2.3. Thực trạng triển khai chính sách thuế đối với TTCK Việt Nam
2.3.3. Thuế đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán
Vai trò chủ yếu của nhà trung gian chứng khoán là: kinh doanh, môi giới và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Hầu hết các công ty chứng khoán đều vừa có hoạt động môi giới vừa có hoạt động kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, trong giao dịch, để đảm bảo tính trung thực, công bằng và uy tín
của ngành, hai loại hoạt động này được đặc biệt lưu ý tổ chức và giám sát tách bạch.
Nhìn chung, các công ty chứng khoán trên TTCK Việt Nam đã thực hiện được vai trò trung gian trong việc môi giới mua bán chứng khoán, tích cực tham gia tư vấn niêm yết và thực hiện cung cấp thông tin đến nhà đầu tư, góp vốn vào thành công của thị trường. Mặc dù vậy hoạt động của các công ty chứng khoán vẫn còn một số hạn chế như: một số công ty chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về hoạt động; chưa thể hiện vai trò tích cực, chủ động phát triển thị trường; chất lượng dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán và tư vấn niêm yết chưa cao, nhà đầu tư còn chưa thật sự tin tưởng vào tính công bằng và khách quan trong hoạt động môi giới, tư vấn đầu tư; đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Thuế TNDN đối với các tổ chức trung gian chứng khoán có thu nhập từ hoạt động môi giới, bảo lãnh, tư vấn, tuy nhiên cần có chính sách ưu đãi thuế cho hoạt động này trong một thời gian.
Ngày 23/11/2007 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 134/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 24/2007/NĐ-CP về thi hành Luật thuế TNDN. Theo đó, các công ty chứng khoán thành lập sau ngày 25/10/2006 không được hưởng ưu đãi thuế TNDN, do không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh được hưởng ưu đãi theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư. Trước đó, các công ty chứng khoán thành lập theo Nghị định 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập theo Thông tư 100/2004/TT- BTC về ưu đãi thuế đối với TTCK (mức ưu đãi là miễn thuế 2 năm và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo kể từ khi thành lập).
Thực tế thị trường chứng khoán đã suy giảm mạnh cuối năm 2008 và lình xình đi ngang trong suốt từ 2009 đến 2012, hầu hết các công ty chứng khoán thua lỗ nặng và có nguy cơ phá sản, thâu tóm, sát nhập. Tính đến cuối năm 2011, số lượng công ty chứng khoán đăng ký hoạt động trên TTCK
Việt Nam là 103 công ty. Từ tháng 5-2008, UBCKNN đã tạm ngừng nhận mới hồ sơ xin cấp phép công ty chứng khoán và chỉ tập trung thẩm định hồ sơ cấp phép đối với những công ty đã nộp hồ sơ trước tháng 5-2008. Thị trường chứng khoán giai đoạn 2008-2012 lao dốc không phanh, chỉ có một vài thời điểm bật tăng như năm 2010 nhưng chủ yếu vẫn là đi ngang giảm điểm. Các công ty chứng khoán được cấp phép ồ ạt trong năm 2006, 2007- khi thị trường phát triển mạnh thì hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2011 thì hầu hết các công ty chứng khoán đều báo cáo lỗ, cho đến nửa đầu năm 2012 tình hình có vẻ khả quan hơn khi đã có nhiều công ty báo cáo lãi tuy nhiên sỗ lỗ lũy kế từ những năm trước vẫn còn rất lớn. Hàng loạt công ty thực hiện cắt giảm nhân sự, đóng cửa phòng giao dịch, thậm chí một số công ty còn bị UBCKNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động. Danh sách các công ty bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt đến hết quý 3 năm 2012 lên đến 9 công ty và 2 công ty bị đình chỉ hoạt động. Nhiều công ty hiện chỉ hiện hữu trên thị trường về mặt giấy tờ chứ thực tế không còn hoạt động. Đây cũng là cảnh báo về việc có quá nhiều công ty chứng khoán tham gia thị trường và hoạt động thành lập công ty chứng khoán một cách phòng trào, bùng phát thiếu quy hoạch của các năm trước. Theo đó, để nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và khả năng kiểm soát rủi ro của các công ty chứng khoán, ngày 10/01/2012 Bộ Tài chính đã banh hành Quyết định số 62/QĐ-BTC về việc phê duyệt Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán. Với văn bản này, thị trường hi vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có các biện pháp mạnh tay làm trong sạch thị trường và nâng cao hơn nữa chất lượng TTCK Việt Nam.
Một vấn đề khó khăn đối với việc tính và thu thuế đối với công ty chứng khoán là xác định chính xác thu nhập của hoạt động môi giới chứng khoán chưa niêm yết. Mảng nghiệp vụ môi giới chứng khoán chưa niêm yết được các công ty chứng khoán triển khai chưa có bài bản, thậm chí không thể quản lý được, dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư (vì có chênh lệch khá lớn giữa
giá mua và giá bán thực sự), đồng thời gây thất thu thuế cho Nhà nước. Việc trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán chưa niêm yết cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để có thể thực hiện đúng theo các văn bản pháp luật.
Hiện tại, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 có hiệu lực, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ sẽ chịu sự điều chỉnh của luật thuế này. Mức thuế suất thuế TNDN là 25% trên doanh thu chịu thuế của đơn vị. Các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán này hiện không còn được hưởng các ưu đãi về thuế TNDN nữa và phải tự nỗ lực để nâng cao khả năng cạnh tranh khi mà số lượng các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán này ngày càng gia tăng về số lượng, các công ty có tiềm lực tài chính mạnh cũng chiếm số lượng lớn.