1.2. Quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu
1.2.3. Những nhân tố ảnh hưởng đến quản lý tài chính các đơn vị sự nghiệp
có thu
Trước hết, các ĐVSNCT do Nhà nước thành lập và hoạt động theo quy đinh chung của Nhà nước. Vì vậy, hoạt động của các ĐVSNCT chịu ảnh hưởng lớn bởi các thay đổi về định hướng chính sách của Nhà nước.
Các văn bản chính sách của Nhà nước về quản lý tài chính nói chung và đối với các ĐVSNCT nói riêng ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến công tác quản lý tài chính của các các ĐVSNCT vì đó là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho các các ĐVSNCT làm căn cứ thực hiện. Các văn bản pháp quy về quản lý tài chính các các ĐVSNCT đó chính là cơ sở pháp lý để cho các các ĐVSNCT dựa vào đó để thực hiện quản lý tài chính tại đơn vị mình. Các văn bản pháp quy đó bao gồm: Luật ngân sách Nhà nước, các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Quyết định, các Nghị định Chính phủ của Bộ Tài chính hoặc các thông tư liên bộ về việc thu, chi Nguồn tài chính của các ĐVSNCT.
Ngày 25/6/2009, Bộ chính trị đã có Hội nghị triển khai các Kết luận của Bộ chính trị về công tác y tế và dân số, tập trung vào việc Đổi mới cơ chế tài chính đối với các ĐVSN y tế công lập. Ngày 11/01/2012, Bộ Nội vụ đã ra công văn số 207/BNV-CCHC hướng dẫn triển khai chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, trong đó Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công” đã được Bộ Y tế phê duyệt và dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn tới năm 2020. Đây là những định hướng cơ bản để các đơn vị sự nghiệp công trong ngành y tế thực hiện cải cách hoạt động của mình.
Thực tế trong thời gian qua, với việc ban hành Nghị định 10 trao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công và Nghị định 43 thay thế nghị định 10 ngày 25/4/2006, các ĐVSN công lập không những được trao quyền tự chủ tài chính mà còn được trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế. Từ đó, tạo ra tính tổng thể về tự chủ trong hoạt động tại các ĐVSN công lập.
Với việc tác động vào nguồn thu và mức thu, nội dung chi và mức chi, cơ cấu nhân sự…Nhà nước hướng hoạt động các ĐVSN công lập theo mục tiêu chung. Chẳng hạn, với chủ trương xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh, chính phủ cho phép ngành y thực hiện thu một phần viện phí theo Nghị định 95/NĐ – CP ngày 27/08/1994 của Chính phủ, giá viện phí được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 14/TTLB ngày 30/09/1995 và Thông tư 03/2006/TTLB ngày 26/01/2006, Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/02/2012 của Bộ Y tế- Bộ Tài chính ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước; Nghị định 85/NĐ – CP ngày 15/10/2012 quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các ĐVSN y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh và chữa bệnh công lập. Những thay đổi về mặt chính sách và thể chế này đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ và góp phần quan trọng trong việc đảm bảo kinh phí hoạt động cho các bệnh viện.
Mỗi ĐVSN công lập hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau cần có cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý tài chính khác nhau. Đối với những lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao như y tế, giáo dục, Nhà nước chủ trương tạo ra cơ chế mở cửa giúp cho các đơn vị này phát huy, mở rộng, khai thác các nguồn thu đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ chi tiêu hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Nhằm huy động tối đa các Nguồn lực tài chính cho phát triển các bệnh viện công lập địa phương phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta cũng như phù hợp với điều kiện về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời các văn bản pháp quy đó cũng chính là cơ sở pháp lý để các bệnh viện công lập địa phương sử dụng có hiệu quả Nguồn tài chính đó cho sự phát triển y tế có chất lượng cho đất nước.
Nếu các văn bản pháp quy được ban hành và thực hiện càng phù hợp, sát thực tiễn, kịp thời và quá trình thực hiện các văn bản đó càng tốt, nghiêm chỉnh
thì sẽ góp phần thúc đẩy các bệnh viện công lập ở địa phương phát triển. Ngược lại nếu các văn bản pháp quy đó ban hành không kịp thời hoặc quá chậm chễ, việc hướng dẫn thực hiện các văn bản quá chậm, mặt khác các bệnh viện công lập lại thực hiện các văn bản không nghiêm minh thì sẽ góp phần kìm hãm sự phát triển y tế nước nhà.
