3.2.1Mục tiêu thu hút FDI.
Trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2011 và định hướng phát triển kinh tế thủ đô giai đoạn 2011-2015. Thủ đô sẽ là trung tâm sáng tạo hàng đầu của cả nước với nhiều lĩnh vực đạt trình độ quốc tế; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ và thương mại lớn nhất ở phía Bắc; kinh tế tri thức phát triển với cơ cấu hiện đại, năng động và hiệu quả, thành phố cần chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực chủ yếu như: Phát triển ngành dịch vụ, công nghệ chất lượng cao, các trung tâm tài chính – ngân hàng, thương mại, phát triển các ngành công nghiệp điện tử, tin học, hình thành và phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, các dự án khu du lịch - dịch vụ, khu nghĩ dưỡng cao cấp, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng và một số lĩnh vực chuyên sâu và một số bệnh viện hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hà Nội xác định đầu tư trực tiếp nước ngoài là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội thủ đô. Những kết quả tích cực đạt được trong những năm qua đặc biệt là giai đoạn 2006-2010, kinh tế thủ đô có sự tăng trưởng rõ nét, môi trường đầu tư được cải thiện, cùng với việc mở rộng địa giới hành chính của thành phố, Hà Nội đã tăng được uy tín trong việc thu hút vốn đầu tư
trực tiếp, tạo đà cho sự gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp thủ đô trong những năm tới.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng của thành phố cũng như những nhân tố mới có tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài, có thể dự báo rằng, nếu giải quyết tốt những vấn đề kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính… thì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng. Từ những kết quả đạt được trong các năm trước, thành phố đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng chung cho doanh nghiệp FDI cũng như việc thu hút nguồn vốn vào thành phố như sau:
Hà Nội đặt mục tiêu nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội đề ra mục tiêu phát triển kinh tế như sau :
Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2015: 12-13%/năm; trong đó: Dịch vụ tăng : 12,2-13,5%/năm; Công nghiệp-xây dựng tăng:13,0- 13,7%/năm ; Nông nghiệp tăng : 1,5-2%/năm.
Cơ cấu kinh tế vào năm 2015:Dịch vụ chiếm: 54-55% ; Công nghiệp - xây dựng chiếm: 41-42% ; Nông nghiệp chiếm: 3,0-4,0%. Khi đó, GDP bình quân/người đạt: 4.100-4.300 USD.
Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2011-2015: từ 1.400-1.500 nghìn tỷ đồng (tăng trung bình 17,5-18,5%/năm). Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân: 14-15%/năm. Trong đó, vốn FDI chiếm khoảng 17%-18% trong tổng vốn đầu tư xã hội [21].
3.2.2Khả năng thu hút FDI
Theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2010 vốn FDI đăng ký của cả nước đạt 18,59 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 11 tỷ USD, cao hơn so với mức dự kiến, tăng 11% so với năm 2009, trong đó vốn thực hiện của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 8 tỷ USD, tăng 9,5% so với 2009. Trước
những kết quả khả quan năm 2010 cộng với những điều kiện thuận lợi trong nước và quốc tế; dự đoán nguồn vốn FDI thực hiện của cả nước năm 2011 có thể đạt 11- 15,5 tỷ USD trong đó vốn của nhà đầu tư ngước ngoài chiếm 8 đến 8,5 tỷ USD và vốn FDI đăng ký sẽ đạt khoảng 20 tỷ USD [52].
Trong điều kiện cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa được phục hồi thì việc giải ngân nguồn vốn FDI là một thành công lớn đối với Việt Nam, khẳng định Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian tới, dự báo vốn FDI vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào những địa phương có điều kiện thuận lợi về địa lý, tự nhiên nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, sẽ có cách tranh gay gắt giữa các vùng vì đã có sự thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế giữa các vùng.
Giai đoạn 2011-2015 và tới 2020 là giai đoạn đặc biệt của Hà Nội. Hà Nội mở rộng có thêm tiềm năng về đất đai, nguồn lực; quy mô thị trường; Hà Nội bố trí lại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu chức năng khác của thủ đô cho phù hợp với quy hoạch cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô. Hà Nội cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị. Vì thế, đây sẽ là cơ hội để Hà Nội thu hút được các dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp có vốn ĐTNN, đặc biệt là các nhà đầu tư từ các nước công nghiệp phát triển sẽ ngày càng mở rộng sang lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và dịch vụ chất lượng cao khi có sự khuyến khích của chính quyền. Các doanh nghiệp hỗ trợ khi có chính sách ưu đãi của thành phố sẽ có sự tham gia của các nhà ĐTNN sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế của Hà Nội, góp phần thúc đẩy hơn nữa nguồn vốn FDI vào thành phố để cùng với các nguồn vốn khác nhằm phát triển kinh tế xã hội thủ đô trong giai đoạn tới.