1990 ĐẾN NAY.
2.1.1. Mục tiêu của chính sách tiền tệ.
Để phù hợp với quá trình đổi mới nền kinh tế đất nước, đòi hỏi phải đổi mới việc xây dựng CSTT. Trước hết việc xác định và lựa chọn mục tiêu điều hành CSTT đã được thực hiện phù hợp với đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu của CSTT đã hướng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Thực tế cho thấy, sự ổn định của tiền tệ, ổn định của hệ thống tài chinh là điều kiện hàng đầu cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam trước những năm 1990 đã nằm trong tình trạng lạm phát gia tăng với tốc độ phi mã. Đồng tiền bị mất giá trầm trọng, nền kinh tế suy thoái. Thêm vào đó, sự đổ vỡ hàng loạt quỹ tín dụng nhân dân đã làm giảm lòng tin của dân chúng vào hệ thống ngân hàng và giá trị của đồng Việt Nam.
2.1.2. Điều hành chính sách tiền tệ:
Nhằm thực hiện các mục tiêu CSTT đã lựa chọn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHTW là quản lý và điều hành khối lượng tiền cung ứng. Đối với
Việt Nam, việc quản lý, vận hành cơ chế cung ứng tiền, điều hành, kiểm soát tiền tệ đã được đổi mới từng bớc theo nội dung và nguyên tắc hoàn toàn khác với cơ chế kế hoạch hoá tập trung. Trong thời kỳ bao cấp, chỉ tiêu phát hành tiền do chính phủ quy định và thường xuyên được dùng bù đắp cho thâm hụt chi tiêu của chính phủ. Do đó tổng mức cung ứng tiền vượt quá tổng cầu trong nền kinh tế dẫn đến vòng xoáy lạm phát giá - lương - tiền. Việc không kiểm soát chặt chẽ khối lượng tiền cung ứng qua kênh tín dụng; chất lượng thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng thấp làm cho nhu cầu tiền mặt lớn, gây khó khăn cho NHNN trong việc điều hoà tiền mặt.
Từ năm 1990, NHNN đã cải cách mạnh mẽ việc xây dựng và điều hành CSTT. Đã xác định được khối lượng tiền cung ứng hàng năm phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Đồng thời NHNN đã lựa chọn sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, chủ động điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng được chính phủ phê duyệt hàng năm, vậy đã cung ứng đủ phương tiện thanh toán đảm bảo sản xuất - lưu thông không bị ách tắc, kinh tế tăng trưởng, đẩy lùi được lạm phát phi mã. Đặc biệt từ 1993, NHNN đã thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả lượng tiền cung ứng, sử dụng linh hoạt các công cụ của CSTT, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và kiểm soát lạm phát ở mức một con số.
2.1.3. Quyết định và thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia.
NHNN có nhiệm vụ xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia, kế hoạch cung ứng lượng tiền bổ sung cho lưu thông hàng năm trình Chính phủ, trình Quốc hội. Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Trên cơ sở dự án CSTT đã được phê chuẩn bởi Quốc hội, Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, quyết định lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông hàng năm, mục đích sử dụng số tiền này và định kỳ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Để tư vấn cho chính phủ trong việc quyết định các vấn đề thuộc quyền hành về xây dựng và tổ chức thực hiện CSTT, Chính phủ thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia gồm: Chủ tịch là một Phó Thủ tướng chính phủ; Uỷ viên thường trực là Thống Đốc NHNN; các Uỷ viên còn lại là Thứ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư, Thứ trưởng Bộ thương mại, Chủ tịch uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Trưởng ban vật giá Chính phủ, Tổng cục trưởng tổng cục thống kê và một số chuyên gia am hiểu về lĩnh vực tài chính - ngân hàng.