I.Vùng đồng bằng và vùng đồi (Trạm quan trắc Vĩnh Yên)
T
T Yếu tố khí hậu Năm
2012 2013 2014 2015 2016
1 Nhiệt độ TB năm (oC) 24,3 24,2 24,3 25,2 24,9 2 Số giờ nắng TB năm (giờ) 1.179 1.357 1.339 1.451 1.442 3 Lượng mưa TB năm (mm) 1.548,6 1.747,9 1.293,0 1.559,1 2.307,2 4 Độ ẩm không khí TB năm (%) 81,9 80,3 80,6 81,3 80,3
II. Vùng núi (Trạm quan trắc Tam Đảo) T
T Yếu tố khí hậu Năm
2012 2013 2014 2015 2016
1 Nhiệt độ TB năm (oC) 18,6 18,5 18,6 19,3 18,9 2 Số giờ nắng TB năm (giờ) 951 1.112 1.097 1.361 1.402 3 Lượng mưa TB năm (mm) 1.905,7 2.966,0 2.520,3 2.391,8 2.453,3 4 Độ ẩm không khí TB năm (%) 90,1 89,5 88,7 88,5 86,6
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc [11].
2.1.5. Thủy văn - Tài nguyên nước
Hệ thống sông ngòi của Vĩnh Phúc có lượng dòng chảy (30 l/s/km2) và mật độ lưới sông (0,5 - 1 km/km2) ở mức trung bình. Dòng chảy chia thành 2 mùa rõ rệt phù hợp với mùa khí hậu. Mùa lũ kéo dài từ 4 - 5 tháng (thường từ tháng 6 đến hết tháng 10), cực đại vào tháng 7 và tháng 8 đạt 15% - 35% lượng nước cả năm. Chế độ thủy văn phụ thuộc vào hai hệ thống sông chính là hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Cà Lồ. Ngoài ra còn có hệ thống các hồ, đầm và nguồn nước ngầm.
- Hệ thống sông Hồng, gồm sông Hồng và hai nhánh lớn là sông Đà ở bờ bên phải và sông Lô ở bờ bên trái, cùng với hai nhánh của sông Lô là sông Chảy ở Tuyên Quang và sông Phó Đáy ở Vĩnh Phúc. Hệ thống sông ngòi của Vĩnh Phúc ngoài tiềm năng nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường, vận tải đường sông còn có giá trị trong việc tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, thể thao dưới nước, xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng ven sông.
Sông Hồng hợp với sông Đà, sông Lô ở đoạn Việt Trì sau đó đi vào Vĩnh Phúc và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Sông Hồng đoạn chảy qua Vĩnh Phúc có chiều dài 50 km, lưu lượng trung bình 820 m3/s, hàm lượng phù sa khá lớn, bồi đắp cho đồng bằng Vĩnh Phúc. Song thời gian nước đầu nguồn tràn về cùng với lượng mưa tập trung dễ gây lũ lụt ở nhiều vùng tại các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc gây nhiều thiệt hại tới đời sống, ảnh hưởng tới sản xuất cũng như hoạt động du lịch.
Sông Lô chảy qua Vĩnh Phúc dài 34 km rồi nhập vào sông Hồng. Sông Lô có địa thế khúc khuỷu, lòng sông hẹp, nhiều thác gềnh, có lưu lượng dòng chảy bình quân 1.213 m3/s.
Sông Phó Đáy chảy trong giang phận Vĩnh Phúc có chiều dài 41,5 km, lưu lượng bình quân 23 m3/s, lưu lượng cao nhất là 833 m3/s; mùa khô kiệt, lưu lượng chỉ còn 4 m3/s.
- Hệ thống sông Cà Lồ, bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo có chiều dài khoảng 22 km,và các chi lưu của nó như sông Phan, sông Cầu Bòn, sông Bá Hạ, suối Cheo Meo đều nhập với sông Cánh và đổ vào sông Cà Lồ trên địa phận tỉnh Vĩnh Phúc.
- Hệ thống hồ, đầm trong địa bàn tỉnh chứa hàng triệu m3 nước tạo nên nguồn dự trữ nước mặt phong phú đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt động kinh tế và dân sinh cũng như có giá trị cao cho hoạt động du lịch. Các hồ tự nhiên có: đầm Vạc (Vĩnh Yên), hồ Đá Ngang, hồ Khuôn, hồ Suối Sải (Lập Thạch), đầm Dưng, vực Xanh, đầm Ngũ Kiên (Vĩnh Tường), đầm Tam Hồng, đầm Cốc Lâm (Yên Lạc); nhân tạo có hồ Đại Lải (Phúc Yên), hồ Xạ Hương (Bình Xuyên), hồ Vân Trục (Lập Thạch).
- Hệ thống nước ngầm có trữ lượng không lớn, có ở các tầng chứa nước Proterozoi, Mezozoi, Kainozoi và tầng chứa nước đứt gãy:
+ Tầng chứa nước Proterozoi: được cấu tạo bởi các loại đá biến chất cao, chủ yếu là đá phiến gơnai, quaczit, amphibolit. Nước ở tầng này trong, chất lượng tốt, lưu lượng nhỏ.
