Sự thay đổi nhận thức về vấn đề việc làm và thất nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thị trường lao động ở khu vực nông thôn Việt Nam (Trang 41 - 45)

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

2.1. Một số khía cạnh về sự thay đổi nhận thức và quan hệ luật pháp

2.1.1. Sự thay đổi nhận thức về vấn đề việc làm và thất nghiệp

Trong thời kỳ trước đổi mới, quan niệm có tính phổ biến ở Việt Nam về việc làm nhầu như bị “cột chặt” vào thể chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Theo đó, việc làm phải là những công việc đòi hỏi một chuyên môn nào đó, tạo ra một thu nhập nhất đinh, người có việc làm phải thuộc biên chế nhà nước hoặc phải làm việc trong các hợp tác xã. Với cách hiểu đó, khái niệm việc làm đã không bao quát được hết những người lao động đang làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân, cá thể tiểu chủ, những người làm việc tại nhà... Mặt khác cách hiểu trên cũng không phân biệt được những người đang làm việc trong guồng máy sản xuất nhưng tạm thời thiếu việc làm hoặc thực tế không có việc làm. Mặt khác, trong các văn bản chính thức của Nhà nước, không có khái niệm - nói cách khác, không thừa nhận hiện tượng thất nghiệp.

Trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, quan niệm của người Việt Nam về vấn đề việc làm và thất nghiệp từng bước được đổi mới, tiến sát dần cách quan niệm hợp lý, theo những tiêu chí chung của thế giới.

Tác giả Đặng Xuân Thao trong cuốn sách "Mối quan hệ giữa dân số và việc làm" đã đưa ra khái niệm việc làm như sau: "Việc làm là hoạt động có ích, không bị pháp luật ngăn cấm, có thu nhập hoặc tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho người thân, gia đình hoặc cộng đồng".

Liên quan chặt chẽ hơn đến khái niệm việc làm, hai tác giả Nguyễn Hữu Dũng và Trần Hữu Trung trong cuốn sách "Về vấn đề việc làm ở Việt Nam" đã đưa ra khái niệm về người có việc làm như sau: "Người có việc làm là người đang làm việc trong những lĩnh vực, ngành nghề, dạng hoạt động có

ích, không bị pháp luật ngăn cấm, đem lại thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời đóng góp một phần cho xã hội".

Đặc biệt, xét dưới góc độ luật pháp, quan niệm chính thống (của Nhà nước) về vấn đề việc làm cũng đã được thay đổi.

Điều 13 của Bộ luật Lao động được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 23/6/1994 đã xác định: "Mọi hoạt động lao động tạo ra thu nhập, không bị pháp luật ngăn cấm, đều được thừa nhận là việc làm". Theo định nghĩa này, các hoạt động được coi là việc làm bao gồm:

- Tất cả các hoạt động tạo ra của cải vật chất hoặc tinh thần, không bị pháp luật ngăn cấm, được trả công dưới dạng bằng tiền hoặc hiện vật.

- Những công việc tự làm mang lại lợi ích cho bản thân hoặc tạo thu nhập chớ gia đình, cho cộng đồng, kể cả những công việc không được trả công bằng tiền.

Như vậy, khái niệm việc làm theo Bộ luật Lao động bao gồm một phạm vi rất rộng: từ những công việc được thực hiện trong các nhà máy, công sở, đến các hoạt động hợp pháp tại các khu vực phi chính quy, các công việc nội trợ, chăm sóc con cái trong gia đình đều được coi là việc làm. Khái niệm này còn tạo khả năng to lớn trong việc giải phóng sức lao động, giải quyết việc làm cho nhiều người. Người lao động được tự do hành nghề, tự do liên doanh, liên kết để tạo việc làm; người sử dụng lao động được tự do thuê mướn lao động theo luật pháp của Nhà nước để tự tạo việc làm cho mình và thu hút thêm lao động xã hội theo quan hệ cung - cầu về lao động trên thị trường. Khái niệm trên về cơ bản đã thích ứng cơ chế của nền kinh tế thị trường. Một mặt, nó mở rộng quan niệm của người lao động về việc làm, mặt khác nó giới hạn hoạt động lao động theo những chế định của pháp luật, ngăn ngừa những hoạt động có hại cho cộng đồng và xã hội, cho dù hoạt động đó có thể cho cục bộ cá nhân hoặc một nhóm xã hội nào đó.

