Chương 1 : CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Cơ sở lý luận về hoạt động huy động vốn và cho vay vốn của ngân hàng thương
1.1.3. Tín dụng và hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại
1.1.3.1. Khái niệm tín dụng
Tín dụng là sự chuyển nhượng tạm thời quyền sử dụng một lượng giá trị nhất định dưới hình thái hiện vật hay tiền tệ trong thời gian nhất định từ người sở hữu sang người sử dụng và đến hạn hoàn trả phải hoàn trả cho người sở hữu với một lượng giá trị lớn hơn.
Quan hệ tín dụng thể hiện trên những mặt cơ bản sau:
Quan hệ tín dụng dựa trên cơ sở sự tin tưởng giữa người đi vay và người cho vay. Có thể nói, đây là điều kiện tiên quyết để thiết lập quan hệ tín dụng. Người cho vay tin tưởng rằng vốn sẽ được hoàn trả đầy đủ khi đến hạn, người đi vay cũng tin tưởng vào khả năng phát huy hiệu quả của vốn vay. Sự gặp gỡ giữa người đi vay và người cho vay về điểm này sẽ là điều kiện hình thành quan hệ tín dụng. Cơ sở của sự tin tưởng này có thể do uy tín của người đi vay, do giá trị tài sản thế chấp và do sự bảo lãnh của người thứ ba.
- Là quan hệ chuyển nhượng mang tính chất tạm thời. Đối tượng của sự chuyển nhượng có thể là tiền tệ hoặc hàng hóa dưới hình thức kéo dài thời gian thanh toán trong quan hệ mua bán hàng hóa. Tính chất tạm thời của sự chuyển nhượng đề cập đến thời gian sử dụng lượng giá trị đó. Nó là kết quả của sự thỏa thuận giữa các đối tác tham gia quá trình chuyển nhượng để đảm bảo sự phù hợp giữa thời gian nhàn rỗi và thời gian cần sử dụng lượng giá trị đó. Sự thiếu phù hợp của thời gian chuyển nhượng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi tài chính và hoạt động kinh doanh của cả hai bên và dẫn đến nguy cơ phá hủy quan hệ tín dụng. Thực chất quan hệ tín dụng chỉ có sự chuyển nhượng quyền sử dụng lượng giá trị tạm thời nhàn rỗi trong một thời gian nhất định mà không có sự thay đổi quyền sở hữu đối với lượng giá trị đó. (Tô Ngọc Hưng, 2009)
1.1.3.2. Hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại
Đối với các ngân hàng, tín dụng được coi là hoạt động cơ bản nhất vì vậy trên cơ sở tiếp cận theo chức năng hoạt động thì khái niệm tín dụng ngân hàng được hiểu như sau:
Tín dụng ngân hàng là quan hệ bằng tiền hoặc tài sản giữa một bên cho vay là ngân hàng với một bên đi vay là các chủ thể khác của nền kinh tế như nhà nước, các tổ chức xã hội, các tầng lớp dân cư theo nguyên tắc vay có hoàn trả. Trong đó ngân hàng chuyển giao tiền hoặc tài sản cho bên đi vay sử dụng, sau một thời gian nhất định bên đi vay hoàn trả vốn gốc cộng thêm một phần lãi đã thỏa thuận với nhau từ trước.
Với chức năng kinh doanh tiền tệ của mình, các ngân hàng tham gia vào quá trình tín dụng với tư cách là người đi vay và người cho vay đối với các chủ thể kinh tế khác nhau. Quan hệ tín dụng mà ngân hàng đóng vai trò là người cho vay là một trong ba nghiệp vụ quan trọng nhất hình thành nên NHTM đồng thời cũng là nghiệp vụ mang lại thu nhập chủ yếu và quyết định lợi nhuận của toàn bộ ngân hàng. (Tô Ngọc Hưng, 2009)
* Đặc điểm cơ bản của tín dụng ngân hàng:
+ Ngân hàng vừa là người đi vay vừa là người cho vay
+ Chủ thể tham gia vào quan hệ tín dụng là ngân hàng, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tầng lớp dân cư
+ Lãi suất tín dụng ngân hàng phù hợp với lãi suất của nền kinh tế thị trường, đảm bảo lợi ích cho các chủ thể tham gia.
Nếu như trong tín dụng thương mại, các doanh nghiệp muốn vay tiền đều phải trực tiếp gặp nhau thỏa thuận, đôi khi rất khó khăn và mất thời gian do sự thiếu ăn khớp về nhu cầu. Nhưng trong quan hệ tín dụng ngân hàng đã khắc phục được nhược điểm đó. Các doanh nghiệp có thể vay bất cứ số tiền nào, bất cứ thời điểm nào miễn là thỏa mãn được các quy định về tài sản, khả năng tài chính,… của ngân hàng. Quy mô tín dụng ngân hàng ngày càng tăng thông qua hoạt động tạo tiền và hoạt động huy động vốn của ngân hàng. Ngân hàng cho vay càng nhiều thì càng có lãi. Tuy nhiên, khi quy mô tín dụng quá lớn sẽ gây ra lạm phát cho nền kinh tế. (Tô Ngọc Hưng, 2009)
* Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tín dụng của NHTM
Tín dụng ngân hàng đối với khách hàng được tiến hành dựa trên các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc mục đích: Ngân hàng chỉ cung cấp tín dụng cho những khách hàng nhất định có hoạt động kinh doanh cụ thể và mục đích sử dụng tiền vay rõ ràng. Khách hàng khi đi vay phải cam kết sử dụng tín dụng theo mục đích được thoả thuận với ngân hàng, không trái với quy định của pháp luật và các quy định của ngân hàng.
