Các yếu tố cấu thành thị trường lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thị trường lao động ở khu vực nông thôn Việt Nam (Trang 26 - 33)

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

1.2. Thị trường lao động

1.2.2. Các yếu tố cấu thành thị trường lao động

1.2.2.1. Cung về lao động

* Khái niệm “Cung về lao động”

Cung về lao động là tổng nguồn lao động do người lao động tự nguyện đem ra tham dự vào quá trình sản xuất xã hội, tức là tổng số nhân khẩu trong độ tuổi lao động có năng lực lao động cùng tổng số nhân khẩu không nằm trong độ tuổi lao động nhưng trong thực tế đang chính thức tham gia vào quá trình sản xuất xã hội.

Thông thường, khi nói đến cung trên thị trường lao động, người ta thường phân biệt rõ thành hai phạm trù: Cung thực tế và cung tiềm năng.

- Cung thực tế về lao động bao gồm tất cả những người đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật và những người đang bị thất nghiệp.

- Cung tiềm năng về lao động bao gồm những người đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật, những người thất nghiệp, những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động nhưng đang đi học, đang làm công việc nội trợ hoặc không có nhu cầu tìm việc.

* Các nhân tố ảnh hưởng đến cung lao động

- Yếu tố dân số:

Cung lao động là một bộ phận cấu thành của dân số, quy mô dân số đông và tăng nhanh sẽ tạo nên cung lao động lớn, nhưng không đồng thời mà sau một thời gian nhất định do cơ cấu tuổi xác định. Đến lượt mình, dân số lại

chịu ảnh hưởng của các quá trình sinh, tử, di dân và một số yếu tố khác liên quan đến chất lượng dân số.

- Các yếu tố kinh tế, xã hội và văn hoá:

Các yếu tố kinh tế, xã hội và văn hoá ảnh hưởng đến cung lao động thông qua các tác động của chúng đến mức độ tham gia lực lượng lao động của các nhóm dân số đặc trưng. Các yếu tố kinh tế có thể là tốc độ tăng trưởng GDP, mức thu nhập, các cơ hội việc làm và vị trí địa lý, đặc điểm tổ chức sản xuất và ngành nghề... Các yếu tố xã hội có thể bao gồm cơ hội tiếp nhận giáo dục, mức độ học tập, đào tạo qua các lớp; sự phân biệt đối xử, bình đẳng, bình quyền... Các yếu tố văn hoá có thể bao gồm phong tục tập quán, tôn giáo...

1.2.2.2. Cầu về lao động

* Khái niệm “Cầu về lao động”

Cầu về lao động là nhu cầu về lao động của một quốc gia, một địa phương, một ngành hay một doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định.

Nhu cầu này thể hiện khả năng thuê mướn lao động trên thị trường lao động. Về mặt lý thuyết, cầu về lao động cũng được phân thành hai loại: Cầu thực tế và cầu tiềm năng.

Cầu thực tế về lao động: Là nhu cầu thực tế về lao động cần sử dụng tại một thời điểm nhất định, thể hiện qua số lượng những chỗ làm việc trống và chỗ làm việc mới .

- Cầu tiềm năng về lao động: Là nhu cầu về lao động cho tổng số chỗ làm việc có thể có được sau khi đã tính đến các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tạo việc làm trong tương lai như: vốn, đất đai, tư liệu sản xuất, công nghệ và các điều kiện khác về chính trị, xã hội...

Cầu về lao động bao gồm hai mặt:

- Cầu về số lượng lao động: Nếu trong điều kiện năng suất lao động không đổi thì cầu về lao động tỷ lệ thuận với quy mô và tốc độ phát triển sản xuất. Nếu quy mô sản xuất không đổi thì cầu về lao động tỷ lệ nghịch năng suất lao động.

- Cầu về chất lượng lao động: Sự phát triển của sản xuất, của khoa học công nghệ... đòi hỏi người lao động ngày càng phải nâng cao trình độ, nâng cao tay nghề, kỹ năng và kỹ xảo.

