SÁCH TIỀN TỆ.
Với tất cả các công cụ trên, NHNN tổ chức xây dựng và thực hiện hướng vào hệ thống mục tiêu CSTT. Sử dụng công cụ nào tùy thuộc vào mục tiêu CSTT được lựa chọn trong thời kỳ đó để phát huy hiệu quả cao nhất trong điều hành, nguyên lý chung là không sử dụng các công cụ một cách độc lập mà phải có sự phối, kết hợp các công cụ với nhau. Với điều kiện hiện tại của thị tr ường tiền tệ ở Việt Nam, có thể thực hiện hai phương án kết hợp như sau:
3.3.1. Phối hợp NVTTM, DTBB và chính sách tái chiết khấu.
Sự phối hợp này hướng vào mục tiêu kiểm soát tổng lượng M2 nhằm tạo ra sự cân bằng bên trong trên cơ sở kiểm soát được lãi suất. Đây là phương án phối hợp nhằm có được sự ổn định trên cơ sở khối lượng tiền phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi. NHNN làm tăng hay giảm khối lượng tiền để tác động vào đầu tư,
sản lượng và các mục tiêu xây dựng khác bằng cách sử dụng đồng thời các công cụ trên theo nguyên lý cùng chiều hoặc đảo ngược.
- Nguyên lý cùng chiều là sử dụng cả ba công cụ để làm tăng hoặc giảm khối lượng tiền. Theo cách này NHNN sẽ giảm lãi suất tái chiết khấu; mua trên TTM; và giảm Tỷ lệ DTBB để tăng M2 nhằm thúc đẩy đầu tư, nâng cao sản lượng.
Hướng điều tiết này sử dụng khi nền kinh tế đang có tình trạng thoái cầu hoặc giảm phát. Ngược lại NHNN tăng lãi suất tái chiết khấu, bán ra trên TTM và tăng tỷ lệ DTBB để thu hẹp M2 nhằm kiểm soát lạm phát. Hướng điều tiết này sử dụng khi nền kinh tế đang có lạm phát cao. Vì việc điều tiết lãi suất tái chiết khấu cũng có ảnh hưởng đến mục tiêu tỷ giá cho nên cần theo dõi chặt biến số tỷ giá trên thị trường. Nếu có sự biến động của tỷ giá không theo ý muốn thì NHNN phải đồng thời điều chỉnh tỷ giá bằng cách can thiệp trên thị trường ngoại tệ để đảm bảo sự cân bằng tổng thể. Khi sử dụng nguyên lý cùng chiều để can thiệp thường dễ gây "sốc" cho thị trường nên NHNN cần phải thận trọng và đặc biệt là phải dự báo tổng lượng M2 cần tăng hoặc giảm một cách chính xác để tăng
cường sự chủ động trong điều tiết tiền tệ.
- Nguyên lý đảo ngược là sử dụng một đến hai công cụ theo một hướng điều tiết, còn các công cụ khác mang tính hỗ trợ để sẵn sàng đảo ngược tình hình khi cần thiết. Theo cách này NHNN chọn công cụ chủ đạo làm tâm điểm điều hành, còn các công cụ khác hỗ trợ cùng chiều hoặc đảo ngược tùy theo tình hình thực tế. Sử dụng công cụ đảo ngược sẽ là cách ổn định lại tình hình.
Hiện nay các nước phát triển thường chọn công cụ chủ đạo là NVTTM. Nhưng với Việt Nam vì NVTTM mới được áp dụng, chưa phát huy được hiệu quả. Vì vậy, trong giai đoạn này NHNN nên sử dụng lãi suất tái cấp vốn và NVTTM cùng đóng vai trò chủ đạo trong điều hành, còn công cụ tỷ lệ DTBB mang tính hỗ trợ. Trong điều kiện bình thường, NHNN can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng lãi suất tái cấp vốn và NVTTM. Khi cần thiết NHNN sử dụng kết
hợp các công cụ khác để làm tăng tính hiệu lực và đồng bộ trong quá trình điều hành. Sự phối hợp như vậy vừa phù hợp với mức độ phát triển thị trường, năng lực điều hành của NHNN, vừa phù hợp xu thế chung của các nước trên thế giới.
