Khái quát sự ra đời và phát triển của TTCK Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thuế đối với các chủ thể trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 49 - 52)

Để thực hiện đường lối công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế bền vững và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển. Vì vậy, việc xây dựng TTCK ở Việt Nam đã trở thành nhu cầu bức xúc và cấp thiết nhằm huy động các nguồn vốn trung, dài hạn ở trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kinh tế thông qua chứng khoán nợ và chứng khoán vốn.

Thêm vào đó, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với sự hình thành và phát triển của TTCK sẽ tạo môi trường ngày càng công khai và lành mạnh hơn. Ngày 10/07/1998 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 48/1998/NĐ-CP về Chứng khoán và Thị trường chứng khoán cùng với Quyết định 127/1998/QĐ-TTg ngày 11/07/1998 thành lập hai (02) Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Ngày 20/07/2000, TTGDCK Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức khai trương đi vào vận hành, và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/07/2000 với hai loại cổ phiếu giao dịch REE và SAM.

Sự ra đời của TTGDCK Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo ra một kênh huy động và luân chuyển vốn mới phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; là sản phẩm của nền chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và nhà nước ta. Hơn 6 năm đầu, mức vốn hoá của thị trường mới chỉ tăng lên 0,5 tỉ USD. Theo số liệu của Vneconomy ngày 22/8/2012 thì vốn hóa HOSE đạt 694,5 nghìn tỉ VND, HNX là 93,6 nghìn tỷ VND (ước tính toàn thị trường khoảng 36 tỷ USD). Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã công bố mức vốn hóa thị trường đến cuối

tháng 12/2010 đạt 726.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2009, tương đương khoảng 39% GDP năm 2010. Tuy nhiên năm 2011 đánh dấu sự sụt giảm mạnh của, quy mô thị trường so với GDP bị thu hẹp khi mức vốn hóa thị trường tại thời điểm 31/12/2011 giảm đáng kể, chỉ đạt 539.000 tỷ đồng, giảm 187.000 tỷ đồng (26%) so với mức 726.000 tỷ đồng cuối năm 2010. Vốn hóa thị trường so với GDP chỉ còn đạt 21%.

Đến 31/12/2011, có 699 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên hai sàn HSX và HNX (301 mã cổ phiếu, 5 chứng chỉ quỹ trên HSX; 393 mã cổ phiếu trên HNX). Thị trường mất cân đối lớn khi có ít công ty có quy mô lớn (chỉ có 58 công ty có vốn hóa thị trường trên 1.000 tỷ đồng), trong khi có quá nhiều công ty có quy mô nhỏ (50% số công ty niêm yết có vốn điều lệ và vốn hóa < 100 tỷ đồng), tổng vốn hóa thị trường của 20 doanh nghiệp hàng đầu chiếm hơn 69% vốn hóa thị trường của mỗi sàn giao dịch. Ngoài ra còn có khoảng 500 mã trái phiếu niêm yết trên cả 2 sàn giao dịch và 130 mã cổ phiếu trên thị trường UpCom.

Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào TTCK Việt Nam cũng có sự gia tăng đáng kể. Tính đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vào khoảng 6 tỷ USD. Theo lộ trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt, tính đến hết năm 2011, cả nước đã cổ phần hóa được gần 4.000 doanh nghiệp, góp phần cơ bản vào việc sắp xếp DNNN, từ chỗ DNNN trước đây là 12.000, xuống còn 6.000. Thế nhưng, nhìn chung tiến trình cổ phần hóa vẫn chậm hơn nhiều so với kế hoạch, nhất là từ năm 2011 đến nay. Trong năm 2011 số lượng DNNN cổ phần hóa rất thấp, chỉ được 60 doanh nghiệp. Theo kế hoạch, trong năm 2012, có 93 DNNN thực hiện cổ phần hóa, nhưng tính hết 6 tháng đầu năm, chưa có doanh nghiệp nào gửi văn bản đề nghị phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa. Thực tế, cũng có vài doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa trong những tháng đầu năm 2012, nhưng chủ yếu là từ kế hoạch năm 2011 chuyển sang.

Chỉ số VN-Index cũng đã chứng minh sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường. Nếu trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/7/2000, VN- Index ở mức 100 điểm thì tháng 3 - 2007, chỉ số này đã đạt ở mức kỷ lục trên 1.170 điểm và sau 4 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thì hiện nay VN-Index đang dao động quanh mức 400 điểm. Đặc biệt, số lượng các nhà đầu tư mới tham gia thị trường ngày càng đông, tính đến hết năm 2011, có khoảng 1,1 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng 38% so với năm 2009; số mã giao dịch đã cấp cho nhà đầu tư nước ngoài là 15.569 mã trong đó có 13.845 nhà đầu tư cá nhân và 1.724 nhà đầu tư tổ chức. Đến 31/12/2011, TTCK có 47 công ty quản lý quỹ với 24 quỹ đầu tư chứng khoán. Phần lớn (80%) các công ty quản lý quỹ có vốn điều lệ chỉ từ 25 đến 50 tỷ đồng, chỉ có 6 công ty có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng, công ty có vốn điều lệ lớn nhất chỉ là 500 tỷ đồng. Trong 3 năm gần đây, các công ty quản lý quỹ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn từ cả nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Các chứng chỉ quỹ bị chiết khấu từ 29% đến 45% trên cả thị trường quốc tế và thị trường trong nước cũng làm nhà đầu tư chùn bước khi quyết định góp thêm vốn vào công ty quản lý quỹ. Hệ thống các tổ chức trung gian trên TTCK đã hình thành và phát triển nhanh chóng. Tính đến hết năm 2011, số lượng thành viên của TTLCKCK là 127 thành viên, trong đó bao gồm 103 công ty chứng khoán, 4 ngân hàng lưu ký trong nước, 6 ngân hàng lưu ký nước ngoài và 14 ngân hàng thương mại là thành viên mở tài khoản trực tiếp. Các công ty chứng khoán hoạt động chủ yếu với các nghiệp vụ chính là tự doanh, môi giới, tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành và lưu ký chứng khoán. Trong đó, môi giới và tự doanh là 2 mảng mang lại doanh thu chính. Năm 2011, tổng vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán đạt 37.609 tỷ đồng, giảm 4% so với cuối năm 2010. Tổng tài sản của các công ty chứng khoán là 82.515 tỷ đồng giảm 23% so với năm 2010. Sự sụt giảm này là do những bất ổn của kinh tế vĩ mô năm 2011 làm cho cả Index và thanh khoản của thị trường đều suy giảm kéo dài, công ty

chứng khoán phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời doanh thu môi giới giảm mạnh (giảm 70%) so với năm 2010. Lợi nhuận của các công ty chứng khoán giảm 221% so với năm 2010, 61/105 công ty thua lỗ với tổng số lỗ lên tới 3.500 tỷ đồng.

Có sự phân hóa rõ rệt về quy mô vốn cũng như hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán. Các công ty có quy mô vốn trên 500 tỷ đồng chỉ chiếm 17% tuy nhiên lại chiếm khoảng 60% thị phần. Hiện 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất đã chiếm 50% thị trường, hơn 90 công ty còn lại cạnh tranh gay gắt trên một nửa thị trường. Nhiều công ty chứng khoán có quy mô và năng lực tài chính thấp, không đảm bảo hiệu quả hoạt động. Đặc biệt có một số công ty chứng khoán hạn chế về năng lực, nghiệp vụ, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thuế đối với các chủ thể trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 49 - 52)