Giải quyết việc làm cho lao động dân tộc ít người thông qua hoạt động đào tạo nghề và xuất khẩu lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải quyết việc làm cho lao động các dân tộc ít người trên địa bàn huyện Sa Pa – tỉnh Lào Cai (Trang 64 - 68)

hoạt động đào tạo nghề và xuất khẩu lao động

2.2.2.1. Hoạt động đào tạo nghề

Năm 2012, Trung tâm Dạy nghề huyện Sa Pa đã mở được 6 lớp nghề cho gần 190 học viên về kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc, kỹ năng du lịch cộng đồng, dịch hại tổng hợp, kỹ thuật trồng cây thuốc lá. Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được 85 lớp tập huấn, lớp

dạy nghề ngắn hạn cho trên 3.200 lượt người dân. Huyện Sa Pa cũng đã liên kết với các trường dạy nghề, nhận hồ sơ đào tạo lao động theo địa chỉ cho Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền 40 người; Nhà máy Gang thép Lào Cai 300 người (hiện có trên 100 học viên đã ra trường đang chờ sắp xếp công việc). Hiện nay, Sa Pa cũng đang nhận khoảng 50 hồ sơ đào tạo lao động cho Công ty TNHH luyện kim Việt - Trung. Sa Pa còn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động. Ông Trần Hoài Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Sa Pa cho biết: Năm nay, trung tâm đã mở 6 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn và thanh niên dân tộc ít người với 207 học viên (5 lớp kỹ thuật nề - xây dựng và 1 lớp kỹ thuật trồng và sơ chế lá cây thuốc lá). Ngoài ra, còn mở 2 lớp trung cấp nghề khuyến nông, khuyến lâm và 1 lớp trung cấp nghề xây dựng cho 107 học viên. So với năm 2011, số lượng lớp nghề mở ít hơn do kinh phí đào tạo của trung ương cấp hạn chế…

Ngoài ra, Sa Pa áp dụng mô hình dạy nghề thí điểm cho lao động nông thôn vùng dân tộc ít người đã được áp dụng và nhân rộng, như mô hình dạy trồng chuối, nuôi thủy sản, nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch… thu hút nhiều học viên, chủ yếu là lao động người dân tộc ít người theo học. Đối với các mô hình này, sau khi học xong, học viên có thể tự tạo việc làm hoặc được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhận vào làm việc tại chỗ, do đó, tỷ lệ lao động có việc làm luôn ở mức cao. Riêng với mô hình dạy nghề trồng cây chuối, các hộ gia đình sau khi được đào tạo nghề đã mở rộng diện tích trồng trên 100 ha chuối, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian gần đây, các lớp nghề xây dựng cũng là lựa chọn hợp lý cho không ít lao động nam người dân tộc tít người. Sau học nghề, ngoài tham gia các công trình dân sinh theo nhu cầu ngày càng lớn của xã hội, số lao động này còn tích cực làm đường giao thông nông thôn, xây nhà vệ sinh và các hạng mục khác trong Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Tuy kết quả dạy nghề ở huyện trong thời gian qua đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng nguồn lao động ít người, giải quyết được bộ phận lao động chưa có việc làm, cải thiện được kinh tế cho các hộ gia đình, song thực tế còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết:

- Hệ thống cơ sở dạy nghề của huyện đang trong quá trình hình thành (chỉ có 3/15 cơ sở đã đi vào hoạt động), vì vậy, chưa có sự liên kết, hỗ trợ giữa các cơ sở dạy nghề trong huyện.

- Sự phân bố các cơ sở dạy nghề chưa hợp lý, các trường, các trung tâm dạy nghề phần lớn tập trung tại khu vực thị trấn Sa Pa.

- Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho dạy nghề tuy được chú trọng đầu tư trong những năm gần đây nhưng vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu đào tạo nghề hiện nay. Phòng học lý thuyết, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện, ký túc xá cho học sinh, thiết bị dạy học,... tuy đã được đầu tư, cải thiện nhưng vẫn còn thiếu nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

- Đội ngũ giáo viên dạy nghề chưa đủ về số lượng và mất cân đối trong cơ cấu đào tạo; thiếu giáo viên thực hành - đặc biệt là giáo viên thực hành có tay nghề bậc cao; một số giáo viên chưa đạt chuẩn; phần lớn là giáo viên mới ra trường, thâm niên giảng dạy thấp, ít có cơ hội cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghề, hiệu quả đào tạo nghề thấp, thiếu kinh nghiệm thực tế, yếu về ngoại ngữ, tin học và chưa có đủ khả năng tiếp cận với công nghệ tiên tiến hiện đại.

- Quy mô đào tạo còn nhỏ bé, chất lượng đào tạo còn thấp, cơ cấu trình độ đào tạo, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý và chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo chưa thống nhất vì vậy mặt bằng trình độ đào tạo còn khác nhau. Thư viện của một số cơ sở dạy nghề còn thiếu tài liệu, giáo trình phục vụ cho giảng dạy và học tập.

- Tỷ lệ đào tạo nghề trình độ trụng cấp nghề trên tổng số đào tạo nghề còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu công nhân kỹ thuật lành nghề ngày càng tăng trên địa bàn huyện.

- Công tác xã hội hóa trong đào tạo nghề chưa được phát triển sâu rộng, chưa huy động được các nguồn lực toàn xã hội đầu tư cho công tác dạy nghề.

- Sự phối kết hợp trong công tác đào tạo nghề của các cấp, các ngành chưa tốt .

2.2.2.2. Hoạt động xuất khẩu lao động.

Công tác xuất khẩu lao động của tỉnh đã bắt đầu được triển khai từ năm 2002 và đến giai đoạn 2006-2010 đã được chú trọng đẩy mạnh. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và người lao động đã nhận thức được lợi ích của xuất khẩu lao động trong việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Tổng kết sau hơn 3 năm thực hiện Đề án hỗ trợ huyện nghèo xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sa Pa là huyện thực hiện tốt nhất chính sách về xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Sau hơn 3 năm, toàn tỉnh có trên 400 lao động đã được xuất cảnh, trong đó, Sa Pa có số lao động xuất cảnh nhiều nhất với 214 người (huyện Bắc Hà 118 người và huyện Si Ma Cai 88 người). Xác định xuất khẩu lao động là giải pháp quan trọng để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, từ năm 2009 đến nay, huyện đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, trên địa bàn huyện có nhiều người đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Hơn 3 năm qua, toàn huyện có 734 lượt người được khám sức khỏe sơ tuyển đi xuất khẩu lao động; 520 lượt người được đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 214 người xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc (3 người), Nhật Bản (6 người), Libya (50 người), Malaysia (72 người), Ả rập Xê út (83 người).

Là một huyện nghèo của tỉnh được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2013, huyện Sa Pa phấn đấu 25 trường hợp đi xuất khẩu lao động, nhưng hiện mới có 2 người xuất cảnh sang Nhật Bản theo hình thức tu nghiệp sinh. Năm 2012, thị trường Hàn Quốc ngừng không tiếp nhận lao động Việt Nam, huyện có trên 50 lao động đang trong tình trạng mỏi mòn chờ đợi xuất cảnh. Không chỉ ở Sa Pa, ở các địa phương khác trong tỉnh, người dân vẫn chưa “mặn mà” với xuất khẩu lao động. Xuất khẩu lao động được huyện đánh giá là một trong những hướng đi quan trọng giúp người dân ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, nhưng trong thời gian qua, số lượng lao động địa phương đi làm việc tại nước ngoài vẫn dừng lại ở mức khiêm tốn.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giải quyết việc làm cho lao động các dân tộc ít người trên địa bàn huyện Sa Pa – tỉnh Lào Cai (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)