Hiện nay, gần 100% doanh nghiệp da giày sản xuất gia công. Ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực da giày của Việt Nam rất khó phát triển, do sản xuất gia công phải chịu sự chi phối của khách hàng theo chỉ định nhập nguyên liệu.
Trong nhiều năm vừa qua, ngành công nghiệp giày dép và CNHT ngành giày dép đều có sự tăng trưởng về số lượng và quy mô. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa DN giày dép so với DN CNHT ngành giày dép còn quá thấp, chứng tỏ một sự thiếu hụt lớn về sản phẩm CNHT trong nước.
Với lợi thế về quy mô và giá rẻ về nhân công, và đặc thù của ngành là dễ dàng đào tạo nhân công, trong những năm vừa qua, ngành giày dép luôn là ngành xuất khẩu thu ngoại tệ chủ yếu của đất nước, đứng thứ 3 sau dầu khí và dệt may và sản phẩm ngành đã có mặt ở hầu hết các thị trường lớn thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, các DN CNHT ở Việt Nam, đặc biệt là các DN có vốn nhà nước và DN dân doanh, hoạt động yếu kém cả về trình độ, quy mô, khả
năng cung cấp và khả năng tiếp cận thị trường, chất lượng sản phẩm thì không ổn định, chủ yếu phục vụ trong nước nên không đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các DN FDI trong ngành giày dép lại thực hiện phương thức chỉ định đối với nguồn cung cấp nguyên vật liệu, thậm chí, trực tiếp nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài để các DN trong nước thực hiện gia công [1].
Trong năm 2012, nhập khẩu nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da, giày Việt Nam đạt 11,37 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn nhập khẩu chính vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản [1]. Tính đến tháng 12 năm 2012 thì Việt Nam có 1260 doanh nghiệp da giầy với giá trị sản xuất công nghiệp đạt 152.013 tỷ [9].