cần phải kêu gọi họ đầu tư về nước đồng thời có biện pháp để quản lý theo đúng quy định của pháp luật (trước đây do một số cán bộ của các cơ quan có thẩm quyền luôn e ngại việc đầu tư của các Việt kiều từ Mỹ là nhằm mục đích xấu nên đã quản lý quá chặt, dẫn đến hiện tượng đầu tư chui, trái với quy định của pháp luật). Mở rộng hợp tác đầu tư với nước ngoài, trước mắt đầu tư sang Lào, Campuchia những dự án mà chúng ta có nhiều lợi thế như trồng cao su, cà phê, khai thác chế biến lâm sản, xây dựng cơ sở hạ tầng...

Cần nhất là phải bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn ra sản xuất, kinh doanh. Trong những năm vừa qua, tình hình chính trị tại Tây Nguyên có một thời gian mất ổn định, gây hoang mang trong dân cư làm cho các nhà đầu tư e ngại, chưa thực sự yên tâm đầu tư, nhất là những nhà đầu tư ở bên ngoài tỉnh; do vậy, để thu hút đầu tư hơn nữa, chính quyền cần phải giữ vững ổn định chính trị. Cần phải chủ động phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các tình huống xảy ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk (Trang 80 - 85)