3.1. Bối cảnh mới ảnh hƣởng đến hoạt động dạy nghề ở Ninh Bình
3.1.2. Bối cảnh đất nước
Đồng thời với bối cảnh quốc tế, ở trong nước, sức ép về lao động có trình độ và chất lượng cao sẽ tăng lên trong thời gian tới. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, sẽ tiếp tục có nhu cầu lớn về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp và nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá. Nếu không chuyển dịch cơ cấu lao động kịp thời theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, tình trạng kém phát triển, nghèo đói, bất bình đẳng vẫn không giải quyết được. Mặt khác, nếu không có được nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp, thì trong quá trình toàn cầu hoá kinh tế, mở cửa thị trường, trong đó có thị trường lao động, lao động các nước sẽ đến làm việc
ở Việt Nam, trong khi lao động Việt Nam không tìm được việc làm. Đó là nghịch lý và là thách thức lớn đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực nói chung và dạy nghề nói riêng.
Đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Dự báo, khi đó tỷ lệ lao động qua đào tạo vào khoảng 70% (năm 2008: 35%), trong đó lao động qua đào tạo nghề là 55% (năm 2008: 26,5%); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp chiếm 35%, công nghiệp là 63% và dịch vụ là 50%; cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo nghề: sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng là 72%, trung cấp nghề là 14,4%, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành là 13,6%.
Đảng và Nhà nước ta coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố có tính chất quyết định để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội X của Đảng xác định: Tăng nhanh quy mô đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho xuất khẩu lao động; tạo chuyển biến căn bản về chất lượng dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khoá VIII, nêu rõ: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, kể cả những nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao; chú trọng xây dựng một số trường dạy nghề đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Tăng nhanh quy mô công nhân và cán bộ kỹ thuật lành nghề ở những lĩnh vực công nghệ cao, tiếp nhận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Trong mười năm qua (1998-2008), dạy nghề đã được phục hồi sau một thời gian dài suy giảm và có bước phát triển mới, và cơ bản đáp ứng được nhu cầu về số lượng cho thị trường lao động, đồng thời chất lượng dạy nghề cũng có chuyển biến tích cực. Tính đến năm 2008, số trường dạy nghề tăng 2,37 lần so với 10 năm trước (từ 129 trường dạy nghề lên 306 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề); trung tâm dạy nghề tăng 4,56 lần (từ 150 lên 684 trung tâm). Mỗi tỉnh có ít nhất một trường trung cấp nghề hoặc cao đẳng nghề; 50% số huyện có trung tâm dạy nghề. Xã hội hoá dạy nghề đã đạt kết quả bước
đầu: năm 2008 có 15 trường cao đẳng nghề, 52 trường trung cấp nghề, 250 trung tâm dạy nghề tư thục, và hơn 1000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các cơ sở giáo dục khác có thực hiện công tác dạy nghề. Quy mô tuyển sinh học sinh học nghề tăng nhanh: 525,6 nghìn người năm 1998 lên 1538 nghìn người năm 2008 (tăng 2,9 lần). Đầu tư cho dạy nghề cũng ngày càng tăng, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cơ bản như: dạy nghề chủ yếu vẫn theo hướng cung; chất lượng dạy nghề còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10) - xếp thứ 11 trong 12 nước ở Châu Á được tham gia xếp hạng. Chưa có các trường có năng lực đào tạo nghề chất lượng cao tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực, thế giới và chuẩn quốc gia, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam phải thuê tuyển lao động có trình độ cao của nước ngoài.
Bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi phải đổi mới và phát triển dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật theo hai hướng:
Một là, đào tạo nghề đại trà để phổ cập nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn nhằm nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Hai là, đào tạo nghề chất lượng cao đối với một số nghề công nghệ cao, nghề mũi nhọn đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, các ngành kinh tế mũi nhọn và xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình chính trị, kinh tế, tài chính thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, có nhiều tác động bất lợi đối với tình hình kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng: trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước và ở tỉnh Ninh Bình tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế; doanh nghiệp khó tiếp cận với các nguồn vốn, sức mua giảm, hàng tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, tạo nên những áp lực mới
về mặt xã hội, nhất là về lao động và việc làm.