Tác động của hành vi bán phá giá tới thị trường nước nhập khẩu và

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách chống bán phá giá của mỹ và những ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của việt nam (Trang 27 - 30)

6. Kết cấu của luận văn

1.2. Cơ sở lý luận về chống bán phá giá

1.2.1.3. Tác động của hành vi bán phá giá tới thị trường nước nhập khẩu và

khẩu

- Đối với nước nhập khẩu, tác động của hiện tượng BPG được nhìn nhận cả góc độ tích cực và tiêu cực bằng việc phân tích ảnh hưởng của nó đối với lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất có liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm cạnh tranh ở thị trường nhập khẩu.

+ Việc hàng hóa nhập khẩu BPG có những ảnh hưởng đáng kể đến người tiêu dùng của nước nhập khẩu cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong ngắn hạn, việc BPG đã tối đa hóa lợi ích cho người tiêu dùng vì họ có cơ hội mua được hàng hóa nhập khẩu với mức giá rẻ. Với tâm lý vị lợi, người tiêu dùng luôn có xu hướng lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu sử dụng ở mức giá thấp nhất có thể. Sự xuất hiện của hàng hóa nhập khẩu với mức giá thấp trên thị trường đã làm tăng khả năng thỏa mãn nhu cầu của họ. Phân tích thị trường trong trạng thái tĩnh, dùng phương pháp cộng độ thỏa dụng của từng cá nhân thành độ thỏa dụng của cả thị trường, có thể thấy, hiện tượng BPG có khả năng làm tăng thặng dư tiêu dùng tại nước nhập khẩu. Với nguyên tắc, trong kinh tế thị trường, lượng hàng hóa người ta mua phụ thuộc vào giá cả của nó, hiện tượng BPG của hàng hóa nhập khẩu có thể là động lực kích thích tiêu dùng. Theo đó, bằng việc tối đa hóa độ thỏa dụng cho người tiêu dùng, hàng hóa nhập khẩu BPG tác động tích cực đến nhu cầu của người tiêu dùng qua hiệu ứng thu nhập. Trong sách Kinh tế học Vi mô, nhóm tác giả đã khẳng định rằng hiệu ứng thu nhập phản ánh tác động của sự thay đổi giá cả đến lượng cầu của hàng hóa bằng cách làm tăng hoặc giảm thu nhập thực tế của người tiêu dùng (David Begg, 2010). Một khi giá của hàng hóa có xu hướng giảm, sẽ làm tăng hiệu ứng thu nhập của người tiêu dùng, từ đó tăng lượng tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, việc BPG hàng hóa nhập khẩu còn làm tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường. Việc hàng hóa nhập khẩu BPG với mức giá rẻ hơn so với hàng hóa nội địa đã tạo ra sức ép cho ngành sản xuất nội địa trong việc tìm cách thức nâng cao khả năng cạnh tranh theo nguyên tắc giá cả là tín hiệu đối với người sản xuất và người tiêu dùng. Khi hàng hóa nhập khẩu có giá rẻ hơn, hàng hóa nội

địa trở thành mặt hàng có giá cao tương đối. Với sự tác động của hiệu ứng thay thế, người tiêu dùng có xu hướng dùng hàng hóa nhập khẩu với giá rẻ hơn để thỏa mãn nhu cầu của mình và đẩy các doanh nghiệp nội địa vào tình trạng hoặc tìm cách giảm chi phí để tăng khả năng cạnh tranh về giá, hoặc mất khách hàng. Mức cạnh tranh tăng sẽ có tác dụng làm giảm sức ỳ của các doanh nghiệp nội địa, làm giảm khả năng bóc lột khách hàng của các doanh nghiệp nội địa với giả thiết rằng trước khi có hiện tượng BPG của hàng hóa nhập khẩu, các doanh nghiệp này đang có vị trí độc quyền.

Trong dài hạn, quyền lợi của người tiêu dùng có thể bị xâm hại nếu doanh nghiệp nước ngoài BPG hàng hóa để thực hiện chiến lược chiếm đoạt thị trường bằng cách định giá hủy diệt ngành sản xuất trong nước. Mặc dù BPG đem lại lợi ích cho người tiêu dùng ở hiện tại, song khi đã chiếm đoạt được thị trường nhập khẩu, giá của hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng vọt trong tương lai để các doanh nghiệp lấy lại những gì đã mất từ việc BPG ở giai đoạn trước. Người tiêu dùng lại trở thành nạn nhân của mức giá độc quyền do các doanh nghiệp nước ngoài ấn định. Sự suy đoán về khả năng giá tăng trong tương lai hoặc sản lượng hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm để chi phối cung cầu là một trong những căn cứ để kết luận về bản chất hạn chế cạnh tranh của hành vi BPG có mục đích chiếm đoạt thị trường.

