Tiêu chí đánh giá phát triển công nghiệp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển công nghiệp ở tỉnh bắc giang (Trang 36 - 41)

1.2. CÁC ĐIỀU KIỆN VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ PHÁT TRIỂN

1.2.2. Tiêu chí đánh giá phát triển công nghiệp

1.2.2.1. Đóng góp của công nghiệp trong GDP không ngừng tăng lên, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sự phát triển của ngành công nghiệp trước hết làm tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp trong GDP. Công nghiệp thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là công nghiệp chế biến phải góp phần nâng cao giá trị sản xuất của những sản phẩm do nông nghiệp

tạo ra. Công nghiệp cung ứng máy móc, thiết bị, vật tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đó làm cho năng suất lao động nông nghiệp tăng lên. Khi năng suất lao động nông nghiệp tăng lên, giá trị các tư liệu sinh hoạt cần thiết giảm xuống, làm giảm chi phí sản xuất nói chung, trong đó có chi phí sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, từ đó lại thúc đẩy công nghiệp phát triển.

Công nghiệp phát triển phải tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của dịch vụ, thúc đẩy quá trình hiện đại hoá ngành dịch vụ. Công nghiệp càng phát triển càng đòi hỏi những ngành dịch vụ chất lượng cao như dịch vụ tư vấn khoa học - kỹ thuật, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...

1.2.2.2. Quy mô và tốc độ phát triển công nghiệp, sự gia tăng giá trị gia tăng (VA) và năng lực cạnh tranh công nghiệp

Trong quá trình phát triển của công ngiệp thì quy mô và tốc độ phát triển của công nghiệp không ngừng tăng lên. Để đánh giá quy mô của công nghiệp người ta sử dụng các chỉ tiêu cụ thể như: giá trị tổng sản lượng, giá trị gia tăng hàng năm, số lượng lao động trong công nghiệp....Để đánh giá tốc độ tăng trưởng hằng năm của công nghiệp người ta sử dụng các chỉ tiêu: tốc độ tăng giá trị tổng sản lượng công nghiệp và tốc độ tăng GDP công nghiệp. Trong quá trình phát triển của công nghiệp thì các chỉ tiêu này phải được duy trì ở tốc độ cao. Nhưng khi công nghiệp đã phát triển, nghĩa là giá trị tổng sản lượng và GDP công nghiệp lớn thì việc tạo ra được 1% giá trị gia tăng sẽ khó khăn hơn.

VA công nghiệp là chỉ tiêu đang rất được quan tâm, đặc biệt là ngành công nghiệp. Phần lớn các ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đạt được yêu cầu đối với chỉ số VA, trong khi chỉ số GO liên lục tăng với tốc độ gia tăng khá nhanh, điển hình là nhóm ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, da giày. Là ngành có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, tốc độ tăng trưởng cao, kinh ngạch xuất khẩu đứng thứ 10 trong 153 nước

xuất khẩu dệt may nhưng chỉ số VA rất thấp, đáng cảnh báo hơn, vài năm vừa qua chỉ số VA/GO có xu hướng giảm dần. Năng lực cạnh tranh của công nghiệp thể hiện ở năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp và tác động của công nghiệp đối với năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ.

1.2.2.3. Cơ cấu công nghiệp chuyển đổi theo hướng hiện đại hoá.

* Chuyển đổi cơ cấu ngành.

Chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp biểu hiện dưới mặt lượng là sự thay đổi mối tương quan tỉ lệ của mỗi phân ngành trong công nghiệp. Sự thay đổi đó biểu hiện ở một trong hai yếu tố: Số lượng ngành thay đổi hoặc mối tương quan tốc độ phát triển giữa các ngành có sự thay đổi. Về mặt chất sự chuyển đổi cơ cấu ngành thể hiện ở sự thay đổi phương án bố trí các ngành trong chiến lược phát triển và vị trí từng phân ngành trong cơ cấu làm thay đổi tính cân đối cũ để chuyển sang một trạng thái cân đối mới ở trình độ cao hơn.

* Chuyển đổi cơ cấu theo thành phần kinh tế.

Không có một lí thuyết chung đánh giá sự chuyển đổi cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế trong quá trình phát triển công nghiệp, bởi xác định cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế bị phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố chủ quan. Tuy nhiên ở nước ta trong quá trình phát triển công nghiệp thì cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế cần được chuyển đổi theo hướng tăng cường vị trí, vai trò của khu vực phi quốc doanh. Thực tế cho thấy trong những năm qua khu vực kinh tế quốc doanh ở trong tình trạng trì trệ kém phát triển và đã bộc lộ nhiều hạn chế về công nghệ, trình độ quản lí, trình độ lao động và “sức ỳ” trong khu vực quốc doanh là rất lớn. Như vậy tăng cường vị trí vai trò của khu vực ngoài quốc doanh trong quá trình phát triển là biểu hiện của sự chuyển đổi cơ cấu theo thành phần kinh tế trong quá trình phát triển công nghiệp.