+ Tầng chứa nước Mezozoi: được cấu tạo bởi các loại đá phun trào Triat giữa và muộn cùng các thành tạo chứa than của hệ tầng Văn Lãng. Chất lượng nước không đều, có nơi bị nhiễm sắt, lưu lượng nước nhỏ.
+ Tầng chứa nước Kainozoi: đây là tầng chứa nước quan trọng. Tuy nhiên, do vỏ phong hóa mỏng nên lưu lượng nước không lớn, đa phần chỉ sâu 4 m - 5 m đã gặp đá gốc.
+ Tầng chứa nước đứt gãy: được hình thành trên các đứt gãy, nước tập trung với tiềm năng lớn, chất lượng tốt.
2.1.6. Thổ nhưỡng - Tài nguyên đất và hiện trạng sử dụng đất
Tỉnh Vĩnh Phúc có hai nhóm đất chính là đất phù sa (chiếm 45% tổng diện tích đất toàn tỉnh) và đất đồi núi (chiếm 52,2%). Ngoài ra còn các nhóm đất khác chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng diện tích đất toàn tỉnh (dưới 2,8%) như đất lầy và than bùn, đất thung lũng.
(1) Nhóm đất phù sa. Được hình thành chủ yếu do bồi tụ phù sa sông Hồng, sông Lô và các sông nhỏ khác. Đất phù sa được phân thành 3 loại:
+ Đất phù sa cổ có nền sết loang lổ đỏ vàng. Phân bố ở các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Dương. Đất thường chua hoặc rất chua, thành phần cơ giới nặng.
+ Đất phù sa không bồi trung tính ít chua. Phân bố chủ yếu ở các xã trong đê các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và phía Nam huyện Bình Xuyên. Đất có thành phần cơ giới trung bình.
+ Đất phù sa mới bồi trung tính kiềm yếu. Phân bố chủ yếu ở các xã ngoài đê của các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch và Sông Lô. Đất phù sa màu nâu nhạt, trung tính ít chua, giàu dinh dưỡng.
(2) Nhóm đất đồi núi. Được hình thành từ sản phẩm phong hóa của nhiều loại đá mẹ như: đá sét, đá macma axit, đá cát, phù sa cổ. Quá trình hình thành đất chủ đạo ở nhóm này là quá trình feralit, ngoài ra còn có các quá trình xói mòn rửa trôi, chua hóa, hình thành và tích lũy mùn. Đất đồi núi được phân thành các loại:
+ Đất feralit vàng xám trên đá macma axit. Phân bố tập trung ở các huyện Tam Dương, Bình Xuyên và Lập Thạch. Đất có thành phần cơ giới đất thịt nhẹ - thịt trung bình, hàm lượng dinh dưỡng thấp.
+ Đất feralit xói mòn mạnh thoái hóa. Phân bố dọc theo quốc lộ 2 từ Phúc Yên đi Vĩnh Yên, chủ yếu là các dải đất dốc thoải.
+ Đất feralit mùn vàng nhạt trên núi. Có diện tích nhỏ trên dãy núi Tam Đảo ở độ cao trên 500 m.
+ Đất feralit đỏ vàng trên đá biến chất. Phân bố ở Phúc Yên, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương và Bình Xuyên.
+ Đất feralit nâu vàng trên phù sa cổ. Phân bố tại các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương và Vĩnh Tường.
+ Đất feralit vàng nhạt trên đá cát. Phân bố tập trung ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Dương và Vĩnh Yên.
+ Đất feralit vàng đỏ trên đá sét. Phân bố tập trung ở các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên và Vĩnh Yên.
+ Đất feralit biến đổi do trồng lúa nước. Phân bố chủ yếu tại các huyện Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Dương và rải rác tại Vĩnh Yên.
(3) Nhóm đất lầy và than bùn. Phân bố ở địa hình thấp trũng của huyện Lập Thạch. Đất được hình thành do quá trình bồi tụ, tích lũy các chất vô cơ và hữu cơ đất trong điều kiện ngập nước quanh năm. Trong đất quá trình glây hóa là chủ đạo do ảnh hưởng của nước ngầm.
(4) Nhóm đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ. Phân bố ở các huyện Lập Thạch, Tam Dương và Vĩnh Yên. Đất được hình thành nhờ sản phẩm bồi tụ các vật liệu từ các vùng đất dốc xung quanh. Quá trình hình thành đất chủ đạo là quá trình glây, quá trình hình thành và tích lũy mùn.
Hiện nay, toàn tỉnh có tổng diện tích đất tự nhiên 123.515 ha. Trong đó: - Đất nông nghiệp: 92.823 ha, chiếm 75,15%.
- Đất phi nông nghiệp: 29.733 ha, chiếm 24,07%. - Đất chưa sử dụng: 959 ha, chiếm 0,78%.
Người biên tập: Phan Quốc Chinh
Người hướng dẫn: PGS.TS. Trần Viết Khanh