3.2.3. Định hướng tổ chức lãnh thổ du lịch
3.2.3.1. Định hướng phát triển du lịch theo tiểu vùng
Định hướng phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Phúc được thực hiện theo các tiểu vùng với không gian và quy mô phù hợp, sẽ phát huy được thế mạnh của tài nguyên, tạo cơ sở cho việc định hướng TCLTDL trên địa bàn của tỉnh. Dựa trên kết quả đánh giá tài nguyên cũng như tiềm năng và thế mạnh riêng của từng tiểu vùng, luận văn xác định hướng phát triển du lịch và các không gian ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc theo các tiểu vùng như sau:
(1) Tiểu vùng núi thấp Bắc Sông Lô - Lập Thạch
Tiểu vùng núi thấp Bắc Sông Lô - Lập Thạch được xác định là khu vực phát triển mở rộng trong tương lai. Mặc dù tiểu vùng có nhiều tiềm năng, nhưng hiện nay vẫn chưa tạo được không gian thuận lợi cho phát triển du lịch, vì vậy, đây sẽ là một trong các khu vực cần được ưu tiên đầu tư. Tại đây, ngoài việc đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật du lịch cũng cần đầu tư phát triển nhằm tạo trục liên kết đường thủy qua hệ thống sông Lô, sông Hồng; khai thác các điểm tài nguyên trọng điểm của tiểu vùng như: khu vực núi Sáng, thác Bay, hồ Vân Trục và vườn cò Hải Lựu. Nhằm tạo được các sản phẩm DLST đặc thù của tiểu vùng.
(2) Tiểu vùng núi trung bình Tam Đảo
Tiểu vùng núi trung bình Tam Đảo được xác định là vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc nhờ các ưu thế nổi bật về điều kiện địa lý và tài nguyên cũng như cơ sở hạ tầng - vật chất kỹ thuật khá đồng bộ. Tiểu vùng cần ưu tiên đầu tư cho phát triển và bảo tồn tại khu di tích danh thắng Tây Thiên và VQG Tam Đảo. Định hướng phát triển của tiểu vùng theo hướng DLST và DLVH, tâm linh.
(3) Tiểu vùng núi thấp Đông Tam Đảo
Tiểu vùng núi thấp Đông Tam Đảo được xác định là không gian bổ trợ của tiểu vùng núi trung bình Tam Đảo. Tuy nhiên, cũng như ở các tiểu vùng khác đây là khu vực có thể hình thành được các sản phẩm du lịch liên kết, đa dạng trong không gian phát triển chung của toàn vùng núi Tam Đảo với nòng cốt là các điểm di tích lịch sử, cách mạng hiện có của tiểu vùng và đang rất cần được ưu tiên đầu tư, đưa vào khai thác cho mục đích du lịch. Định hướng phát triển của tiểu vùng là phát triển DLST và DLVH tìm hiểu cội nguồn.
(4) Tiểu vùng đồi cao Sông Lô - Lập Thạch
Tiểu vùng đồi cao Sông Lô Lập Thạch được xác định là khu vực bổ trợ cho các hoạt động du lịch của tiểu vùng đồi trung bình Bình Xuyên - Tam Dương. Định hướng ưu tiên đầu tư phát triển không gian văn hóa lễ hội và phát triển loại hình DLVH.
(5) Tiểu vùng đồi trung bình Bình Xuyên - Tam Dương
Tiểu vùng đồi trung bình Bình Xuyên - Tam Dương, được xác định là trung tâm điều phối hoạt động du lịch của toàn tỉnh Vĩnh Phúc nhờ vị thế của thành phố Vĩnh Yên. Không gian thuận lợi và được ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch của tiểu vùng 137 là khu du lịch Sông Hồng thủ đô - Bắc Đầm Vạc. Định hướng tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần kết hợp du lịch nông thôn, thương mại, hội nghị.
(6) Tiểu vùng đồi thấp Phúc Yên
Có vị trí liền kề với thủ đô Hà Nội, tiểu vùng đồi thấp Phúc Yên được xác định là vị trí phụ cận, điểm đến cuối tuần của Hà Nội. Không gian ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch của tiểu vùng là khu DLST Đại Lải. Định hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, kết hợp du lịch nông thôn, thương mại, hội nghị.
(7) Tiểu vùng đồng bằng Vĩnh Tường - Yên Lạc
Tiểu vùng đồng bằng Vĩnh Tường - Yên Lạc được xác định là khu vực tiềm năng cho phát triển du lịch. Khu vực được ưu tiên đầu tư là khu vực Đầm Dưng và khu di chỉ khảo cổ Đồng Đậu. Định hướng phát triểnloại hình DLVH kết hợp du lịch điền dã nông thôn.