* Tổ chức sản xuất công nghiệp theo lãnh thổ

Tổ chức sản xuất công nghiệp theo lãnh thổ là sự phân công sản xuất sản phẩm giữa các vùng lãnh thổ để hình thành phương án sản xuất sản phẩm và bố trí các đơn vị sản xuất, các tổng hợp thể sản xuất trên phạm vi không gian lãnh thổ. Trên cơ sở nhận thức, vận dụng các quy luật tự nhiên, kinh tế xã hội nhất định. Tổ chức sản xuất theo lãnh thổ là một hoạt động nhằm xác định phương án cơ cấu sản xuất theo ngành trên mỗi vùng lãnh thổ kết hợp giữa chuyên môn hoá với đa dạng hoá các ngành sản xuất trên mỗi vùng lãnh thổ trên cơ sở phát huy lợi thế của mỗi vùng để định hướng chuyên môn hoá sản xuất giữa các vùng, nhờ đó nâng cao trình độ sản xuất giữa các đơn vị lãnh thổ trên vùng và giữa các vùng trong quá trình phát triển.

1.2.2.4. Mức độ tập trung hoá các nguồn lực trong công nghiệp và phát triển các mô hình sản xuất

Sự ra đời và phát triển của các ngành sản xuất vật chất gắn liền với quá trình phân công lao động xã hội và tiến bộ khoa học công nghệ. Trong quá trình ấy trình độ tập trung hoá sản xuất của chúng cũng không ngừng được nâng cao. Thực chất của tập trung hoá sản xuất là quá trình tập trung lao động và các yếu tố vật chất vào một ngành chuyên môn hoá nhờ đã làm tăng GDP của ngành. Mức độ tập trung hoá được xác định như sau:

Trong đó: k là mức độ tập trung hoá. GDPi là GDP ngành i.

GDPtn là GDP toàn ngành công nghiệp Li là lao động ngành i

Ltn là lao động toàn ngành công nghiệp

Công thức này cho ta cách tính mức độ tập trung hoá của công nghiệp. Mức độ tập trung hoá của ngành càng cao thể hiện ngành đó càng phát triển.

1.2.2.5. Sự phát triển của một số ngành sản phẩm công nghiệp chủ yếu.

Sẽ là nhầm lẫn khi nói rằng để phát triển công nghiệp chúng ta tiến hành đầu tư phát triển tất cả các ngành sản phẩm công nghiệp. Điều này là không thể thực hiện được với các quốc gia đang phát triển và đồng thời cũng không đúng dưới cả góc độ lí thuyết vì chúng ta luôn luôn giải bài toán kinh tế trong điều kiện khan hiếm nguồn lực. Chính vì vậy việc hình thành lên một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu làm mũi nhọn cho sự phát triển chung của toàn ngành công nghiệp là đúng đắn và cần thiết. Trên cơ sở tất cả các lợi thế so sánh, căn cứ vào nhu cầu thị trường và căn cứ vào chiến lược phát triển của công nghiệp thì trên mỗi vùng và trên toàn bộ lãnh thổ sẽ hình thành lên các sản phẩm chủ lực cho mình. Sự hình thành lên các sản phẩm chủ lực sẽ giải quyết được bài toán khan hiếm về nguồn lực và đồng thời sẽ tạo ra sự phát triển chung cho toàn ngành công nghiệp cũng như sự phát triển của nền kinh tế và đây là một tiêu chí để đánh giá sự phát triển chung của công nghiệp.

1.2.2.6. Mức độ khai thác tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường

Tăng trưởng công nghiệp cùng việc tổ chức sản xuất của con người luôn gắn liền với việc khai thác các nguồn tài nguyên và môi trường thiên nhiên để sản xuất. Tăng trưởng kinh tế và sử dụng tài nguyên môi trường có quan hệ với nhau và được xem xét qua rất nhiều chỉ tiêu, trong đó có các chỉ tiêu như: nhịp độ tăng trưởng GO cả nước và VA của các ngành trong tương quan so sánh với mức độ cạn kiệt tài nguyên và tình hình ô nhiễm môi trường. Thông thường khi đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các ngành công nghiệp, người ta sẽ lựa chọn một số tiêu chí như: chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí, tiếng ồn…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển công nghiệp ở tỉnh bắc giang (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)