Bên cạnh đó, cách thức phân loại việc làm ở Việt Nam hiện nay, về cơ bản, cũng đã được thực hiện theo các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế, theo đó, việc làm được phân chia thành các loại:

- Việc làm ổn định và việc làm tạm thời: căn cứ vào số thời gian có việc làm thường xuyên trong một năm.

- Việc làm đủ thời gian và việc làm không đủ thời gian: căn cứ vào số giờ thực hiện làm việc trong một tuần.

- Việc làm chính và việc làm phụ: căn cứ vào thời gian hoặc mức độ thu nhập trong việc thực hiện một công việc nào đó.

Sự phân chia trên đã diễn tả đầy đủ hơn các trạng thái của việc làm theo không gian và thời gian trên một địa bàn ứng với một thời điểm nào đó. Người có việc làm ổn định là những người làm việc từ 6 tháng trở lên trong một năm và sẽ tiếp tục làm công việc đó trong nhiều năm tiếp theo.

Quan niệm về thất nghiệp và thiếu việc làm ở Việt Nam hiện nay cũng có sự thay đổi rõ rệt.

- Thất nghiệp:

+ Trong thị trường lao động, thất nghiệp là khái niệm dùng để chỉ những người trong lực lượng lao động, có ý muốn đi làm (thể hiện qua những cố gắng tìm kiếm công ăn việc làm hoặc đang chờ để trở lại nơi làm việc cũ) nhưng lại không có việc làm trong một khoảng thời gian nhất định.

+ Theo định nghĩa của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người bị coi là thất nghiệp là người đủ 15 tuổi trở lên trong nhóm dân số hoạt động kinh tế hiện đang đi tìm việc làm hay không đi tìm việc làm do không biết tìm việc ở đâu, và những người trong tuần lễ trước thời điểm điều tra có tổng số giờ làm việc dưới 8 giờ có mong muốn và sẵn sàng làm thêm giờ nhưng không tìm được việc.

Trong bối cảnh phát triển của thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay, giới nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách thường quan tâm đến một số loại thất nghiệp sau:

+ Thất nghiệp cơ cấu: Đây là loại thất nghiệp do sự mất cân bằng trong một thời kỳ dài giữa cung và cầu lao động. Sự mất cân bằng nảy sinh do có những điều chỉnh trong chính sách kinh tế, dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp, ngành hoặc toàn bộ nền kinh tế làm cho

một số ngành kinh tế truyền thống bị suy thoái và làm xuất hiện một số ngành mới. Những thay đổi này làm cho các kỹ năng, tay nghề cũ của người lao động trở nên không thích hợp với những ngành nghề mới. Họ buộc phải thôi việc hoặc phải mất một khoảng thời gian nhất định để đào tạo, huấn luyện lại tay nghề.

+ Thất nghiệp do tăng trưởng kém: Đây là loại thất nghiệp phát sinh do tăng trưởng kinh tế thấp, không đủ khả năng đảm bảo công ăn việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến loại hình thất nghiệp này như: Do mức gia tăng mạnh của dân số, do trình độ học vấn thấp hoặc không phù hợp của người lao động, do mức độ điều tiết quá cao dẫn đến chi phí lao động cao gây trở ngại cho việc tạo ra những chỗ làm việc mới, có quá nhiều rào cản về mặt hành chính hoặc kinh tế đối với việc di chuyển lao động...

+ Thất nghiệp do mùa vụ: Đây là loại thất nghiệp xuất hiện có tính định kỳ trong một khoảng thời gian xác định (thường là một năm) do tính mùa vụ của sản xuất kinh doanh gây ra.

+ Thất nghiệp không tự nguyện: Đây là hiện tượng thất nghiệp trong đó người lao động bằng lòng tiếp nhận mức lương thực tế và điều kiện làm việc hiện hành, nhưng vẫn không được tuyển dụng hoặc không có việc làm.

- Thiếu việc làm:

Những người thiếu việc làm là những người trong tuần lễ tính đến thời điểm điều tra có tổng số giờ làm việc dưới 40 giờ trong một tuần lễ (trừ những người làm việc trong những ngành độc hại hoặc nặng nhọc) có nhu cầu làm thêm giờ và sẵn sàng làm việc nhưng không có việc làm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thị trường lao động ở khu vực nông thôn Việt Nam (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)