4. Kết cấu của luận văn
1.3. Kinh nghiệm quốc tế và trong nước trong quản lý tài sản công
1.3.1. Kinh nghiệm quản lý tài sản công tại một số quốc gia trên thế giới
1.3.1.1. Trường hợp của Vương Quốc Anh
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng nợ công và vấn đề nợ công đã trở thành yếu tố đe dọa đến sự ổn định tình hình chính trị và khả năng phục hồi, phát triển kinh tế của nhiều quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Nhằm giải quyết vấn đề nợ công, hầu hết các quốc gia thuộc EU đều thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng ở các mức độ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nước trong Liên minh. Theo đó, Chính phủ Anh đã thành lập Cơ quan dịch vụ mua sắm công để thực hiện rà soát toàn bộ việc chi tiêu của các Bộ, ngành Trung ương (17 Bộ, ngành với
mức chi tiêu cho việc mua sắm công khoảng 45 tỷ Bảng Anh) và cơ quan của Chính phủ trong việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Việc rà soát này một mặt hướng tới mục tiêu cụ thể trước mắt là cắt giảm chi và tiết kiệm chi NSNN nhưng về lâu dài là hướng tới việc quản lý, sử dụng có hiệu quả hàng hóa, dịch vụ phục vụ các cơ quan công quyền và thay đổi nhận thức của cơ quan, đơn vị mua sắm cũng như tổ chức cung cấp hàng hóa, dịch vụ công cho Chính phủ.
Trong quá trình rà soát, Cơ quan này đã phát hiện ra rằng có một số loại hàng hóa, dịch vụ mà các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ sử dụng có đặc điểm tương đồng về yêu cầu chất lượng, yếu tố kỹ thuật… nhưng giá mua sắm lại rất khác nhau (có những loại hàng hóa chênh lệch hàng trăm lần) và do nhiều nhà thầu khác nhau cung cấp, thời gian thực hiện hợp đồng bị kéo dài ở các mức độ khác nhau. Qua rà soát cũng phát hiện ra rằng, nhiều cơ quan, đơn vị mua sắm hàng hóa, tài sản tràn lan, vượt quá định mức và nhu cầu cần thiết (sau này khi thực hiện mua sắm tập trung đã giảm được khoảng 10% về số lượng mua sắm).
Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi và mục tiêu quản lý nêu trên, Chính phủ Anh đã thành lập cơ quan thực hiện chương trình mua sắm tập trung trực thuộc Chính phủ. Cơ quan dịch vụ mua sắm công là một cơ quan thuộc Văn phòng Nội các Vương quốc Anh (mô hình tương tự đơn vị sự nghiệp công lập ở Việt Nam) có chức năng nghiên cứu, đề xuất giải pháp và tổ thực hiện biện pháp nhằm quản lý, nâng cao hiệu quả mua sắm và tiết kiệm chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các cơ quan của Chính phủ bằng nguồn ngân sách nhà nước. Cơ quan mua sắm tập trung hoạt động với mục đích: đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ đưa ra phải thực hiện được (cắt giảm chi tiêu công nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan thuộc Chính phủ và thực hiện các mục tiêu khác) và không vì lợi nhuận.
Cơ quan dịch vụ mua sắm Chính phủ của Vương quốc Anh hiện có khoảng 400 nhân viên, trong đó khoảng 80% là chuyên gia mua sắm. Ngoài trụ sở chính đặt tại thành phố Liverpool, cơ quan này còn có 04 chi nhánh trải rộng khắp nước Anh. Danh mục mua sắm tập trung bao gồm những hàng hóa, dịch vụ mà các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ có yêu cầu sử dụng cơ bản giống nhau được phân theo lĩnh vực, nhóm hàng hóa, dịch vụ chủ yếu mà các cơ quan thuộc Chính phủ có nhu cầu mua sắm, sử dụng thường xuyên: (i) Năng lượng, (ii) văn phòng phẩm, (iii) phương tiện đi lại; (iv) dịch vụ quản lý công sở và nhà công vụ…
1.3.1.2. Trường hợp của Nhật bản
Trước đây, việc mua sắm công thực hiện phân tán, do các đơn vị sử dụng thực hiện mua sắm. Tuy nhiên, việc mua sắm công phân tán dẫn đến một số hạn chế: (i) Có nhiều công ty đấu thầu “đi đêm” với nhau để khống chế giá và nâng cao giá hàng hóa, dịch vụ. Mặc dù thời điểm đó đã có một cơ quan chuyên trách thực hiện kiểm tra các hợp đồng mua sắm nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng này; (ii) Do việc mua sắm thực hiện phân tán tại các đơn vị sử dụng, tính chuyên nghiệp của cán bộ mua sắm không cao nên dẫn đến nhiều sai phạm trong mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản; (iii) Người mua sắm, người sử dụng và người cung cấp có quan hệ trực tiếp với nhau nên cũng dễ xảy ra thông đồng.
