Những giải pháp đã thực hiện:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Dạy nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Ninh Bình (Trang 64 - 66)

- Trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại II, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) phải nhanh chóng hoàn thiện nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí về cơ cấu lao động. Công tác đào tạo nghề được chú trọng nhằm giúp cho người lao động khu vực sản xuất nông nghiệp có cơ hội tìm kiếm việc làm sau thu hồi đất hoặc tranh thủ lúc nông nhàn.

- Để đạt được mục tiêu 85% lao động trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực phi nông nghiệp, thành phố Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp.

Là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều bởi các dự án giải phóng mặt bằng, phường Ninh Khánh có sự chuyển dịch cơ cấu lao động nhanh so với các xã, phường khác trên địa bàn thành phố. Từ năm 2004 đến nay, Ninh Khánh thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng để bàn giao diện tích cho hơn 40 dự án lớn, nhỏ của tỉnh, của thành phố với hơn 4.000 lao động nông nghiệp không còn ruộng sản xuất. Để giúp người dân có việc làm sau thu hồi đất, phường Ninh Khánh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống. Phường đã chỉ đạo các đoàn thể làm tốt công tác rà soát để nắm bắt nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, nhu cầu học nghề để chuyển đổi ngành nghề... của các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng. Nắm bắt cụ thể nhu cầu của người dân ở một phường ven đô thường có nhu cầu kinh doanh, buôn bán nhỏ và tìm việc làm ở thành phố, phường đã đầu tư hoàn thiện khu chợ Mía, xây dựng các ki-ốt để tạo thuận lợi cho nhu cầu buôn bán của hàng chục hộ dân. Các ngành nghề đưa về dạy tại địa phương cũng bám sát nhu cầu thực tế của các hộ để tiến hành đào tạo, sau học nghề, người dân có điều kiện duy trì nghề như: làm nấm, khâu chăn bông xuất khẩu...

Đặc biệt, trước nhu cầu của nhiều lao động muốn tìm việc làm công nhật tại thành phố như: thợ xây, thợ cơ khí, giúp việc gia đình, vào làm tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất..., UBND phường đã tiến hành khảo sát, tạo điều kiện giúp các lao động thành lập các tổ nghề để tìm kiếm việc làm thuận tiện

hơn và giúp cho công việc của các tổ duy trì thường xuyên, đạt hiệu quả. Với các giải pháp tích cực, hàng năm, phường đã giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động, đến nay số lao động được giải quyết việc làm đạt trên 80% trong tổng số 4.800 lao động trong độ tuổi. Trong đó, có 73% lao động có việc làm và thu nhập khá ổn định...

Cũng như phường Ninh Khánh trong tiến trình đô thị hoá mạnh mẽ, nhiều xã, phường trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đô thị loại II. Qua khảo sát cho thấy, hiện nay tổng số lao động trong độ tuổi của toàn thành phố trên 73.000 người, trong đó lao động hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm khoảng 80%, số lao động chưa có việc làm hoặc công việc không ổn định còn khoảng 12%.

Trên cơ sở điều tra, nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động của từng địa phương, thành phố đã chỉ đạo phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dạy nghề tổng hợp danh sách, bám sát nhu cầu để mở các lớp đào tạo nghề tại chỗ phù hợp với điều kiện thực tế về nguồn nhân lực của từng địa phương cũng như nhu cầu của người học nghề. Trong đó, đặc biệt quan tâm có chính sách hỗ trợ, ưu tiên đối với những lao động là hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ thuộc diện thu hồi đất.

Đối với các lớp dạy nghề, thời gian qua thành phố đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề truyền thống như nghề mộc ở Ninh Phong, nghề trồng hoa ở Ninh Phúc… để huy động các nghệ nhân, thợ lành nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cũng đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, với các ngành nghề đáp ứng nhu cầu thị trường như: may công nghiệp, phục vụ khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch… Từ năm 2008 đến nay, tổng kinh phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương được thành phố đầu tư đạt trên 2,6 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách thành phố là hơn 1,5 tỷ đồng, kinh phí còn lại là từ nguồn vốn chương trình mục tiêu và vốn dạy nghề cho

lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ.

Với nhiều nỗ lực, công tác đào tạo nghề của thành phố Ninh Bình đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, để hoạt động đào tạo nghề đạt hiệu quả, đảm bảo tính bền vững, cấp ủy, chính quyền thành phố luôn quan tâm và có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, nhất là trong việc định hướng, tư vấn giúp người lao động tìm được việc làm, học nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu của xã hội.

Vừa qua, Trung tâm dạy nghề thành phố đã tổ chức khai giảng 5 lớp dạy nghề là: may công nghiệp, mộc dân dụng, khâu chăn bông, trồng hoa, trồng chuối tiêu hồng, thu hút hơn 400 lao động tham gia học nghề. Các lớp dạy nghề được mở đều trên cơ sở nhu cầu người lao động và nhu cầu của thị trường nên chắc chắn sau học nghề, nhiều lao động sẽ có cơ hội tìm việc làm ngay tại địa phương.

(Nguồn: Báo cáo Sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTG của Thủ tướng chính phủ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình)

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Dạy nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Ninh Bình (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)