2.2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP Ở TỈNH BẮC
2.2.3. Năng lực cạnh tranh công nghiệp
Phản ánh những giá trị lợi thế vô hình và hữu hình, những cơ hội thu hút đầu tư và tạo ra lợi nhuận của các ngành kinh tế. Năng lực cạnh tranh là yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh được xem xét ở các góc độ khác nhau như năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Việc lượng hoá chỉ tiêu này là tương đối khó khăn. Về mặt định tính, năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và năng lực
cạnh tranh doanh nghiệp biểu hiện ở hình ảnh, vị thế, sức hấp dẫn của quốc gia, của tỉnh, của doanh nghiệp, còn năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ biểu hiện ở khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ hay nói cách khác là chỗ đứng của các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường trong và ngoài nước.
Về khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp của Bắc Giang, trong số những sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Bắc Giang, ngoại trừ các sản phẩm khai khoáng (than, quặng kim loại…) là những sản phẩm phụ thuộc nhiều vào đặc điểm tự nhiên và ít chịu sự tác động của yếu tố cạnh tranh do đặc tính ngày càng trở nên khan hiếm của các nguồn tài nguyên không có khả năng tái tạo, thì chỉ một số ít sản phẩm công nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước. Đối với năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, do số liệu thống kê còn hạn chế, nên trong luận văn sẽ sử dụng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện đánh giá và công bố hàng năm để phân tích.
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, PCI năm 2011 của Bắc Giang là 60,79 đứng thứ 23/63 địa phương trong cả nước
và được đánh giá vào nhóm có chỉ số PCI “tốt” (đứng đầu là Lào Cai với
chỉ số PCI là 73,53 và đứng cuối cùng là Cao Bằng với chỉ số PCI là 50,98). Như vậy, qua chỉ số PCI của Bắc Giang có thể thấy môi trường hoạt động của các doanh nghiệp tại địa phương tương đối tốt, tuy nhiên Bắc Giang đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt về khả năng hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư trong toàn tỉnh nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.
Hình 2.1: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2011
Nguồn: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
PCI đo chất lượng thực tế của điều hành kinh tế địa phương thông qua cảm nhận của doanh nghiệp đang hoạt động tại địa bàn tỉnh, không phải dựa vào các kế hoạch, chính sách, hay dự định của tỉnh. Thực chất, chỉ số PCI nhằm khuyến khích sự năng động sáng tạo của địa phương để hướng các thành phần dễ bị tổn thương nhất: các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đóng góp cụ thể nhất cho PCI chính là lắng nghe họ, xem họ cần gì để phục vụ. Nói cách khác,
chỉ số là nhằm hướng địa phương vào tinh thần của dân, do dân, vì dân, đo mức độ vì dân thực của chính quyền tỉnh, xem dân, doanh nghiệp đánh giá thế nào về hoạt động của chính quyền. Giống như việc thành phố Hồ Chí Minh giao các đơn vị đánh giá mức độ hài lòng của dân cư về điện, nước..., chỉ số PCI như một công cụ để doanh nghiệp kiểm tra lại việc thực hiện công cụ của nhà nước, từ đó hoàn thiện ở từng địa phương. Vì thế, ý nghĩa của PCI không nằm ở việc thu hút được bao nhiêu đầu tư. Cạnh tranh về thu hút đầu tư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: địa lý, khả năng mở rộng thị trường... Những yếu tố đó không thể kéo Bắc Giang lại gần thành phố Hồ Chí Minh được, dù tỉnh này có cố gắng để có vị trí xếp hạng PCI cao bao nhiêu đi chăng nữa. Tuy nhiên, trong cùng điều kiện hạ tầng, địa lý gần nhau, thì PCI trở thành tham số để các nhà đầu tư xem xét ra quyết định bỏ vốn vào đâu.