Để khắc phục những tồn tại trong việc mua sắm công nêu trên, năm 2000 Chính Phủ Nhật Bản đã có cải cách rất cơ bản trong việc mua sắm công và Cục Mua sắm công được ra đời để thực hiện các nhiệm vụ này. Cục Mua sắm công có nhiệm vụ quản lý về mua sắm công mà chủ yếu là đấu thầu mua sắm công đối với tất cả các tài sản, dịch vụ, hàng hóa liên quan đến chi tiêu công. Việc mua sắm công tập trung không chỉ dừng lại ở các tài sản, dịch vụ, hàng hóa phục vụ bộ máy của nhà nước mà bao gồm cả lựa chọn nhà thầu đầu
tư, xây dựng. Khi xây dựng công trình hạ tầng có mua sắm cũng phải thực hiện tập trung thông qua các hợp đồng ủy thác với Cục mua sắm công.
Cục Mua sắm công sẽ phân loại hàng hóa, dịch vụ, gồm có hàng hóa và hàng hóa thông thường. Tất cả hàng hóa, dịch vụ đều được tổ chức đấu thầu tập trung.
Tổng giá trị mua sắm do Cục Mua sắm công thực hiện trung bình hàng năm khoảng 130 tỷ Yên (tương đương 1,3 tỷ USD), với khoảng 3.500 hợp đồng, trong đó ủy thác (khoảng 500 hợp đồng), phân phối (200 hợp đồng), thi công, thiết kế (khoảng 2.000 hợp đồng), còn lại là hợp đồng mua sắm.
1.3.1.3. Trường hợp của Mexico
Từ năm 2007, Mexico bắt đầu tiến hành nghiên cứu và đã phát hiện những thiếu sót, bất cập trong mua sắm công của đất nước này, đó là: Thiếu chuyên nghiệp, chưa có tiêu chuẩn nghề nghiệp của những người tham gia mua sắm công; chưa có đấu thầu điện tử; khung pháp lý chưa chặt chẽ; không chú trọng đầu tư vào mục đích chính. Dẫn đến: (i) tham nhũng, (ii) thiếu hiệu quả trong sử dụng ngân sách, (iii) thiếu quy trình kiểm soát trong việc thực hiện mua sắm công. Cuộc cải cách về mua sắm công ở Mexico được tiến hành toàn diện từ năm 2009, và phương thức mua sắm tập trung được đưa vào áp dụng đồng thời với nhiều phương thức mua sắm phù hợp khác.
Việc thực hiện mua sắm tập trung tại Mexico được giao cho Bộ Hành chính công. Bộ Hành chính công của Mexico sẽ gom một số mặt hàng nhiều cơ quan Chính phủ cùng sử dụng, mặt hàng chiến lược, thiết yếu hoặc mặt hàng mà các đơn vị mua sắm với giá cả chênh lệch nhau nhiều để thực hiện mua sắm tập trung. Từ danh mục tài sản mua sắm của các cơ quan Chính phủ, Bộ Hành chính công sẽ nghiên cứu thị trường xác định Danh mục những mặt hàng mua sắm tập trung cụ thể, trên cơ sở (i) gom các tài sản, hàng hóa dịch vụ giống nhau mà nhiều cơ quan Chính phủ cùng sử dụng; (ii) sản phẩm,
hàng hóa, dịch vụ mang tính chiến lược ảnh hưởng đến an sinh xã hội như thuốc chữa bệnh, (iii) sản phẩm mà giá cả mua sắm của các đơn vị khác nhau có sự chênh lệch nhau quá nhiều vào từng nhóm mua sắm để thực hiện một quy trình mua sắm nhằm tiết kiệm thời gian với giá cả phù hợp nhất. Hiện tại, Danh mục mua sắm tập trung có khoảng 40-45 mặt hàng. Danh mục này được Bộ Hành chính công rà soát, bổ sung hàng năm tùy vào nhu cầu mua sắm và điều kiện của thị trường. Hơn 200/300 đơn vị của liên bang tham gia mua sắm tập trung. 100 đơn vị còn lại thuộc đối tượng không bắt buộc tham gia.