Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh bến tre (Trang 110 - 111)

3.2. Một số giải pháp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tỉnh

3.2.4. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng

- Kết cấu hạ tầng là một nhân tố quyết định cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh và cả việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do vậy, trong chiến lược phát triển, thì đầu tư cho kết cấu hạ tầng vật chất và xã hội phải đi trước một bước so với đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhìn lại 10 năm trước thì cơ sở hạ tầng hiện nay của tỉnh Bến Tre có sự phát triển vượt bậc, nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do đó tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng của tỉnh trong thời gian tới là một yêu cầu khách quan.

- Để đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, cần có chính sách huy động tối đa các nguồn đầu tư, thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư; song phải đúng quy hoạch, đồng bộ, có hiếu quả.

- Những năm tới ưu tiên cho đầu tư thủy lợi, hệ thống giao thông nông thôn, hạ tầng cơ sở cho thủy sản... Cụ thể:

+ Về thủy lợi, tiếp tục phát triển, nâng cấp các công trình thủy lợi đầu mối và hoàn chỉnh hệ thống kênh mương nội đồng, hệ thống đê đập, bảo đảm cho các vùng qui hoạch nông - thủy sản chủ động được nguồn nước sản xuất, chống lũ và ngăn mặn có hiệu quả.

+ Về giao thông, tiến hành nâng cấp, hoàn chỉnh, nhựa hóa các tỉnh lộ còn lại; từng bước làm cầu đồng bộ với đường; Đảm bảo tiến độ xây dựng cầu sông Tiền, nâng cấp quốc lộ 57 nối với Vĩnh Long. Mở rộng quốc lộ 60 đoạn từ phà Rạch Miễu vào thị xã và tuyến ra sông Cổ Chiên.

Tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, xóa cầu khỉ, nhựa hóa các đường liên xã, các đường đến khu sản xuất, điểm di tích lịch sử văn hóa; hoàn thành nâng cấp các đường nội ô thị xã, các thị trấn.

Xây dựng cảng sông ở Thị xã và một số bến đò, bến bốc dỡ hàng hóa ở các thị trấn và vùng trọng điểm sản xuất.

+ Về điện tiếp tục nâng cấp và phát triển đồng bộ hệ thống truyền tải, bảo đảm đủ điện áp, phục vụ tốt cho sản xuất đời sống, và quản lý thống nhất trong toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2005 có 90% tổng số hộ dùng điện.

+ Về bưu chính viễn thông, phát triển mạnh và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng điện thoại hữu tuyến và di động; phấn đấu đến năm 2005, nâng tỷ lệ 4 máy điện thoại/100 dân.

+ Xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa - xã hội:

Phấn đấu đến năm 2005, các trường học đều được ngói hóa, 100% trường trung học phổ thông có phòng vi tính, nâng cấp và tăng thêm các thiết bị cần thiết cho trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Nâng cấp các trạm y tế xã và các bệnh viện; trang bị thêm một số phương tiện khám và trị bệnh hiện đại, đồng bộ cho bệnh viện tỉnh, bệnh viện khu vực Cù lao Minh và các huyện.

Xây dựng mới, nâng cấp các công trình văn hóa quốc gia và các công trình văn hóa khác, các cơ sở thể dục thể thao.

Tóm lại, kết cấu hạ tầng là nhân tố quan trọng, thúc đẩy tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vì vậy trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải quan tâm đầu tư phát triển, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở tỉnh bến tre (Trang 110 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)