2.1. Các giai đoạn phát triển của vận tải đa phƣơng thức quốc tế tại Việt Nam Nam
2.1.1. Giai đoạn từ 1980 đến 1986
Giai đoạn này vận tải đa phương thức quốc tế ở Việt Nam vẫn còn là một điều mới mẻ. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải của Việt Nam chỉ có liên quan đến vận tải đa phương thức quốc tế và bước đầu áp dụng như Vietfracht, Vietrans, Vosa. Việc áp dụng vận tải đa phương thức quốc tế cũng chỉ là thực hiện một công đoạn nào đó như việc sử dụng chứng từ, thuê phương tiện vận tải...
Tổ chức đầu tiên của nước ta trong tiên phong thử nghiệm mô hình vận tải này là Công ty vận tải và thuê tàu Việt Nam (Vietfracht). Năm 1982, Vietfracht tổ chức chuyên chở một số mặt hàng xuất khẩu từ thành phố Hồ Chí Minh đi Paris.
Vì là thử nghiệm áp dụng, Vietfracht phải sử dụng nhiều các dịch vụ của nước ngoài, bị ép giá dịch vụ, nên hiệu quả không cao.
Các công ty vận tải của Việt Nam, mà đi đầu là Vietfracht, Vietrans, Vosa đã nhận thức được sự tiến bộ của vận tải đa phương thức quốc tế và nỗ lực áp dụng. Nhưng giai đoạn từ 1983 đến 1986 vận tải đa phương thức quốc tế bị gián đoạn vì luồng hàng không thích hợp, giá thuê các phương tiện vận tải thủy bộ ở các nước châu Âu cao, các khâu trung gian và có liên quan chưa được liên hoàn.
2.1.2. Giai đoạn từ 1986 đến 2003
Cùng với công cuộc đổi mới năm 1986, nền kinh tế nước ta mở cửa hơn với các nền kinh tế khác thế giới. Quá trình mở cửa, hội nhập dẫn tới
ngoại thương phát triển mạnh hơn, thúc đẩy nhu cầu về vận chuyển hàng hóa. Sau một thời gian bị gián đoạn, vận tải đa phương thức quốc tế tại Việt Nam giai đoạn này cũng phát triển mạnh trở lại. Năm 1987-1988 Vietfracht triển khai hợp đồng vận chuyển để chở hàng cho Lào nhập từ Singapore về Savanakhet quá cảnh qua cảng Đà Nẵng. Sau đó Vietfracht còn thực hiện một số chuyến vận tải đa phương thức từ Việt Nam đến các tỉnh phía Nam Trung Quốc, hàng hóa chủ yếu là máy móc và nguyên vật liệu.
Đi tiên phong trong việc hợp tác, áp dụng công nghệ vận tải đa phương thức quốc tế phải kể đến Vietrans. Ngay từ năm 1988, Vietrans đã gia nhập và trở thành thành viên chính thức của FIATA Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế. Đến năm 1997, Vietrans làm đại lý vận tải cho IATA (Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế).
Tính đến năm 2002, ngoài Vietfracht, Vietrans, Vosa tham gia vận tải đa phương thức từ giai đoạn đầu, Việt Nam đã có thêm nhiều công ty tham gia vận tải đa phương thức như: Transimex, Viconship, Gemadept, Gematrans... Bên cạnh việc vận chuyển hàng hóa bằng phương thức vận tải đa phương thức quốc tế, các công ty vận tải của Việt Nam còn nhận làm đại lý cho các hãng vận tải quốc tế. Một số dịch vụ các công ty vận tải của Việt Nam thực hiện như: thay mặt các hãng tàu để làm các dịch vụ giao nhận hàng hóa từ cảng vào sâu trong nội địa; dịch vụ lưu kho lưu bãi; thu gom hàng, thu gom vỏ container; nghiên cứu thị trường...
Vận tải đa phương thức quốc tế tại Việt Nam giai đoạn này đã phát triển khá mạnh, nhưng chưa phát triển thành một ngành kinh doanh hoàn chỉnh. Hệ thống luật lệ, thể chế thống nhất các thủ tục, giấy phép xuất nhập khẩu và hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bằng vận tải đa phương thức còn thiếu.
2.1.3. Giai đoạn từ 2003 đến nay
Một trong những yếu tố quan trọng của vận tải đa phương thức ra sự ra đời của Nghị định số 125/2003/NĐ-CP về vận tải đa phương thức quốc tế và sau là Nghị định số 87/2009/NĐ-CP về vận tải đa phương thức. Nghị định quy định rõ điều kiện để được kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế, chứng từ trong vận tải đa phương thức quốc tế, trách nhiệm của người gửi hàng, người nhận hàng và người kinh doanh vận tải đa phương, những vấn đề về khiếu nại và khởi kiện. Đây là văn bản pháp lý quan trọng cho sự phát triển vận tải đa phương thức quốc tế tại Việt Nam. Trên cơ sở văn bản pháp lý này, các hoạt động kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế được kiểm soát, tạo một môi trường thuận lợi cho sự phát triển vận tải đa phương thức quốc tế tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2003 đến nay, một điều kiện thuận lợi nữa cho sự phát triển vận tải đa phương thức quốc tế tại Việt nam là: ngày 11 tháng 1 năm 2007 Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Là thành viên chính thức, Việt Nam đã phải thay đổi rất nhiều các thể chế, chính sách thương mại để đáp ứng các yêu cầu của WTO. Vận tải đa phương thức quốc tế không là một cam kết riêng của Việt Nam khi gia nhập WTO, nhưng lại có liên quan ở các cam kết của các ngành dịch vụ khác như vận tải đường bộ, vận tải biển, vận tải đường sắt... Các nước thành viên trong WTO cam kết các dịch vụ này được tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng, theo một cơ chế chung theo quy định của WTO.
Nhìn từ thực trạng hoạt động kinh doanh vận tải đa phương thức ở Việt Nam, ta thấy đa số các doanh nghiệp giao nhận hàng hóa của Việt Nam chỉ tham gia một vài công đoạn nào đó của vận tải đa phương thức quốc tế như: thuê phương tiện vận tải, thu xếp gửi hàng lên tàu, thu xếp giao nhận hàng hóa trong phạm vi nội địa... Theo thống kê, có đến hơn 90% lượng hàng
chuyên chở bằng vận tải đa phương thức quốc tế ở Việt Nam được thực hiện theo hình thức này, nhất là đối với hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, phần lớn các hợp đồng vận tải đa phương thức quốc tế do nước ngoài ký kết, các công ty giao nhận của Việt Nam chỉ đảm nhận khai thác vận tải đa phương thức quốc tế với tư cách là đại lý giao nhận, thực hiện công đoạn thu xếp vận chuyển nội địa, làm thủ tục hải quan... tùy theo sự ủy thác cảu chủ hàng.
Có thể nói vận tải đa phương thức quốc tế đang được áp dụng khá mạnh ở Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể hoạt động hoàn toàn dựa trên vận tải đa phương thức quốc tế. Một số công ty định hướng chuyên về khai thác vận tải đa phương thức quốc tế, nhưng vẫn chủ yếu làm đại lý cho các hãng tàu hoặc đảm nhận một phần của vận tải đa phương thức quốc tế.