3.1. MỤC TIÊU HOÀN THIỆN CÁC CÔNG CỤ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ
3.1.3. Yêu cầu của việc xây dựng và phát triển hệ thống công cụ chính
sách tiền tệ ở Việt Nam.
Hệ thống các công cụ của CSTT được xây dựng và sử dụng nhằm tạo hiệu lực và hiệu quả cần thiết cho các biện pháp do ngân hàng trung ương thực thi. Trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường với hệ thống ngân hàng được tổ chức thành 2 cấp, điều hành CSTT mang tính chất điều tiết vĩ mô: Thông qua việc thay đổi các điều kiện trong môi trường tiền tệ mà hướng tới các tổ chức tín dụng vào việc thực hiện các điều chỉnh phù hợp với mục tiêu chính sách, đồng thời vẫn bảo đảm tính tự chủ kinh doanh và duy trì được môi trường cạnh tranh (bình đẳng) giữa các tổ chức tín dụng. Do vậy, yêu cầu đối với hệ thống công cụ là tính hiệu lực cao, tính phù hợp thị trường và bảo đảm tính hệ thống:
- Tính hiệu lực cao: Yêu cầu này cần được hiểu là khả năng chuyển tải đúng hướng tác động của một biện pháp chính sách cùng lúc đến tất cả các tổ chức tín dụng để tạo ra hiệu ứng rộng khắp đối với hệ thống ngân hàng và tạo ra hiệu ứng mong muốn đối với môi trường kinh tế vĩ mô (ví dụ: nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích đầu tư, tăng trưởng kinh tế hoặc thắt chặt tiền tệ, làm cho đồng tiền trở nên khan hiếm, hạn chế việc tăng giá hàng hoá dịch vụ, có tác dụng kiềm chế lạm phát). Đồng thời, trong yêu cầu này cùng hàm chứa tính tác động một chiều, quyền chủ động thuộc về ngân hàng trung ương, buộc các tổ chức tín dụng phải có phản ứng phù hợp. Ngoài ra, xuất phát từ yêu cầu điều tiết tiền tệ, tín dụng, tính hiệu lực phải thể hiện ở cả ba mặt: chiều hướng, số lượng và thời hạn.
- Tính phù hợp thị trường: Đặc điểm của thực thi CSTT là tác động lên môi trường tiền tệ, mà chủ yếu là các điều kiện trên thị trường tiền tệ, làm thay đổi quan hệ cung - cầu về vốn ngắn hạn trên thị trường, thông qua đó các tổ chức tín dụng phải điều chỉnh các hoạt động huy động vốn, cho vay và lãi suất đối với các khoản vốn này. Do đó, các công cụ sử dụng để tác động trên môi trường này cần phù hợp các yêu cầu của cơ chế thị trường để tạo ra những yếu tố có ảnh hưởng xấu đến cơ chế hoạt động của thị trường và sự cạnh tranh bình đẳng của các đối tác trong nền kinh tế.
- Tính hệ thống: Thông thường, ngân hàng trung ương sử dụng nhiều công cụ khác nhau để thực thi CSTT vì mỗi công cụ có công dụng khác nhau. Các công cụ của CSTT hỗ trợ, bổ sung cho nhau, có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp chặt chẽ với nhau thành một hệ thống, bảo đảm khả năng tác động hoàn chỉnh, toàn diện và linh hoạt nhằm đối phó xử lý một cách chủ động (hoặc tương đối chủ động) mọi tình huống xảy ra trên thị trường. Xuất phát từ yêu cầu này, NHTW cần phải có tương đối đầy đủ các công cụ cần thiết tuỳ theo đòi hỏi của tình hình và điều kiện cụ thể của thị trường trong từng giai đoạn phát triển của nó.
Trên đây là những yêu cầu có tính nguyên tắc trong việc xây dựng và phát triển hệ thống công cụ của CSTT trong điều kiện kinh tế thị trường. Bởi vì, thực chất các yêu cầu trên không gì khác hơn là thể hiện các tính chất cơ bản của hệ thống công cụ của CSTT trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Thiếu một trong ba yêu cầu thì các công cụ sẽ không tạo thành hệ thống hoặc không thích hợp đối với điều hành CSTT trong điều kiện hiện nay và thời gian tới. Tuy nhiên, đó chỉ là những yêu cầu cơ bản và chung nhất. Nếu phân tích từng yêu cầu, chúng ta có thể nêu ra những yêu cầu cụ thể chi tiết hơn đối với hệ thống công cụ của CSTT. Ví dụ: Yêu cầu về tính hiệu lực sẽ liên quan đến tính pháp lý (luật định) của các công cụ, do đó có kèm theo các chế tài cần thiết để xử lý vi phạm, vị trí độc lập tương đối của ngân hàng trung ương trong hoạch định và thực thi CSTT,...