TỈNH BẮC GIANG TRONG THỜI GIAN QUA
2.3.1. Kết quả đạt được
- Tăng trưởng giá trị công nghiệp giữ được sự ổn định hàng năm và có xu hướng tăng nhanh hơn trong những năm gần đây. Năm 2005, tỷ lệ tăng trưởng giá trị công nghiệp là 22%, đến năm 2010 là 24,8%. Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đạt 20,9%.
Tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế cũng tăng lên hàng năm và từng bước khẳng định vị trí chủ lực của công nghiệp, từ 15,2% năm 2001 tăng lên 34,3% năm 2010.
- Phát triển các mô hình sản xuất công nghiệp: số lượng doanh nghiệp phát triển thay đổi theo từng năm trên cơ sở biến động thị trường; các doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại và có xu hướng giảm, các doanh nghiệp
ngoài nhà nước tăng lên. Vốn đầu tư của các doanh nghiệp tuy có cải thiện nhưng vẫn còn ở quy mô rất nhỏ.
- Xuất - nhập khẩu: giá trị xuất khẩu công nghiệp tăng lên hàng năm.
Điều đáng chú ý là trong những năm gần đây đã xuất hiện nhiều sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, sức cạnh tranh lớn, giá trị gia tăng cao như: hàng may mặc đạt 92,3 triệu USD, sản phẩm nhựa plasitic, thiết bị điện tử, linh kiện phụ trợ máy tính...
2.3.2. Hạn chế trong phát triển công nghiệp
- Công nghiệp của tỉnh tuy phát triển khá nhưng còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của tỉnh; tỷ trọng công nghiệp trong GDP còn thấp chưa đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH.
- Các ngành công nghiệp phát triển chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp; việc triển khai thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu còn chậm; các làng nghề truyền thống còn phát triển manh mún.
- Giá trị gia tăng thấp và tỷ lệ VA/GO có xu hướng giảm dần, biểu hiện chất lượng tăng trưởng của công nghiệp Bắc Giang trong các năm qua là thấp. Nguyên nhân là do hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chỉ là khai thác khoáng sản dưới dạng thô hoặc sơ chế; các doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng mới chỉ dừng lại ở hoạt động gia công, lắp ráp là chủ yếu; các ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu và kém phát triển.
- Quá trình chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp diễn ra theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến (là ngành có giá trị gia tăng cao). Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch còn chậm, chưa rõ ràng, có sự mất cân đối lớn giữa công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn, các ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu và kém phát triển, chưa có những ngành, sản phẩm mang tính đột phá, chưa xuất hiện các ngành có trình độ cao, chất xám cao
hơn như công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo tinh xảo, hoá chất cơ bản, chế tạo vật liệu mới... Cơ cấu công nghiệp theo ngành còn thiếu thân thiện với môi trường và tiềm ẩn nguy cơ không bền vững cao do tập trung chủ yếu vào các ngành thâm dụng tài nguyên, sử dụng nhiều năng lượng, có ảnh hưởng và tác động lớn đến môi trường như sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện, khai thác khoáng sản, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm và đồ uống.... Nguyên nhân là do còn lúng túng, chưa rõ ràng trong việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên và lĩnh vực mũi nhọn; bên cạnh đó nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của Bắc Giang nói chung còn hạn chế.
- Đa số các cơ sở công nghiệp trong tỉnh đều ở quy mô nhỏ, máy móc thiết bị và công nghệ thô sơ, lạc hậu, chậm được đổi mới nên hiệu quả chưa cao; một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng một phần là làm gia công nên giá trị gia tăng thấp; sự hỗ trợ của nhà nước chưa tác động được nhiều đến các doanh nghiệp nhỏ, ngoài quốc doanh.
- Môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện rõ rệt. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chưa được quan tâm xây dựng đồng bộ, thiết thực. Việc xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm, số dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ còn nhiều, Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép chậm đầu tư đi vào sản xuất.
2.3.3. Nguyên nhân của các hạn chế
- Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp còn nhiều hạn chế về chất lượng và chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Nhà nước và địa phương chưa thực sự đủ sức hấp dẫn. Hệ thống chính sách chưa được đồng bộ và thiếu nhất quán. Nhận thức của các ngành, các cấp về vị trí và tầm quan trọng của phát triển công nghiệp trong phát triển kinh tế chưa
đúng mức; sự lãnh đạo của các cấp ủy, điều hành của chính quyền địa phương đôi lúc thiếu đồng bộ; việc cụ thể hóa và đề ra giải pháp thực hiện còn chưa chủ động, lúng túng, bất cập.
- Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang còn nhiều hạn chế. Mặc dù nhiều năm nay tỉnh đã tập trung đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tiến độ xây dựng hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm.
- Nông nghiệp, lâm nghiệp chưa tạo được vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chưa phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có nên hạn chế đến công nghiệp chế biến.
- Tuy Bắc Giang là tỉnh có nhiều nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển công nghiệp, nhưng trữ lượng không lớn, chủ yếu là phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng thông thường, một số nguồn năng lượng, khoáng sản không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nội tỉnh nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư và chưa được coi là sản phẩm hoặc ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.
- Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành với địa phương, cơ sở từ khâu thẩm định, xây dựng dự án đến tổ chức thực hiện còn hạn chế. Một số huyện, đơn vị còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển. Còn thiếu nhân tố điển hình làm hạt nhân phát triển kinh tế ở địa phương. Công tác tham mưu, đề xuất của một số ngành trong việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh thiếu kịp thời. Chưa có những giải pháp mang tính đột phá, tạo bước tiến mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Các doanh nghiệp công nghiệp quy mô còn nhỏ, chưa có nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài và trong nước đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
- Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, vừa không đồng bộ; công tác quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Việc xây dựng và phát huy các nguồn lực, nhất là đào tào nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Lực lượng lao động công nghiệp tăng khá, song chủ yếu là lao động phổ thổng, tay nghề thấp; tác phong và ý thức tổ chức lao động công nghiệp rất hạn chế. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các dự án công nghiệp hiện đại. Khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất của doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp.
Tiểu kết chương 2
Bắc Giang bước vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế nói chung và xây dựng công nghiệp nói riêng từ xuất phát điểm rất thấp; mặt khác, Bắc Giang nằm trong khu vực chậm phát triển so với khu vực phía bắc và phía nam của đất nước, vì thế, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh Bắc Giang trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng và tái thiết quê hương.
Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng Bắc Giang vẫn có nhiều tiềm năng phát triển trong các ngành công nghiệp. Việc phát triển công nghiệp thực sự đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xoá đói giảm nghèo và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tuy vậy, do vẫn còn nhiều yếu kém, nên công nghiệp Bắc Giang có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.
Vì vậy, để công nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, Bắc Giang cần phải có những chủ trương và giải pháp hợp lý, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
CHƯƠNG 3: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH BẮC GIANG NHỮNG NĂM TỚI