Một số nhận xét về PCI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) năng lực cạnh tranh của hà nội những năm 2005 2010 và tầm nhìn 2020 (Trang 38 - 39)

1.1. Một số vấn đề về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh:

1.1.2.4. Một số nhận xét về PCI

Báo cáo PCI năm 2009, được công bố ngày 14-1-2010, đánh dấu năm thứ 5 xây dựng và công bố. Báo cáo đã đạt được những thành công nhất định, được đông đảo dư luận quan tâm và cũng được nhiều đối tượng khác nhau sử dụng kết quả (nhà nghiên cứu, nhà chính trị, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư...).

Tuy nhiên, PCI cũng còn một số hạn chế:

Một là, chưa phản ánh đúng nội hàm của khái niệm: tên gọi là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nhưng thực chất nghiên cứu PCI chỉ tập trung đánh giá chất lượng điều hành kinh tế tế để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) – tổ chức quốc tế nghiên cứu và công bố Báo cáo hàng năm về Năng lực cạnh tranh quốc gia – thì năng lực cạnh tranh (của quốc gia, địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm) là sự tích hợp của nhiều yếu tố, phản ánh qua 8 tiêu chí chủ yếu: độ mở kinh tế; thể chế; tài chính; lao động; công nghệ; kết cấu hạ tầng; quản trị và Chính phủ. Như vậy, PCI mới chỉ phản ánh một phần trong tổng hòa nhiều yếu tốt của năng lực cạnh tranh của địa phương.

Hai là, một số chỉ tiêu chưa phản ánh khách quan các nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ: Sự ổn định của mặt bằng sản xuất, câu hỏi B.4.3 và B.4.4 đề cập đến tính ổn định (khả năng bị thu hồi đất) và bồi thường thỏa đáng. Điều này là khác nhau rất nhiều giữa các tỉnh có trình độ phát triển kinh tế khác nhau – đây là một yếu tố thuộc về điều kiện truyền thống. Những tỉnh kém phát triển thường có khả năng bị thu hồi đất ít hơn rất nhiều so với những tỉnh phát triển do tính kém năng động và kém cạnh tranh của nền kinh tế (tác động tới nhu cầu sử dụng đất và tính hàng hóa của đất đai), mặt khác giá đất của những tỉnh này cũng ít biến động hơn so với các tỉnh phát triển nên việc xác định giá bồi thường thỏa đáng cũng dễ dàng hơn. Như vậy có thể thấy yếu tố của điều kiện truyền thống vẫn còn ảnh hưởng tới kết quả của một số chỉ số.

Ba là, số liệu “cứng” sử dụng không thống nhất theo thời gian, thường bị lạc hậu. Trong tính toán PCI năm 2008 sử dụng những số liệu của Tổng cục Thống kê công bố từ Điều tra doanh nghiệp năm 2005 và 2006. Mặc dù, những chỉ tiêu đánh giá điều kiện truyền thống không thể thay đổi nhanh chóng, song số liệu lạc hậu sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và giảm tính thuyết phục của kết quả.

Bốn là, do đặc thù của phương pháp thu thập thông tin thông qua điều tra xã hội học và do tỷ lệ phản hồi của các doanh nghiệp điều tra chưa cao (tỷ lệ phản hồi năm 2006 là 20,45%, năm 2007 là 21%, năm 2008 là 26%, năm 2009 là 25%), có sự chênh lệch đáng kể giữa những nỗ lực của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư và đánh giá của doanh nghiệp về những kết quả của nỗ lực đó. Trong nhiều trường hợp, những doanh nghiệp cảm thấy “bị thiệt thòi” nhất trong cạnh tranh để phát triển ở địa phương chính là những doanh nghiệp nhiệt tình nhất trong việc trả lời phiếu điều tra, còn những doanh nghiệp thấy tương đối hài lòng với môi trường đầu tư và kinh doanh trên địa bàn lại kém hào hứng trong việc tham gia vào các cuộc điều tra dạng này.

Ngoài ra, cách lấy mẫu bình quân như nhau (100) về số lượng doanh nghiệp để khảo sát cho mỗi tỉnh, trong khi giữa các tỉnh không bằng nhau về tổng số lượng doanh nghiệp và định hướng phát triển kinh tế chủ lực cũng sẽ gây thiệt thòi cho các tỉnh , địa phương đặc thù (như Hà Nội…).

Về tổng thể, có thể nói dù còn có những hạn chế, song PCI vẫn là một dự án nghiên cứu nghiêm túc, có kết quả được áp dụng hiệu quả trong thực tế. Một số tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch để cải thiện môi trường đầu tư của địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp cải thiện các chỉ số thành phần của PCI được công bố.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) năng lực cạnh tranh của hà nội những năm 2005 2010 và tầm nhìn 2020 (Trang 38 - 39)