- Nguyên tắc hoàn trả cả gốc và lãi: Ngân hàng huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế, và sử dụng nguồn này để cho khách hàng vay. Sau khi khách hàng đã khai thác và sử dụng khoản vay, khách hàng phải trả lại toàn bộ giá trị khoản vay kèm theo một khoản lợi tức hợp lý như đã cam kết từ ban đầu.
- Nguyên tắc tài sản đảm bảo: Đối với mỗi khoản vay thì cần đi kèm với một lượng giá trị tài sản đảm bảo nào đó như nhà cửa, đất đai, máy móc, thiết bị... nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho ngân hàng trong trường hợp khách hàng gặp khó khăn không thể trả được nợ hoặc cố tình dây dưa không trả nợ. Đối với những khách
hàng là khách hàng lâu năm, có uy tín, có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định thì không cần tài sản đảm bảo, đây là hình thức cho vay tín chấp. (Tô Ngọc Hưng, 2009)
* Phân loại tín dụng ngân hàng
Phân loại tín dụng là việc sắp xếp các khoản vay theo nhóm dựa trên một số tiêu thức nhất định. Phân loại tín dụng một cách khoa học sẽ giúp cho nhà quản trị lập một quy trình tín dụng thích hợp, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng. Dưới đây là một số cách phân chia mà ngân hàng thường sử dụng khi phân tích và đánh giá.
* Theo mục đích
Căn cứ vào tiêu thức này người ta chia cho vay ra làm các loại sau:
-Cho vay nông nghiệp: là loại cho vay để trang trải các chi phí sản xuất như giống cây trồng, phân bón, thức ăn gia súc...
-Cho vay cá nhân: là loại cho vay để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng như mua sắm các vật dụng đắt tiền, các khoản cho vay để trang trải các chi phí thông thường của đời sống.
-Cho vay các định chế tài chính: bao gồm cấp tín dụng cho các ngân hàng, quỹ tín dụng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm và các định chế tài chính khác.
-Cho vay bất động sản: là loại cho vay liên quan đến việc mua sắm và xây dựng bất động sản nhà ở, đất đai, bất động sản trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.
- Cho thuê: gồm cho thuê vận hành và cho thuê tài chính.
- Cho vay công nghiệp và thương mại là loại cho vay ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động cho các khách hàng trong lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ.
* Theo thời hạn cho vay
Căn cứ vào tiêu thức này người ta chia cho vay thành ba loại:
- Cho vay ngắn hạn: là loại cho vay có thời hạn dưới 1 năm, được sử dụng để bổ sung sự thiếu hụt tạm thời về vốn lưu động của khách hàng và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của cá nhân.
-Cho vay trung hạn: là loại cho vay có thời hạn từ 1 đến 5 năm, được sử dụng để đầu tư mua sắm tài sản cố định, cải tiến hoặc đổi mới thiết bị công nghệ hoặc mở rộng quy mô kinh doanh.
-Cho vay dài hạn: là loại cho vay tín dụng có thời hạn vay trên 5 năm, được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu dài hạn như xây dựng nhà ở, các thiết bị, phương tiện vận tải có quy mô lớn, xây dựng các xí nghiệp mới.
* Theo điều kiện đảm bảo
Căn cứ vào tiêu thức này cho vay được chia làm hai loại:
- Cho vay có đảm bảo: là loại cho vay dựa trên cơ sở các bảo đảm như thế chấp, cầm cố hoặc có sự bảo lãnh của người thứ ba.
-Cho vay không bảo đảm: là loại cho vay không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc không có sự bảo lãnh của người thứ ba mà việc cấp tín dụng chỉ dựa vào uy tín của bản thân khách hàng.
* Theo đồng tiền được sử dụng trong cho vay
Căn cứ vào tiêu thức này cho vay được chia làm hai loại:
-Cho vay bằng đồng bản tệ: là loại cho vay mà ngân hàng cấp tiền cho khách hàng bằng VNĐ.
-Cho vay bằng ngoại tệ: là loại cho vay mà ngân hàng cấp tiền cho khách hàng bằng đồng ngoại tệ.
* Theo xuất xứ tín dụng
Căn cứ vào tiêu thức này cho vay được chia làm hai loại:
- Cho vay trực tiếp: ngân hàng cấp vốn trực tiếp cho người có nhu cầu đồng thời người đi vay trực tiếp hoàn trả nợ vay cho ngân hàng.
-Cho vay gián tiếp: được thực hiện thông qua việc mua lại các khế ước hoặc chứng từ nợ đã phát sinh và còn trong thời hạn thanh toán. (Tô Ngọc Hưng, 2009)