3.3.2. Phối hợp công cụ tỷ giá với công cụ lãi suất.
Sự phối hợp này hướng vào mục tiêu tỷ giá nhằm tạo ra sự cân bằng bên ngoài trên cơ sở tỷ giá ổn định. Nếu đạt đ ược mục tiêu tỷ giá thì sẽ góp phần ổn định các mục tiêu kinh tế đối ngoại và đặc biệt là khắc phục được dòng chảy từ nội tệ sang ngoại tệ. Mặt khác sự phối hợp chặt chẽ giữa hai công cụ này còn góp phần ổn định đầu tư tạo ra sự cân bằng bên trong trên cơ sở kiểm soát được lạm phát. Có thể nói đây là phương án phối hợp tạo ra trục điều hành trung tâm của CSTT. Nếu sự phối hợp này không bền vững, không đồng bộ thì mọi công cụ khác đều không phát huy hiệu quả và thậm chí còn phản tác dụng.
NHNN phải duy trì được mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá sao cho không làm xuất hiện các dòng chảy tiền tệ. Muốn vậy phải có sự cân bằng tương đối với mức sinh lời giữa nội tệ và ngoại tệ. Có ba cách để tìm đến sự cân bằng đó:
- Điều tiết tỷ giá, thả nổi lãi suất.
NHNN điều tiết tỷ giá theo xu hướng biến động của lãi suất (lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cơ bản). Thực chất ở đây NHNN chỉ sử dụng công cụ tỷ giá.
- Điều tiết lãi suất bám sát theo xu hướng biến động của tỷ giá. Thực chất ở đây NHNN chỉ sử dụng công cụ lãi suất.
- Điều tiết tỷ giá, điều tiết lãi suất.
NHNN sử dụng cả hai công cụ trong mối quan hệ đan xen với nhau để tạo ra sự cân bằng cần thiết. Xuất phát từ thực tế của Việt Nam chưa thể loại bỏ ngay một trong hai công cụ nói trên cho nên NHNN thực hiện điều tiết cả lãi suất và tỷ giá. Khi tỷ giá tăng quá mạnh, một mặt NHNN can thiệp vào thị trường ngoại tệ để kiểm soát tỷ giá nhưng mặt khác NHNN tăng dần lãi suất (đặc biệt là lãi suất tái chiết khấu) trên thị trường nội tệ để cho mức sinh lời tương đương của hai đồng tiền được duy trì. Nguợc lại khi tỷ giá giảm, NHNN phải điều tiết để lãi suất giảm theo. Với sự phối hợp như vậy sẽ tạo ra hiệu lực trong điều hành CSTT, khắc phục được hậu quả của sự leo thang tỷ giá.
KẾT LUẬN
Trong xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá như ngày nay, nền kinh tế không chỉ chịu ảnh hưởng của các nhân tố bên trong mà còn chịu tác động mạnh mẽ bởi những nhân tố bên ngoài. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế một cách bền vững cũng như đat được các mục tiêu của CSTT một cách tốt nhất, đòi hỏi tất yếu phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện việc sử dụng các công cụ
CSTT. Vì vậy, tác giả đã chọn đề tài “Sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ ở
Việt Nam, thực trạng và giải pháp”.
Trên cơ sở vận dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu, bám sát mục tiêu, từ lý luận đến đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp, luận văn đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản sau.
Một là, hệ thống hoá nội dung cơ bản các công cụ CSTT và sử dụng các
công cụ này trong quá trình vận hành CSTT. Đồng thời, luận văn cũng đề cập đến việc sử dung các công cụ CSTT ở một số quốc gia trên thế giới. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học đối với Việt nam.
Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng sử dụng các công cụ CSTT ở Việt
Nam trong thời gian qua. Đồng thời làm rõ những thành công và tồn tại trong việc sử dụng các công cụ CSTT. Từ đó, chỉ ra những vấn đề cần phải nghiên cứu và giải quyết trong thời gian tới.
Ba là, luận văn đã đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện việc sử dụng các
công cụ CSTT ở Việt nam.
Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng đây là một vấn đề khá rộng, trong điều kiện nghiên cứu có hạn, nên luận văn không tránh khỏi những thiếu sót. Tôi xin chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp của các thầy cô giáo, những người quan tâm để luận văn được hoàn thiện hơn.