3.2.3.2. Định hướng các điểm, cụm, tuyến du lịch
Định hướng TCLTDL của tỉnh Vĩnh Phúc được dựa trên sự phân hóa của các điều kiện địa lý, của các nguồn tài nguyên, của kết cấu hạ tầng và nhu cầu của du khách trong toàn tỉnh cũng như của từng tiểu vùng. Đồng thời dựa vào phân tích hiện trạng hoạt động du lịch, kết quả đánh giá tổng hợp mức độ thuận lợi của tài nguyên du lịch và kết quả đánh giá theo từng loại hình du lịch. Luận văn đề xuất hệ thống phân vị TCLTDL của tỉnh Vĩnh Phúc theo các cấp: điểm và cụm du lịch. Ngoài ra là các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh.
a) Định hướng các điểm du lịch
Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách [37], mặc dù là cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị TCLTDL, nhưng điểm du lịch lại có vị trí quan trọng trong việc tổ chức các tuyến du lịch.
Đối với lãnh thổ tỉnh Vĩnh Phúc, dựa trên các nghiên cứu và điều tra thực địa, luận văn đã xác định các điểm tài nguyên du lịch theo các hướng chính như sau:
+ Hướng DLVH tín ngưỡng;
+ Hướng du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng; + Hướng du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí;
+ Hướng du lịch tham quan, nghiên cứu khoa học, hội nghị, thương mại; + Hướng DLST, thể thao núi.
Theo tiêu chí phân hạng được quy định trong Luật Du lịch Việt Nam thì các điểm du lịch đủ điều kiện được công nhận là điểm du lịch quốc gia khi: có tài nguyên du lịch đặc biệt hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của khách du lịch, có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất một trăm nghìn lượt khách tham quan một năm; các điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch địa phương khi: có tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với nhu cầu tham quan của khách du lịch và có kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch cần thiết, có khả năng bảo đảm phục vụ ít nhất mười nghìn lượt khách tham quan một năm [37]. Như vậy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, các điểm du lịch được phân hạng thành:
+ Điểm du lịch quốc gia: VQG Tam Đảo.
+ Các điểm du lịch địa phương: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, hồ Đại Lải, đầm Vạc, đền thờ Trần Nguyên Hãn, tháp Bình Sơn, di chỉ khảo cổ Đồng Đậu, làng rắn Vĩnh Sơn, làng gốm Hương Canh, làng mộc Bích Chu,...
b) Định hướng các cụm du lịch
Cụm du lịch là nơi tập trung nhiều loại tài nguyên với một tập hợp các điểm du lịch trên một lãnh thổ, trong đó hạt nhân của cụm là một hoặc vài điểm du lịch có giá trị thu hút khách cao (dưới dạng khai thác hoặc dưới dạng tiềm năng). Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tài nguyên du lịch phân bố tương đối tập trung theo từng vùng đã tạo thuận lợi cho việc hình thành các cụm du lịch. Các sản phẩm du lịch đặc trưng của
các cụm sẽ bổ sung cho nhau, tạo nên sự hấp dẫn chung cho toàn bộ hoạt động du lịch của tỉnh.
Luận văn đề xuất lãnh thổ tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tổ chức thành ba cụm du lịch: cụm Vĩnh Yên - Phúc Yên, cụm Tây Thiên - Tam Đảo và cụm Sông Lô - Lập Thạch.
(1) Cụm du lịch Vĩnh Yên - Phúc Yên
Cụm du lịch Vĩnh Yên - Phúc Yên có vị trí ở khu vực trung tâm của tỉnh. Các điểm du lịch hạt nhân của cụm là khu DLST Sông Hồng thủ đô - Bắc đầm Vạc và khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Đại Lải. Cụm có khu vực phụ cận là tiểu vùng đồng bằng Vĩnh Tường - Yên Lạc với nhiều các điểm du lịch vệ tinh bổ trợ cho hoạt động du lịch của cụm.
Cụm du lịch Vĩnh Yên - Phúc Yên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với tỉnh Vĩnh Phúc mà còn có vị trí là cụm du lịch phụ cận của thủ đô Hà Nội. Nhờ có hạt nhân là thành phố Vĩnh Yên - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh nên cụm du lịch Vĩnh Yên - Phúc Yên còn có vai trò là đầu mối, điều hành mọi hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Lợi thế phát triển du lịch của cụm là gắn với các đô thị của tỉnh tại thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên, là đầu mối giao thông đường bộ và gần kề với cảng hàng không quốc tế Nội Bài nên cơ sở hạ tầng - kỹ thuật phục vụ du lịch, cũng như các cơ sở vui chơi, giải trí của cụm tốt nhất so với toàn tỉnh. Thực tế những lợi thế này không chỉ có ý nghĩa đối với cụm du lịch Vĩnh Yên - Phúc Yên mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch của tỉnh.
