Thuế giá trị gia tăng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thuế đối với các chủ thể trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 85)

3.2. Giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách thuế đối với TTCK

3.2.1. Thuế giá trị gia tăng

Về đối tượng chịu thuế

Theo quy định hiện hành, để khuyến khích hoạt động TTCK, chính sách thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán và chuyển nhượng chứng khoán đều thuộc diện không chịu thuế GTGT. Chính sách miễn thuế hiện hành đã và đang có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy TTCK còn non trẻ phát triển. Tuy nhiên, với sự phát triển liên tục của TTCK, các dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng mở rộng theo hướng bổ sung thêm các nghiệp vụ và chuyên sâu về tính chất cũng như hoạt động. Luật nên bổ sung thêm các nghiệp vụ như: tư vấn tái cơ cấu tài chính doanh nghiệp, thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp, tư vấn quản trị công ty cổ phần; Tư vấn cổ phần hoá, xác định giá trị doanh nghiệp; Tư vấn tài chính khác phù hợp với quy định pháp luật; Dịch vụ lưu ký chứng khoán, quản lý cổ đông. Hoặc ghi gọn là các nghiệp vụ khác của công ty chứng khoán được Bộ Tài Chính cho phép thực hiện. Các hoạt động liên quan đến phát hành và kinh doanh trái phiếu Chính phủ. Các hợp đồng gửi tiền, ủy thác đầu tư, hợp tác đầu tư chứng khoán với các tổ chức khác. Các hoạt động ủy thác đầu tư, hợp tác đầu tư chứng khoán với khách hàng cá nhân. Các hoạt động liên quan đến dịch vụ phân tích đầu tư và cung cấp thông tin hỗ trợ đầu tư. Các nghiệp vụ tài chính liên quan đến hoạt động tự doanh, môi giới, đầu tư chứng khoán bao gồm ứng trước tiền, đặt cọc tiền hoặc đặt tài sản làm bảo đảm cho các hoạt động nói trên. Tóm lại đó là các nghiệp vụ phổ biến tại các tổ chức cung cấp dịch vụ và được pháp luật cho

phép thực hiện vì vậy tác giả đề xuất bổ sung vào danh mục dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Tính đến ngày 31/12/2011, số lượng người Việt Nam tham gia TTCK chính thức hiện mới chiếm khoảng 1,3% dân số (theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). Con số này còn rất khiêm tốn so với dân số Việt Nam. Vì vậy vẫn cần có các chính sách nhằm khuyến khích cá nhân đầu tư vào TTCK. Do đó theo tác giả, việc ưu đãi về thuế GTGT như quy định hiện hành vẫn cần được duy trì trong khoảng thời gian sắp tới nhằm thu hút vốn đầu tư từ dân cư hơn nữa, thúc đẩy TTCK phát triển nhanh và bền vững.

Về thuế suất thuế GTGT

Xét về lâu dài, khi TTCK đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc, các định chế tham gia trên thị trường đã thực sự có tiềm lực tài chính, TTCK đã thu hút được đông đảo nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức thì thuế GTGT cũng cần từng bước hoàn thiện theo hướng thu hẹp diện đối tượng không chịu thuế (như bắt đầu từ việc thu thuế GTGT tại một số hoạt động của các Sở giao dịch chứng khoán, các dịch vụ mà công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán cung cấp cho khách hàng như dịch vụ tư vấn tài chính, dịch vụ tư vấn chứng khoán, dịch vụ lưu ký chứng khoán…) nhằm tạo điều kiện cho việc tính thuế, khấu trừ thuế được liên hoàn giữa các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh; đồng thời áp dụng một mức thuế suất chung để đảm bảo công bằng về nghĩa vụ thuế và đơn giản hơn trong việc tính thuế.

3.2.2. Thuế đối với thu nhập từ chuyển nhƣợng chứng khoán

Đối với doanh nghiệp, hiện tại Luật thuế TNDN quy định doanh nghiệp có thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán thì khoản thu nhập này được xác định là khoản thu nhập khác và kê khai vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài nộp thuế theo thuế suất 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra tại thời điểm chuyển nhượng.

