Kinh nghiệm phát triển hoạt động thương mại của một số nước châu á trên đây cho thấy xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, tạo thêm nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoại thương nói chung, xuất khẩu nói riêng đã gắn kết nền kinh tế trong nước với nền kinh tế thế giới, thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu kinh tế nội địa theo hướng hợp lý hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn. Các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh ở nhiều nước ASEAN được thể hiện qua chuyển từ chiến lược thay thế nhập khẩu sang chiến lược hướng mạnh về
xuất khẩu. Hàng hoá xuất khẩu được lựa chọn tuỳ theo thế mạnh của từng nước và thay đổi theo nhu cầu của thị trường quốc tế. Trong giai đoạn đầu thường phải xuất khẩu khoáng sản dạng thô, sản phẩm công nghiệp nhẹ tiến lên xuất khẩu sản phẩm chế biến cao cấp và sản phẩm công nghiệp nặng. Cơ cấu kinh tế phải được chuyển dịch từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất cho chiến lược hướng mạnh về xuất khẩu. Chương trình đầu tư và phát triển của Chính phủ, các chính sách kinh tế - tài chính - tiền tệ, kể cả bù giá, bù lãi suất để tập trung vào khuyến khích xuất khẩu. Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ việc tìm kiếm thị trường nước ngoài, ưu tiên nhập khẩu máy móc, công nghệ hiện đại, nguyên vật liệu cần thiết để tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô: Các nước Đông Á đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định trong suốt ba thập kỷ thành công. Điều này có nghĩa là các nước đó đã duy trì được tỷ lệ lạm phát ở mức thích hợp trong một thời gian dài. Ngoài ra, do các chính sách ngân sách và tiền tệ hợp lý mà các quốc gia này đã theo đuổi có thể duy trì tỷ giá hối đoái thực tế ổn định nhằm khuyến khích xuất khẩu phát triển.
Tăng tích luỹ đầu tư: Trên cơ sở các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả tránh được lạm phát, các nền kinh tế Đông á có thể đạt được tỷ lệ tiết kiệm cao. Tỷ lệ tiết kiệm trong nước trên 40% ở Malaixia và Singapo. Hàn Quốc và Thái Lan và Inđônêsia có tỷ lệ tiết kiệm trung bình là 30% trong khi Đài Loan có tỷ lệ tiết kiệm là 30 - 20%. Đối với đầu tư trong nước, nguồn tiết kiệm dồi dào trong nước chính là nguồn đầu tư đáng kể. Tuy việc áp dụng kinh nghiệm thành công của các quốc gia Đông Nam Á trong chính sách tăng tỷ lệ tích luỹ đầu tư có vẻ không thoả đáng vì Việt Nam có thu nhập ít hơn nhiều so với các nước Đông á khác có thu nhập cao. Việt Nam mới chỉ tăng trưởng nhanh trong thập kỷ vừa qua. Mặt khác, mức thu nhập thấp của Việt Nam cho thấy khả năng đuổi kịp nhanh chóng mức thu nhập của nhóm các nước có thu nhập thấp hơn Thái Lan và Inđônêsia.
Tỷ giá hối đoái cạnh tranh: Tất cả các quốc gia Đông Á đều có tỷ giá hối đoái cạnh tranh dựa trên tỷ giá gắn với một số ngoại tệ có điều chỉnh, hay cố định hoặc gần như cố định trong trường hợp của Hồng Kông và Thái Lan. Các chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả giúp duy trì tính ổn định của tỷ giá hối đoái thực tế. Trong thực tế, đây là một trong những lý do làm cho tăng trưởng xuất khẩu từ sản phẩm chế biến tăng nhanh chóng so với bất kỳ thời kỳ nào khác trong giai đoạn từ giữa những năm 60 đến giữa những năm 90, ngay trước cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ nhất.
Một bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng Đông Á là việc các nước này thực chất đã cố định tỷ giá hối đoái để dẫn đến thiệt hại trong cạnh tranh ngắn hạn. Khủng hoảng ở Thái Lan liên quan đến tỷ giá hối đoái gần như cố định của Thái Lan. Tỷ lệ dao động rất ít dưới áp lực sẽ như tỷ giá cố định và có xu hướng tăng khi tỷ lệ lạm phát trong nước vượt cao hơn tỷ lệ lạm phát của các đối tác thương mại. Vì tỷ giá tiền VND dường như ít thay đổi so với Đôla, việc Đôla tăng giá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Có một bài học để Việt Nam có thể xem xét và áp dụng là sử dụng giải dao động tiền tệ linh hoạt hơn khi có các tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng cho phép tỷ giá hối đoái được điều chỉnh theo các tác động từ bên ngoài. Vấn đề này có thể trở nên quan trong trong tương lai do Việt Nam đang dần hội nhập vào các thị trường tài chính thế giới.
Chính sách mở cửa thương mại: Một đặc điểm chung của các nền kinh tế Đông Á là mở cửa thương mại. Sự mở cửa nền kinh tế vượt ra khỏi phạm vi tỷ lệ cao giữa xuất khẩu và nhập khẩu so với GDP, hay được gọi là tỷ lệ thương mại. Các nền kinh tế Đông Á sử dụng rất nhiều công cụ nhằm đạt được tính trung tính trong hệ thống thương mại của mình bằng cách tạo ra cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp xuất khẩu để cân đối với cơ chế cung cấp các hoạt động thay thế thông qua bảo hộ dành cho các nhà nhập khẩu.
Tóm lại, dựa trên cơ sở các lý thuyết thương mại cho thấy, sự phát triển thương mại là một tất yếu khách quan. Trong chương này luận án đã khái
quát hoá một số khái niệm cơ bản về thương mại, cơ cấu thương mại, xuất khẩu, cơ cấu xuất khẩu, hội nhập quốc tế và các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế. Đồng thời, với việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, luận án đã rút ra một số bài học kinh nghiệm áp dụng cho Việt Nam trong quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hoá.
Chương hai