Bối cảnh quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 74 - 79)

- Các thị trường khác

3.1.1.2. Bối cảnh quốc tế

Sự phát triển của thương mại thế giới có thể coi là nhịp đập của sự phát triển kinh tế thế giới. Hiện đã có những công trình nghiên cứu đánh giá, dự báo về nhiều mặt của tình hình thế giới trong những thập kỷ tới. Các công trình nghiên cứu, dự báo tuy có khác nhau về mức độ đánh giá, nhưng các ý kiến khá tập trung về mức độ nhận định, đánh giá khẳng định một số xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới nói chung và kinh tế thế giới nói riêng trong các thập kỷ tới, những xu hướng này sẽ chi phối mạnh mẽ đến thương mại thế giới, đó là:

(1). Hoà bình, ổn định, đối thoại, hợp tác vì sự tiến bộ và phát triển

Đây là xu hướng được hình thành sau những năm sôi sục xung đột và bất đồng giữa các quốc gia. Thế kỷ XX là thế kỷ của các cuộc chiến tranh và sự đối đầu giữa các siêu cường. Trong gần 100 năm qua đã có 2 cuộc chiến tranh thế giới, hai cuộc chiến tranh cục bộ ở bán đảo Triều tiên và ở Việt Nam, hàng trăm cuộc chiến tranh lớn nhỏ trên các lục địa và một cuộc chiến tranh lạnh kéo dài với cao trào chạy đua vũ trang của các siêu cường.

Thực tế cho thấy những thành công trong phát triển kinh tế của Nhật Bản, NIEs,... nói chung đều diễn ra trong thời kỳ các quốc gia này chi phí cho

quốc phòng thấp hơn và không có chiến tranh, do vậy họ có điều kiện đặt phát triển kinh tế lên ưu tiên hàng đầu. Ngược lại, các quốc gia dù hùng mạnh như Mỹ và Liên Xô cũng không chịu được những chi phí chiến tranh to lớn, kéo dài, nền kinh tế của họ đều đã lâm vào suy thoái.

Đại đa số các quốc gia lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm, ưu tiên hàng đầu và do vậy, họ buộc phải tự kiềm chế, giữ gìn sự ổn định, hoà bình và hợp tác với nhau. Sang thế kỷ XXI, các quốc gia ngày càng nhận thức được rằng hoà bình, ổn định, đối thoại và hợp tác là con đường tốt nhất để giải quyết các xung đột và bất đồng giữa các quốc gia. Tuy nhiên, trên thế giới cũng đang tồn tại không ít nguy cơ là các cuộc chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, phát xít, chủ nghĩa thực dân đế quốc, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa sen đầm quốc tế,... Song những nguy cơ trên không ngăn chặn được chiều hướng hoà bình, ổn định, đối thoại và hợp tác đang lan rộng. Hoà bình, ổn định đối thoại và hợp tác đang và sẽ là xu hướng phát triển chủ yếu của thế giới trong những thập kỷ tới, chi phối hoạt động thương mại quốc tế trong mọi lúc, mọi nơi. Các tổ chức và diễn đàn hợp tác kinh tế thế giới và khu vực đã được hình thành nhằm giải quyết những xung đột về kinh tế và thương mại bằng thương lượng hoà bình.

(2). Toàn cầu hoá và khu vực hoá nền kinh tế.

Những cơ sở khách quan dẫn đến xu thế toàn cầu hoá và khu vực hoá đang phát triển không thể kìm giữ bao gồm:

- Một nền công nghệ toàn cầu ra đời và phát triển trước hết, phải kể tới công nghệ thông tin liên lạc, viễn thông, vận tải,... Sự phát triển của các công nghệ này đã làm cho khoảng cách giữa các quốc gia được thu hẹp lại, đây là cơ sở quan trọng đầu tiên.

- Các quan hệ kinh tế, trước hết là các quan hệ thương mại và đầu tư,..., hiện đã vượt ra khỏi biên giới của các quốc gia, đang đòi hỏi một không gian toàn cầu không có biên giới cho chúng tác động.

- Các vấn đề toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà cả trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, văn hoá, xã hội đòi hỏi mọi quốc gia phải phối hợp giải quyết.