+ Tác động của BPG đối với các doanh nghiệp có liên quan tại nước nhập khẩu. Các doanh nghiệp có liên quan ở đây là những doanh nghiệp hoạt động trên thị trường nước nhập khẩu trong những ngành sản xuất khác có sử dụng hàng hóa nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Khi hàng hóa nhập khẩu BPG, các doanh nghiệp nói trên có được nguồn nguyên liệu giá rẻ để sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho ngành sản xuất mà họ đang tham gia.

+ Tác động của BPG đến ngành sản xuất nội địa kinh doanh sản phẩm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu (gọi tắt là ngành sản xuất nội địa hoặc doanh nghiệp sản xuất nội địa). Tác động tiêu cực của BPG hàng hóa nhập khẩu chủ yếu được chứng minh bằng những thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa phải gánh chịu. Các

doanh nghiệp sản xuất nội địa và người lao động trong các doanh nghiệp này là nạn nhân thực tế và trực tiếp của việc hàng hóa nhập khẩu BPG. Nếu mức phá giá làm giá cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu thấp hơn chi phí sản xuất của hàng hóa nội địa, doanh nghiệp nội địa sẽ bị đẩy vào tình trạng cạnh tranh không lối thoát, hoặc chịu lỗ để chạy đua theo mức giá phá giá, hoặc mất khách hàng. Trong trường hợp mức phá giá làm giá cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu thấp hơn giá bán hiện tại nhưng không thấp hơn chi phí sản xuất của hàng hóa nội địa thì thiệt hại mà ngành sản xuất nội địa phải chịu là sự suy giảm lợi nhuận, suy giảm lợi tức đầu tư. Tuy nhiên, trong trường hợp này có hai khả năng trái ngược nhau xảy ra:

Thứ nhất, việc suy giảm lợi nhuận của ngành sản xuất nội địa là cần thiết cho lợi ích chung của thị trường nước nhập khẩu do các doanh nghiệp nội địa đang chi phối thị trường. Hàng hóa nội địa đang được bán với mức giá độc quyền nên việc BPG của hàng hóa nhập khẩu có thể giải phóng khách hàng khỏi tình trạng bị bóc lột cho dù gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.

Thứ hai, sự suy giảm lợi nhuận làm giảm tính hấp dẫn về đầu tư của thị trường nội địa. Khi mức phá giá đẩy mặt bằng giá hàng hóa cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nhập khẩu xuống gần bằng chi phí bình quân (giá thành của hàng hóa) sẽ làm giảm khả năng có lợi nhuận xuống mức tối thiểu. Đương nhiên, sức hấp dẫn các nguồn vốn đầu tư vào ngành sản xuất nội địa sẽ giảm cho dù việc BPG không đủ để loại bỏ các doanh nghiệp đang hoạt động.

Như vậy, việc BPG của hàng hóa nhập khẩu vừa có những tác động tích cực, vừa có tác động tiêu cực cho thị trường của nước nhập khẩu. Vì thế, khi tiến hành xử lý hành vi phá giá, Chính phủ thường bị đặt vào tình trạng phải giải quyết hài hóa các xung đột giữa quyền lợi của người tiêu dùng đang được thụ hưởng (được sử dụng hàng hoá với mức giá rẻ) và lợi ích của nhà sản xuất trong nước (bị giảm lợi nhuận do phải hạ giá thành để có thể cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu đang BPG và việc thị phần đang dần bị mất vào tay các nhà xuất khẩu từ nước ngoài). Cái khó khăn của Chính phủ phải đưa ra lựa chọn lợi ích cơ bản cần được bảo vệ. Đôi khi, trong các vụ việc chống BPG, các lực lượng thị trường với lợi ích đối lập luôn đấu

tranh với nhau và tạo ra những áp lực không nhỏ nhằm vận động, ép buộc cơ quan có thẩm quyền đưa ra các quyết sách phù hợp với lợi ích của họ.

- Đối với nước xuất khẩu, nhìn chung hành vi BPG có tác động tích cực. Cho dù xuất khẩu hàng hóa với mức giá thấp nhưng vẫn có lãi hoặc chấp nhận lỗ trước mắt để theo đuổi các lợi ích trong dài hạn, về lâu dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều có hiệu quả. Họ có khả năng thu lãi nhiều hơn, có khả năng tái đầu tư sang loại hình hàng hóa mới một cách tốt hơn. Theo đó, việc làm trong xã hội được tạo ra nhiều hơn, hiệu quả chung cho nền kinh tế tăng lên. Tác động tiêu cực có thể xảy ra là trường hợp doanh nghiệp giữ mức giá dưới chi phí quá lâu, vượt quá khả năng tài chính của mình mà vẫn không thể đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp và ít xảy ra với các doanh nghiệp có chiến lược và năng lực quản lý tốt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách chống bán phá giá của mỹ và những ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của việt nam (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)