Hiện tại Luật thuế TNCN quy định cá nhân có thể lựa chọn một trong hai cách tính thuế, đó là: thuế suất 20% trên thu nhập ròng từ việc mua bán chứng khoán từ việc mua bán chứng khoán hoặc áp thuế 0,1% trên giá trị bán chứng khoán. Hiện nay 99% nhà đầu tư chọn cách tính 0,1% tổng giá trị chứng khoán bán ra, cách tính thuế 20% trên lợi nhuận đã thất bại ngay từ khi ban hành vì nhà đầu tư khó khăn trong việc xác định được chính xác thu nhập tính thuế khi quyết toán cuối năm với cơ quan thuế.

Xét về bản chất của loại thuế này là tính thuế trên thu nhập ròng do đó trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng chứng khoán phải xác định được phần doanh thu thu được từ việc chuyển nhượng chứng khoán và phần chi phí hợp lý, hợp lệ (trong đó có chi phí mua vào) của loại chứng khoán đó. Phần thu nhập sau khi đã trừ đi chi phí nói trên sẽ bị đánh thuế. Tuy nhiên thu nhập từ chuyển nhượng của nhà đầu tư chứng khoán không phải chỉ một chiều là có lãi do hoạt động kinh doanh chứng khoán có đặc thù về giá cả chứng khoán lên xuống hàng ngày, hàng giờ - nhà đầu từ không chớp đúng cơ hội sẽ chịu lỗ. Theo cách tính thuế này thì thuế sẽ tính trên phần chênh lệch dương giữa tổng giá trị chứng khoán bán ra trừ đi tổng giá trị chứng khoán mua vào trong năm. Trường hợp nhà đầu tư bị lỗ trong năm hay hiệu trên là âm (chênh lệch âm) thì nhà đầu tư sẽ không phải nộp thuế. Tuy nhiên, việc bù trừ lỗ như đối với doanh nghiệp không được tính đến ở đây, nhà đầu tư kinh doanh thua lỗ không được chuyển lỗ sang năm sau mà việc tính thuế năm nào sẽ chỉ tính cho năm đó, trường hợp nhà đầu tư không lãi cũng không lỗ hay bị lỗ thì sẽ không phải nộp thuế.

Bên cạnh đó, việc xác định thu nhập tính thuế có chính xác hay không còn phụ thuộc vào việc xác định giá mua, giá bán chứng khoán có chính xác hay không. Đối với các loại chứng khoán giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán, thị trường UPCOM thì việc xác định giá mua, giá bán chứng khoán rất dễ vì chỉ cần căn cứ vào kết quả khớp lệnh chứng khoán tại SGDCK, thị trường UPCOM. Tuy nhiên, đối với các chứng khoán khác chưa niêm yết để

giao dịch trên SGDCK, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường UPCOM thì việc xác định giá mua, giá bán chứng khoán lại rất khó chính xác. Đối với các loại chứng khoán này, thông thường người mua và người bán có thể thỏa thuận miệng với nhau và theo nguyên tắc thuận mua vừa bán, sau đó công ty chứng khoán phát hành sẽ làm thủ tục chuyển nhượng từ người bán sang người mua mà không có bất kỳ hợp đồng có giá trị về mặt pháp lý nào để chứng minh giá mua bán thực tế. Việc người bán muốn khai giảm giá bán và người mua không muốn khai tăng giá mua để giảm thu nhập tính thuế là điều khó tránh khỏi và khó có giải pháp để giải quyết triệt để. Bên cạnh đó các chi phí phát sinh trong quá trình chuyển nhượng chứng khoán cũng là một vấn đề cần xem xét do phải xác định và quy định rõ đâu là chi phí hợp lý, hợp lệ được trừ ra khi tính thu nhập chịu thuế. Các chi phí phát sinh khi đàm phán hợp đồng, các chi phí hoa hồng môi giới … có được tính trừ vào thu nhập tính thuế hay không? Một thực tế là các chi phí này thực sự phát sinh nhưng thường không giống nhau và không có một quy chuẩn nào để xác định xem mức độ chi phí thế nào mới là hợp lý, hợp lệ. Do đó rất khó có thể đưa các chi phí này vào khi tính thu nhập chịu thuế. Việc xác định chi phí hợp lý, hợp lệ thông thường chỉ bao gồm các loại phí phải nộp như chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; các khoản phí và lệ phí phải nộp khi làm thủ tục chuyển nhượng; chênh lệch tỉ giá, các chi phí giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng …

Một bất cập về thủ tục thuế là theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 7 Luật Thuế TNCN hiện hành thì kỳ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là theo lần chuyển nhượng hoặc theo năm, trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế. Tác giả cho rằng, quy định này dẫn đến bất cập là trường hợp thị trường sụt giảm, nhà đầu tư chứng khoán bị lỗ nhưng do không đăng ký phương pháp tính thuế từ đầu năm theo quy định nên dù lỗ vẫn phải nộp

thuế theo mức 0,1% trên giá trị mỗi lần chuyển nhượng. Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư được lựa chọn phương pháp tính thuế, theo tác giả Luật sửa đổi theo hướng bỏ cụm từ “trường hợp cá nhân áp dụng kỳ tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế” tại điểm c khoản 1 điều 7 Luật thuế TNCN, như vậy nhà đầu tư có thể chủ động căn cứ vào tình hình kinh doanh cuối năm để lựa chọn hình thức khai thuế hợp lý nhất cho mình.

Ngoài ra một vấn đề nữa được tính đến là mặc dù nhà đầu tư cá nhân đăng ký hình thức thu thuế trên thu nhập ròng với lãi suất 20% và quyết toán thuế vào cuối năm thì khi tiến hành giao dịch đều bị khấu trừ 0,1% trên giá trị bán ra của mỗi giao dịch. Số thuế khấu trừ này được hạch toán lại và sẽ tiến hành quyết toán vào cuối năm đối với nhà đầu tư đăng ký phương pháp nộp thuế trên lợi nhuận ròng. Nếu số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã khấu trừ thì nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung, ngược lại cơ quan thuế sẽ phải hoàn thuế cho nhà đầu tư trên số thuế đã nộp thừa. Như vậy, mặc dù vẫn đảm bảo thu đúng số thuế nhà đầu tư phải nộp nhưng số tiền nhà đầu tư phải tạm trích 0,1% giá trị bán tại mỗi giao dịch lại khiến nhà đầu tư phải chịu thiệt trên số tiền tạm trích này trong khi lẽ ra họ chỉ phải nộp thuế khi quyết toán thuế cuối năm, điều này đặc biệt ảnh hưởng với những nhà đầu tư không phải nộp thuế khi kinh doanh không có lãi.

Theo kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore .. thì thông thường có loại thuế riêng áp dụng đối với thu nhập có được từ chuyển nhượng chứng khoán và thường tính theo một tỷ lệ thuế suất nhân với doanh số bán. Thuế này sẽ đánh vào người bán và không phụ thuộc vào người bán phải bỏ ra bao nhiêu đồng để có được chứng khoán cũng như không phụ thuộc vào việc người bán phải bỏ ra các chi phí gì, giá trị bao nhiêu để thực hiện thành công giao dịch mua bán này. Thông thường ở các nước gọi thuế này là thuế tem (Stamp tax) hay thuế chuyển nhượng (transaction tax). Việc quy định tỷ lệ thuế này tùy thuộc vào từng nước, ví dụ như ở Hàn Quốc mức thu là 0,15%, 0,3%, 0,5% tùy thuộc vào việc chứng