Với các diễn biến thực tế hiện nay, có thể dự báo là xu hướng toàn cầu hoá và khu vực hoá trong những thập kỷ tới đây sẽ phát triển mạnh theo các hướng sau:

- Tự do hoá thương mại, đầu tư dịch vụ, lao động,... sẽ phát triển mạnh mẽ trong các khối kinh tế khu vực và trên cả phạm vi toàn cầu, trong khuôn khổ của WTO và các tổ chức toàn cầu khác.

- Các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội,... toàn cầu và khu vực sẽ phát triển mạnh mẽ và thu hút sự tham gia của tất cả các quốc gia.

- Sẽ dần dần hình thành các thể chế toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực.

- Liên hợp quốc sẽ được cải tổ và giữ vai trò của một cơ quan quyền lực toàn cầu, điều chỉnh hoạt động toàn diện của các quốc gia.

- Các công ty xuyên quốc gia sẽ là một hình thức tổ chức kinh tế phát triển phổ biến ở khắp các quốc gia.

Những xu hướng trên đây phát triển sẽ có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu cũng như mỗi quốc gia. Những tác động chủ yếu là:

- Quan hệ tuỳ thuộc lẫn nhau (chứ không phải lệ thuộc một chiều như trước) dựa trên nguyên tắc cùng có lợi và tự nguyện trở thành mối quan hệ quốc tế phổ biến.

- Biên giới quốc gia (cả về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá) trước hết là về kinh tế sẽ ngày càng mất tác dụng, một xã hội toàn cầu (hay như C.Mác dự báo, một thế giới đại đồng) sẽ xuất hiện dần dần. Vai trò và quyền lực của các tổ chức khu vực và toàn cầu sẽ ngày càng tăng lên, đồng thời quyền lực và vai trò của Nhà nước quốc gia dân tộc sẽ có những thay đổi thích hợp.

- Chiến lược và chính sách của các quốc gia không chỉ do chính phủ của các quốc gia quyết định mà còn phải có sự phối hợp khu vực và quốc tế. Thành công của các chiến lược và chính sách quốc gia sẽ tuỳ thuộc hơn vào chỗ chúng có đáp ứng được những đòi hỏi của tình hình khu vực và quốc tế, có thích ứng với xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá hay không.

- Việc đào tạo nguồn nhân lực của các quốc gia cũng sẽ do xu thế toàn cầu hoá và khu vực hoá chi phối. Quốc gia nào đào tạo được các nguồn nhân lực có khả năng hội nhập khu vực và toàn cầu tốt nhất, có chính sách thu hút các nguồn nhân lực có chất lượng cao thoả đáng, quốc gia đó sẽ có nhiều lợi thế nhất.

(3). Sự xuất hiện và phát triển của nhiều thế hệ công nghệ mới.

Công nghệ mà nhân loại đã sử dụng cho đến nay là công nghệ dựa trên kỹ thuật cơ khí, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên có hạn, không có khả năng tái tạo (như dầu mỏ, than đá, quặng kim loại...) gây ô nhiễm môi trường. Đến những thập kỷ gần đây, các nền kinh tế công nghiệp phát triển đã và đang vấp phải những giới hạn to lớn về nguồn tài nguyên; môi trường; chi phí sản xuất tăng cao; thị trường; những bất bình đẳng xã hội;... Nhiều học giả đã lên tiếng cảnh báo: "Nền văn minh công nghiệp đã đi vào ngõ cụt ". Con đường thoát khỏi những giới hạn đó là đẩy nhanh sự quá độ sang một cơ sở công nghệ mới về chất có tính toàn cầu: sự xuất hiện các loại máy tính và người máy công nghiệp; sự ra đời và phát triển của công nghệ thông tin với kỹ thuật dây dẫn quang học, các vệ tinh viễn thông đang hình thành các xa lộ thông tin toàn cầu; sự xuất hiện của vật liệu mới có khả năng tái sinh và không gây ô nhiễm môi trường; sự ra đời của công nghệ sinh học với các thành tựu về gen di truyền, lai tạo giống;...

