6. Kết cấu của luận văn
1.3. Cơ sở thực tiễn về chính sách chống bán phá giá của Mỹ
1.3.2.1. Quan điểm và mục đích của chính sách
Quan điểm cơ bản của chính sách CBPG của Mỹ là bảo hộ triệt để. Mục tiêu chính của biện pháp CBPG nói riêng và các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung của Mỹ là hạn chế cạnh tranh của các nhà xuất khẩu nước ngoài trên thị trường Mỹ (ở các mức độ khác nhau tùy thuộc từng biện pháp) nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Trong quá khứ, phần lớn các quy định, pháp luật về biện pháp CBPG ở Mỹ đều được ít nhiều chắp bút bởi các ngành sản xuất nội địa (đối tượng được hưởng lợi nếu các biện pháp này được áp dụng). Trên thực tế nhiều công ty (đặc biệt là các công ty lớn) có chiến lược phát triển bằng cách dựa vào việc sử dụng biện pháp này.
Tuy nhiên, hành động bảo hộ này của Mỹ cũng không phải là tùy tiện. Vì là một thành viên của WTO, hệ thống chính sách CBPG của Mỹ phải phải tuân thủ các nguyên tắc bắt buộc về nội dung và thủ tục quy định tại ADA. Nhưng với quan điểm bảo hộ triệt để, Mỹ đã tận dụng những quy định không cụ thể của ADA để bổ sung nhiều quy định mới trong hệ thống luật pháp về CBPG của mình nhằm tối đa hóa khả năng áp dụng biện pháp CBPG. Ví dụ, trong việc xác định biên độ phá giá, Mỹ đã đưa vào quy định phương pháp quy về không (zeroing). Đặc điểm của phương pháp này là giúp tối đa hóa kết quả trong quy trình tính toán biên độ phá giá, nhờ đó kết quả tính toán trở nên có lợi hơn cho bên nguyên đơn (là các ngành sản xuất cần được bảo hộ của Mỹ) trong các vụ kiện CBPG. Bên cạnh đó, Mỹ cũng triệt để áp dụng quy chế nền kinh tế phi thị trường trong các vụ kiện CBPG đối với một số đối tác thương mại của Mỹ. Đặc điểm của quy chế này là cho phép cơ quan điều tra của Mỹ có quyền lựa chọn một nước thứ ba để làm cơ sở tham chiếu, tính toán trong quá trình điều tra, việc này thường gây nhiều bất lợi cho nước bị điều tra. Pháp luật Mỹ cũng trao quyền cho cơ quan điều tra tự quyết định trong nhiều vấn đề như xác định sản phẩm tương tự, ngành sản xuất trong nước, việc sử dụng nguồn
thông tin…, và trong thực tế, cơ quan điều tra của Mỹ lại thường dựa vào các thông tin được cung cấp từ bên nguyên đơn (các nhà sản xuất trong nước), điều này tất nhiên sẽ gây bất lợi cho bên bị đơn.
Trong thực tế, giai đoạn 2000 - 2014, Mỹ đã tiến hành 433 vụ điều tra CBPG (trên tổng số 579 vụ điều tra CBPG và thuế đối kháng, tức tỷ lệ sử dụng công cụ CBPG lên tới 74,8%). Theo thống kê của WTO, trong giai đoạn 2000 - 2014, tổng số vụ điều tra CBPG trong WTO là 3769 vụ, tức số vụ điều tra CBPG của riêng nước Mỹ chiếm tới 11,5% tổng số vụ điều tra của tổ chức này.
Như vậy, trên cả phương diện chính sách lẫn thực tế, Mỹ là một trong những nước đi đầu trong việc sử dụng chính sách CBPG đối với hàng nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước. Quan điểm chính sách CBPG của Mỹ là bảo hộ triệt để với mục đích nhằm chống lại hiện tượng hàng hóa nước ngoài được nhập khẩu vào Mỹ với giá thấp hơn giá bán tại thị trường nội địa nước xuất khẩu hoặc nước thứ ba, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự trong nội địa của Mỹ.