khoán đươc giao dịch trên sàn hay giao dịch ngoài sàn (Free Board). Tại Trung Quốc mức thuế thu đối với chuyển nhượng cổ phiếu là 0,3%, với trái phiếu là 0,15% và Chính phủ có thể điều chỉnh tỷ lệ này trong từng thời kỳ, từng giai đoạn phát triển của thị trường (khi thị trường phát triển nóng, Chính phủ có thể nâng tỷ lệ thu thuế này lên và khi thị trường suy giảm, sức cầu kém thì Chính phủ lại hạ tỷ lệ thu này xuống hoặc có thể miễn thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán). Như vậy, khi xây dựng thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán là một loại thuế riêng, không liên quan tới thuế thu nhập và không gắn bản chất với thuế thu nhập thì việc thu thuế dễ dàng hơn, đồng thời việc quản lý thuế cũng dễ dàng hơn. Chính phủ cũng có thể dùng công cụ này để hỗ trợ thị trường một cách nhanh, nhạy bén hơn mà vẫn mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, xét trên tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, khi mà khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn còn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí theo các chuyên gia thì phải hết thập kỷ này thì kinh tế thế giới mới có thể trở lại được như trước 2008. Về tính chất, hậu quả, cũng như cơ hội, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này không chỉ là khủng hoảng tiền tệ-tài chính như các cuộc khủng hoảng bình thường theo chu kỳ, mà đây là sự đổ vỡ của phương thức quản lý tài chính tiền tệ toàn cầu, do đó hậu quả cũng khác, cơ hội cũng khác và không thể khắc phục trong một sớm một chiều. Thị trường do đó vẫn cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Phần lớn các nước có đánh thuế TNCN với chứng khoán đều có một thời gian dài miễn thuế để kích thích sự lớn mạnh của thị trường nhằm thu hút vốn phát triển kinh tế. Thị trường chứng khoán Mỹ ra đời năm 1897 nhưng phải đến 16 năm sau họ mới đánh thuế chứng khoán. Hay như Trung Quốc, TTCK đi trước Việt Nam 10 năm, gần đây mới dự định đánh thuế TNCN từ chứng khoán song đã hoãn lại để hỗ trợ cho thị trường do thị trường này đã giảm rất mạnh trong mấy năm qua.

Đứng trước sự suy giảm mạnh của TTCK Việt Nam, Quốc Hội đã ban hành các văn bản nhằm hỗ trợ TTCK, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường như: Nghị quyết số 32/2009/QH12 ngày 19/6/2009 về việc miễn thuế TNCN từ ngày 01/01/2009 đến hết ngày 31/12/2009 đối với thu nhập từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán) của cá nhân cư trú và không cư trú; Nghị quyết số 08/2011/QH13 ngày 06/8/2011 về việc miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ cổ tức mà cá nhân thực nhận từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012 do đầu tư vào TTCK, góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp và giảm 50% số thuế TNCN đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân trong giai đoạn từ ngày 01/8/2011 đến hết ngày 31/12/2012.

Việc miễn thuế TNCN đối với chuyển nhượng chứng khoán đã có tác dụng kích cầu đầu tư, đưa thị trường thoát khỏi cảnh “người bán mà không có người mua”, tạo ra tính thanh khoản trên thị trường.

Qua thực hiện, việc miễn thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán dù ít hay nhiều ta thực sự đã thấy những tác động tích cực đang kể của nó đối với TTCK, giúp nhà đầu tư tin tưởng vào cơ quan nhà nước, vào thị trường từ đó nâng cao hiệu quả huy động vốn. Tuy nhiên, xét trên tình hình kinh tế xã hội thế giới nói chung và tình hình kinh tế xã hội Việt Nam nói riêng, tác động của đợt khủng hoảng tài chính này chắc chắc còn tác động tới nền kinh tế và đặc biệt là TTCK Việt Nam trong những năm tới. Việc đánh thuế thực hiện đúng vào giai đoạn cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng có thể dẫn đến thị trường chưa thực sự hồi phục sẽ rơi vào tình trạng sụt giảm mạnh, thuế chuyển nhượng chứng khoán đánh thẳng vào “túi tiền” của nhà đầu tư có thể gây ra sự chán nản và hậu quả có thể là sự rời bỏ thị trường của đông đảo nhà đầu tư. Do đó, tác giả cho rằng Chính phủ chưa nên đánh thuế với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong thời điểm này, chỉ khi nào thấy TTCK tương đối ổn định, vốn hóa thị trường đạt ở

mức cao hay nói cách khác thị trường đạt ở trạng thái thanh khoản tốt một cách bền vững thì việc thu thuế đối với sắc thuế này mới nên được tiếp tục

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thuế đối với các chủ thể trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 85)