Định hướng phát triển của cụm là trở thành điểm du lịch vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng cao cấp, khai thác nguồn khách chủ yếu từ thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Theo đó, khu Đầm Vạc sẽ được phát triển thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia, sẽ kết nối với thủ đô Hà Nội để Vĩnh Phúc trở thành điểm dừng chân quan trọng của tuyến du lịch quốc gia trên QL 2. Khu Đại Lải sẽ là một trong những khu du lịch hạt nhân không chỉ của khu vực Hà Nội và phụ cận mà còn là của cả vùng KTTĐBB.
- Các điểm du lịch tiêu biểu: tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng Đại Lải và Đầm Vạc, cụm đình Hương Canh (Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường), chùa Kính Phúc, chùa Hà Tiên, bảo tàng Vĩnh Phúc, làng nghề gốm Hương Canh.
- Các sản phẩm du lịch: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; DLVH, tâm linh; du lịch hội nghị, hội thảo, thương mại; du lịch thể thao, giải trí cao cấp.
(2) Cụm du lịch Tây Thiên - Tam Đảo
Cụm du lịch Tây Thiên - Tam Đảo nằm phía Đông Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc, thuộc tiểu vùng núi trung bình Tam Đảo. Các điểm du lịch hạt nhân của cụm là khu di tích danh thắng Tây Thiên và khu nghỉ dưỡng Tam Đảo. Khu vực phụ cận của cụm là tiểu vùng núi thấp Đông Tam Đảo với các điểm di tích lịch sử cách mạng, hang Dơi,... tạo thành một hệ thống liên hoàn các điểm du lịch đa dạng, hấp dẫn trên toàn bộ vùng núi Tam Đảo của tỉnh.
Đây là cụm du lịch trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc với địa danh Tam Đảo từ lâu đã nổi tiếng là một điểm du lịch nghỉ dưỡng lớn ở khu vực phía Bắc. Tài nguyên du lịch của cụm chủ yếu là phong cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái của VQG Tam Đảo và các giá trị văn hóa tín ngưỡng của đất Phật Tây Thiên,...
Định hướng ưu tiên phát triển du lịch của cụm là xây dựng Tây Thiên trở thành một trong những trung tâm du lịch lễ hội lớn của Vĩnh Phúc và cả nước. Đồng thời kết hợp với khu du lịch Tam Đảo tạo thành một quần thể di tích, danh thắng, nghỉ dưỡng không chỉ của Vĩnh Phúc mà còn là điểm nhấn của cả vùng du lịch Bắc Bộ.
- Các điểm du lịch tiêu biểu: sân golf Tam Đảo, VQG Tam Đảo, thác Bạc, thác Bản Long, hồ Xạ Hương, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đền thờ Đức Thánh Trần, đền Bà Chúa Thượng Ngàn.
- Các sản phẩm du lịch: DLST, mạo hiểm, thể thao núi; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; DLVH, tâm linh; du lịch nghiên cứu khoa học; du lịch hội nghị, hội thảo, thương mại, giải trí cao cấp,…
(3) Cụm du lịch Sông Lô - Lập Thạch
Cụm du lịch Sông Lô - Lập Thạch nằm phía Tây Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc. Điểm du lịch hạt nhân của cụm được xác định là không gian của hồ Vân Trục. Hiện nay, các điểm tài nguyên của cụm còn ở dạng tiềm năng do cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đầy đủ, hạ tầng còn yếu kém. Tuy nhiên, với nhiều lợi thế cho phát triển du lịch như có hệ thống giao thông đường bộ kết nối với cụm du lịch Tây Thiên - Tam Đảo, có vị trí thuận lợi bên bờ sông Lô nên có thể khai thác tuyến đường thủy thuận lợi với Hà Nội và các địa phương khác theo hệ thống sông Hồng. Ngoài ra, khi đường cao tốc xuyên Á hình thành, cụm du lịch này sẽ có vai trò điều phối khách du lịch của đô thị Vĩnh Phúc cùng với cụm du lịch trung tâm VĩnhYên - Phúc Yên.
Hướng ưu tiên đầu tư phát triển của cụm là tập trung cải thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng và tôn tạo các điểm di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là tháp Bình Sơn; xây dựng quần thể DLST, tâm linh hồ Vân Trục kết hợp với đền thờ Hoàng Hoa Thám; phát triển du lịch cộng đồng tại một số làng quê điển hình.
- Các điểm du lịch tiêu biểu: vườn cò Hải lựu, làng nghề đá Hải Lựu, lễ hội chọi trâu Hải Lựu, tháp Bình Sơn, hồ Bò Lạc, hồ Vân Trục, di tích lịch sử nghĩa quân Đề Thám, thác Bay, núi Sáng.
- Các sản phẩm du lịch: DLST; du lịch núi; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; DLVH, lịch sử.
Người thành lập: Phan Quốc Chinh
Người hướng dẫn: PGS.TS. Trần Viết Khanh