Sự ra đời và phát triển của hàng loạt công nghệ mới cho phép tái cơ cấu lại, cải tiến căn bản về danh mục, chủng loại hình dáng, giá cả, công dụng và chất lượng của hàng loạt hàng hoá, dịch vụ theo hướng nhỏ, gọn, nhiều công

dụng hơn, tinh xảo hơn, giá rẻ hơn, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng đầy đủ hơn các nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người. Thực tế đó buộc phải cơ cấu lại mô hình tổ chức các công ty. Các đơn vị sản xuất sẽ được tổ chức với quy mô nhỏ hơn, chuyên môn hoá cao hơn và hoạt động mang tính toàn cầu hơn. Đồng thời, quá trình hợp nhất, sát nhập để trở thành lớn hơn, mạnh hơn, nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế toàn cầu.

(4). Chuyển sang kinh tế thị trường mở.

Bước vào thế kỷ XXI, đặc biệt là sau chiến tranh lạnh, các nước trên thế giới, kể cả các nước XHCN trước đây đã bác bỏ kinh tế thị trường, chuyển sang phát triển kinh tế thị trường ở những mức độ khác nhau. Nếu như trong thế kỷ XX chỉ có gần 30 quốc gia có nền kinh tế thị trường, thì nay hầu như cả thế giới thừa nhận và phát triển kinh tế thị trường. Theo giải thích của Jean Francoris Richard - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, trong một cuộc hội thảo gần đây ở Paris thì từ nay đã có 5 tỷ người sống trong kinh tế thị trường và điều đó không thể đảo ngược được, thay vì cách đây 10 năm chỉ có 1,3 tỷ người. Có thể nói đây là một bước chuyển rất căn bản, xu thế tự do hoá thương mại và đầu tư đang phát triển, có sức hấp dẫn mạnh và ngày càng được nhiều quốc gia chấp nhận. Việc chuyển sang nền kinh tế thị trường mở đang và sẽ là xu hướng nổi bật, có tính toàn cầu, có những tác động to lớn đến sự phát triển thương mại quốc tế nói riêng và đối với toàn bộ đời sống quốc tế nói chung:

- Trước hết, là thị trường thế giới sẽ được mở rộng. Xu thế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường sẽ làm cho các sản phẩm, dịch vụ, các bất động sản,... lâu nay không được lưu thông như hàng hoá, nay thành hàng hoá, làm cho thị trường của những quốc gia này sẽ được mở rộng, khai thông, hội nhập khu vực và toàn cầu, do vậy thị trường khu vực và thế giới sẽ được mở rộng trên mọi lĩnh vực.

- Thứ hai, tạo ra một động lực to lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Có người nghĩ rằng: "Cái gọi là thần kỳ kinh tế Nhật Bản và NIEs" chỉ là sản phẩm của thời kỳ chiến tranh lạnh, nghĩa là nhờ có sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây mới có được. Song sau chiến tranh lạnh, kinh tế Trung Quốc và ASEAN vẫn tăng trưởng cao 8 - 10%/năm, điều đó có nghĩa là chiến tranh lạnh không phải là điều kiện cho tăng trưởng cao. Điều kiện và động lực thực sự cho tăng trưởng cao chính là cơ chế thị trường mở và chính sách công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu.

- Thứ ba, cơ chế thị trường của mỗi quốc gia chịu sự tác động mạnh của cơ chế thị trường của các nước lớn, của khu vực và trên thế giới. Quốc gia nào mở cửa và hội nhập quốc tế càng sâu rộng thì sự tác động đó càng mạnh, thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường của quốc gia đó. Do vậy, việc ngăn chặn thị trường trong nước quan hệ với thị trường quốc tế trên thực tế chỉ làm suy giảm sức mạnh của cơ chế thị trường trong nước. Tuy nhiên, cơ chế thị trường quốc tế cùng có mặt tiêu cực và mù quáng của nó nên mỗi nước phải luôn tỉnh táo đưa ra được các biện pháp hạn chế những mặt tiêu cực này.

- Thứ tư, khi thị trường thế giới càng được mở rộng, xu hướng tự do hoá thương mại và đầu tư càng phát triển thì cạnh tranh khu vực và toàn cầu cũng sẽ càng dữ dội và khốc liệt hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 74 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)