Nên chú ý rằng, các văn bản về quản lý tài chính tại các bệnh viện công lập ở địa phương cũng phải không ngừng được bổ sung, đổi mới và hoàn thiện bởi lẽ đời sống kinh tế xã hội của đất nước, của thế giới cũng như của từng vùng, từng địa phương không ngừng phát triển.
Trình độ phát triển kinh tế - xã hội
Công cuộc đổi mới đất nước đã tạo nên sự chuyển biến quan trọng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Quá trình phát triển này đã tạo thuận lợi cho sự phát triển của y tế nói chung và các bệnh viện công lập nói riêng.
Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất của đại đa số nhân dân được cải thiện nhu cầu được khám chữa bệnh chất lượng cao càng tăng do đó Nguồn thu viện phí cũng ngày một mở rộng đã góp phần bổ sung kinh phí cho chi hoạt động và cải thiện đời sống cho cán bộ y tế, người lao động. Tuy nhiên khả năng tăng về Nguồn thu này vẫn chậm so với nhu cầu cần thiết cho sự phát triển và tái đầu tư mở rộng.
Cơ cấu tổ chức bộ máy kế toán
Mỗi đơn vị phải tổ chức tốt bộ máy hoạt động, nguồn nhân lực phải được bố trí phù hợp với trình độ, năng lực, cùng với năng lực của người lãnh đạo góp phần vào hiệu quả hoạt động của đơn vị nói chung cũng như việc khai thác mở rộng nguồn thu sự nghiệp, tiết kiệm chi phí nói riêng.
Các bệnh viện công lập đều độc lập về tài chính vì thế phải tổ chức một bộ máy kế toán. Hiện nay các bệnh viện công lập đang hạch toán kế toán theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ Tài Chính. Quyết định này ban hành chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp. Cơ cấu tổ chức bộ
máy kế toán có tốt, cán bộ làm công tác kế toán có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, luôn sáng tạo và tận tâm với công việc chắc chắn hiệu quả quản lý tài chính sẽ tốt sẽ nắm vững và quản lý sử dụng Nguồn kinh phí hợp lý. Từ kết quả của công tác tài chính kế toán thủ trưởng đơn vị và cán bộ quản lý sẽ có cơ sở để quyết định hợp lý trong việc quản lý điều hành ngân sách, rút ra những kinh nghiệm và giải pháp cho công tác quản lý tài chính của đơn vị ngày càng tốt hơn.
Hệ thống kiểm tra, kiểm soát tài chính của đơn vị
Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, thuế… rất quan trọng đối với việc quản lý tài chính. Có thể công tác kiểm tra nội bộ trong đơn vị hay là sự kiểm tra giám sát của các cơ quan bên ngoài luôn luôn cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý tài chính. Bởi trong quá trình điều hành ngân sách, thực thi các nhiệm vụ của mình, đơn vị có thể có những sai sót, việc kiểm tra kiểm soát để tìm ra những thiếu sót từ đó kịp thời đưa ra biện pháp khắc phục và sẽ giúp cho công tác quản lý tài chính ngày càng hoàn thiện hơn.
Trình độ cán bộ
Con người là yếu tố quyết định tới hiệu quả của mỗi hoạt động. Đối với mỗi tổ chức, đơn vị, trình độ và năng lực làm việc của cán bộ viên chức trong đơn vị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Việc áp dụng công tác quản lý mới đòi hỏi sự nhận thức tốt của mỗi cá nhân. Nhận thức sai dễ dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực, việc triển khai sẽ rất khó khăn.
Về khía cạnh tài chính, cán bộ tài chính kế toán nắm vững chuyên môn sẽ giúp cho công tác quản lý tài chính, kế toán tại đơn vị theo đúng với những quy định của Nhà nước, sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm, có hiệu quả, phát huy tối đa những ưu thế mà quản lý tài chính đem lại cho các đơn vị, đồng thời tham mưu cho thủ trưởng để có những quyết sách đúng đắn trong việc quản lý tài chính, kế toán tại đơn vị.
Trình độ của lãnh đạo trong việc điều hành quản lý tài chính rất quan trọng, nếu người lãnh đạo có năng lực và am hiểu lĩnh vực tài chính kế toán sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý tài chính. Những định hướng và giải pháp đúng sẽ mang lại hiệu quả trong việc quản lý tài chính một cách thiết thực, việc điều hành thu chi đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng Nguồn tài chính.