* Các yếu tố ảnh hưởng đến cầu lao động

- Cơ cấu kinh tế:

Sự thay đổi cơ cấu kinh tế sẽ tác động mạnh đến số lượng và chất lượng cầu lao động. Việc làm phân bổ theo cơ cấu kinh tế bao gồm việc làm trong nông - lâm - ngư nghiệp, việc làm trong công nghiệp và trong dịch vụ. Nước ta với hơn 70% lực lượng lao động làm việc trong khu vực nông - lâm - ngư nghiệp, đang có xu hướng giảm mặc dù tốc độ giảm còn chậm. Sự

chuyển dịch cơ cấu lao động có thể diễn ra theo hai hướng: thứ nhất là chuyển một bộ phận lao động hiện có của khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; thứ hai là có thể chuyển trong nội bộ khu vực nông - lâm - ngư nghiệp từ nông nghiệp sang ngư nghiệp.

- Tăng trưởng kinh tế:

Tăng trưởng kinh tế là điều kiện để mở rộng sản xuất, tăng cầu về lao động. Tăng trưởng kinh tế thường kéo theo sự thay đổi công nghệ, và sự thay đổi này thường làm tăng nhu cầu giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, tăng nhu cầu về nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

- Mức tiền công lao động: Nếu mức tiền công mà thấp thì sẽ là một trong những nhân tố kích thích cầu về lao động, làm tăng cầu về lao động.

- Phân phối thu nhập và các hình thức tiêu dùng:

Nếu các hình thức tiêu dùng tạo nhu cầu lớn đối với hàng hoá trong nước và các dịch vụ được tạo ra bởi các phương pháp sản xuất cần nhiều lao động, thì sẽ tăng được nhu cầu tiêu dùng, kết quả là sẽ làm tăng được nhu cầu về lao động. Ngược lại, nếu nhu cầu tiêu dùng chỉ hướng vào các sản phẩm hàng hoá nhập ngoại, được sản xuất bằng các công nghệ hiện đại thì dẫn đến làm giảm nhu cầu lao động.

1.2.2.3. Mức tiền công lao động

Trên thị trường lao động mức tiền công của lao động được chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là quy luật cung - cầu về lao động. Khi cung lao động vượt quá cầu lao động, giá cả sức lao động sẽ thấp hơn giá trị sức lao động; ngược lại, khi cung lao động thấp hơn cầu lao động, giá cả sức lao động sẽ tăng lên. Mối qua hệ này được thể hiện qua đồ thị sau:

Biểu đồ 1.1. Quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động

Trong đồ thị trên:

Trục OY biểu hiện giá cả (P).

Trục hoành OX biểu thị số lượng (Q). Đường cung lao động (S).

Đường cầu lao động (D).

Khi cung lao động bằng cầu lao động (D0 =S0), thị trường lao động đạt trạng thái cân bằng. Giá cả cân bằng của thị trường lao động ở mức P0 (Cung = Cầu)

Khi giá cả tăng từ P0 lên P1 thì mức cung lao động sẽ tăng từ So đến S1 nhưng mức cầu về lao động lại giảm từ D0 về D1. Khoảng cách D1S1 chính là khoảng chênh lệch giữa cung và cầu lao động (Cung > Cầu)

Khi giá cả giảm từ Po xuống P1 thì mức cung lao động sẽ giảm từ S0 về S2 còn cầu lao động lại tăng từ D0 đến D2 Khoảng cách S2D2 là sự chênh lệch giữa cung và cầu lao động (Cung < Cầu).

Theo quy luật của thị trường thì giá cả luôn có xu hướng trở về mức giá cân bằng Po để cung và cầu lao động có thể được cân bằng. Tuy nhiên, trên thực tế trường hợp cung cân bằng cầu là hiếm khi xảy ra vì cung, cầu còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nữa ngoài giá cả.

1.2.2.4. Thị trường lao động

Thị trường lao động là một sân chơi bình đẳng mà ở đó có nhiều chủ thể tham gia với các vai trò khác nhau: Nhà nước, người sử dụng lao động,

người lao động, nhà cung cấp các dịch vụ việc làm, các đối tác xã hội khác. Các chủ thể tham gia thị trường lao động có vai trò khác nhau nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, nhất là hình thành cơ chế ba bên trong xử lý các quan hệ lao động, đảm bảo hài hoà quyền hạn, trách nhiệm và lợi ích các bên vì mục tiêu phát triển chung.

* Vai trò của Nhà nước trong phát triển thị trường lao động

Nước ta sử dụng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì vai trò của quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường lao động càng trở nên quan trọng. Nhà nước có vai trò là người tạo khung pháp lý, môi trường và điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động phát triển và các bên tham gia thị trường này phát huy tốt năng lực của mình, đồng thời Nhà nước còn có vai trò tổ chức và là "bà đỡ" cho thị trường lao động, cụ thể là:

- Thể chế hoá, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thị trường lao động, nhất là chính sách phát triển nguồn nhân lực, dạy nghề, việc làm, tiền công, tiền lương, giải quyết thất nghiệp, an sinh xã hội...

- Dự báo, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và thực hiện các chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội để tạo cầu lao động.

- Phát triển các cơ sở thông tin, tư vấn, dịch vụ việc làm để thực hiện giao dịch trên thị trường lao động.

- Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách liên quan đến lao động, việc làm, thị trường lao động và xử lý các khuyết tật của thị trường lao động...

* Vai trò của người sử dụng lao động

Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, tồn tại nhiều hình thức sở hữu với nhiều thành phần kinh tế và các hình thức sản xuất kinh doanh rất đa dạng, đan xen nhau hợp thành phía cầu lao động. Đó là lực lượng chủ động và

tích cực nhất của thị trường lao động có vai trò tạo việc làm và phát triển việc làm, không ngừng mở rộng cầu lao động. Các chủ thể kinh tế này với chiến lược phát triển sản phẩm của mình, có khả năng thúc đẩy cầu lao động tăng lên một cách mạnh mẽ. Bởi vậy, trong chiến lược tạo việc làm, vấn đề quan trọng nhất là tập trung vào phát triển các chủ thể kinh tế, huy động được mọi nguồn đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Vai trò của người sử dụng lao động còn được thông qua đại diện của họ trong việc tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp về thị trường lao động; bảo vệ quyền lợi người sử dụng lao động; thúc đẩy xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường... để mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm.

* Vai trò của người lao động

Lực lượng lao động tham gia thị trường lao động chủ yếu và trực tiếp là những người lao động làm thuê. Ngoài ra còn có người thất nghiệp, người ngoài độ tuổi lao động nhưng có nhu cầu làm việc, sẵn sàng bán sức lao động và những người hiện nay tạm thời chưa tham gia vào thị trường lao động (công chức nhà nước, lao động tự làm, người không có nhu cầu làm việc...), nhưng đến một lúc nào đó do tình hình thay đổi hoặc vì lý do nào đó có nhu cầu đi làm thuê để được trả công. Người lao động là chủ thể và lực lượng chính tham gia thị trường lao động luôn phải đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Song trong thị trường dư thừa lực lượng lao động có hiện tượng vai trò của người lao động khá bị động và yếu thế, xu hướng là cầu ép cung lao động. Tuy nhiên, trong thị trường lao động phát triển, vai trò của người lao động rất quan trọng và tác động tích cực vào thị trường lao động. Đặc biệt là tham gia vào cân bằng quan hệ cung - cầu lao động chất lượng và trình độ cao, đảm bảo cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, chủ động, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với yêu cầu của thị trường, là một trong những yếu tố tác động tích cực trở lại thị trường lao động, kích thích tăng cầu lao động. Vai trò của người lao động được thể hiện qua tổ chức đại diện của mình là Công đoàn trong việc tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến thị trường lao

động về thoả ước lao động tập thể; giải quyết hài hoà các quan hệ lao động, khắc phục các tranh chấp lao động, nhất là đình công... để thị trường lao động phát triển bình thường, lành mạnh.

* Vai trò của nhà cung cấp dịch vụ việc làm

Trong cơ chế thị trường, vai trò của hệ thống cung ứng lao động, dịch vụ việc làm càng trở nên quan trọng, là cầu nối giữa cung lao động và cầu lao động, đảm bảo trạng thái cân bằng động giữa cung và cầu lao động trên thị trường lao động.

Cùng với sự phát triển của thị trường lao động, các cơ sở cung cấp dịch vụ việc làm ngày càng phát triển, bao gồm các cơ sở tư vấn hướng nghiệp, thông tin thị trường lao động, giới thiệu và cung cấp lao động. Hoạt động của các cơ sở này có thể là không vì mục tiêu lợi nhuận, cũng có thể vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng đều hướng vào việc làm cầu nối, cân bằng quan hệ cung - cầu lao động. Đặc biệt, các hoạt động này là hình thức chủ yếu của giao dịch chính thức trên thị trường lao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thị trường lao động ở khu vực nông thôn Việt Nam (Trang 26 - 33)