Thành lập các Tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các Tổng công ty hiện có

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế ở việt nam (Trang 50 - 55)

hiện có

Với mục tiêu tạo ra những doanh nghiệp "xương sống" của nền kinh tế, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế và khắc phục những yếu kém trong hoạt động của các Tổng công ty, năm 2006 Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt thành lập thí điểm 7 Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Những Tập đoàn này lấy nòng cốt là các Tổng công ty Nhà nước hoạt động trong các ngành kinh tế trọng điểm có tính chất chi phối tới nền kinh tế, bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông, Tập

đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam .

Sau hơn ba năm hoạt động trong cơ chế quản lý tài chính mới, các Tập đoàn kinh tế được tập trung nguồn lực và được giao thực hiện thêm một số quyền của chủ sở hữu như Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt nam được giao đại diện chủ sở hữu Tổng công ty than khoáng sản, thực hiện thăm dò trữ lượng quặng bô - xít, các Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn kinh tế Vinashin …. được phép tiếp nhận thêm các doanh nghiệp của các địa phương để tăng thành viên, Tập đoàn cao su Việt Nam được giao quản lý quỹ đất của các doanh nghiệp thành viên để bảo đảm thống nhất sử dụng hiệu quả đất trồng cây cao su, một số Tập đoàn được giao quyết định thành lập các Tổng công ty trực thuộc…. Các Tập đoàn đã tập trung đầu tư, huy động vốn mua sắm tài sản cố định, đổi mới công nghệ, bổ sung thiết bị hiện đại để phát triển sản xuất, với tổng số vốn đầu tư phát triển hơn 124 nghìn tỷ đồng, trong đó Tập đoàn dầu khí đầu tư gần 59 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư hơn 36 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản 11 nghìn tỷ đồng, dệt may hơn 7.300 tỷ đồng, Tổng công ty hàng không Việt Nam gần 5.000 tỷ đồng.

Nhiều Tập đoàn đã chủ động mở rộng ngành nghề kinh doanh, trên nguyên tắc vẫn gắn với ngành nghề kinh doanh chính, như Tập đoàn điện lực, Tập đoàn kinh doanh Viễn thông, Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt nam sản xuất điện, cơ khí mỏ, lắp ráp ô tô, đóng tàu, Tập đoàn Kinh tế Vinashin mở thêm dịch vụ vận tải biển, chế tạo cơ khí …Có nhiều Tập đoàn còn huy động vốn đầu tư ra bên ngoài với giá trị hơn 116 nghìn tỷ đồng, trong đó có 28/70 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm…với giá trị hơn 23 nghìn tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng đã phá thế “độc canh” của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty góp phần tạo đủ việc làm thường xuyên cho hơn 880 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với năm 2006.

Theo Bộ Tài chính, đến hết năm 2007, tổng giá trị tài sản của hơn 70 Tập đoàn, Tổng công ty đạt hơn 803 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2006. Vốn chủ sở hữu là 323 nghìn tỷ đồng, tăng 13%; tổng doanh thu đạt 498 nghìn tỷ đồng, tăng 23%, tổng lợi nhuận 62 tỷ nghìn đồng, tăng 13,5%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 19%, nộp ngân sách nhà nước gần 110 nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2007, sản lượng giá trị hàng hóa, dịch vụ của các Tập đoàn, Tổng công ty chiếm 40% GDP của cả nước và đóng góp 28,8% tổng thu nội địa (không kể dầu thô và thuế xuất nhập khẩu).

Đặc biệt trong thời điểm tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao như hiện nay, các Tập đoàn đã có vai trò tích cực trong việc chống lạm phát và bình ổn giá cả. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Tập đoàn đã tiến hành rà soát cắt giảm đầu tư đối với các dự án kém hiệu quả, dự án chưa thực sự cần thiết. Sau khi rà soát, các DN đã cắt giảm, đình hoãn 609 dự án với tổng số vốn 34.190 tỷ đồng trong năm 2008. Để bình ổn thị trường, các Tập đoàn sản xuất kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân trong 6 tháng đầu năm đã không tăng giá bán, đồng thời đẩy mạnh sản xuất bảo đảm nguồn hàng. Theo đó Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản không tăng giá bán than cho các DN sản xuất điện, giấy, xi măng, phân bón; đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ than trong nước. Tập đoàn Điện lực chưa điều chỉnh giá bán điện; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đã thực hiện nhiều đợt giảm cước. Các Tập đoàn như Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Hóa chất, Xi măng, Lương thực miền Bắc, miền Nam cũng đã tích cực tham gia vào việc bình ổn thị trường. Tuy nhiên, việc tham gia bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp. Với hai trọng trách đặt lên vai các DNNN không còn cách nào khác là phải gồng mình lên để vừa đảm bảo sản xuất hiệu quả vừa đảm bảo cùng với Chính phủ tiếp tục bình ổn giá cả.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các Tập đoàn phải cắt giảm chi phí hành chính, phấn đầu giảm giá thành và đã được các DNNN này thực hiện nghiêm chỉnh. Theo số liệu báo cáo, Tập đoàn Dầu khí đã cắt giảm 10% chi

phí; Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thuỷ lợi đã cắt giảm 13- 15%; Tập đoàn Điện lực cắt giảm 5% chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài, 10% chi phí sửa chữa lớn; Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp cắt giảm 10-15%...

Chính nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp nhất là trong việc cắt giảm chi phí nên kết quả sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm vẫn đạt khá. Theo số liệu được tổng hợp của 7 Tập đoàn , 11 Tổng công ty 91 và 76 Tổng công ty 90 cho thấy, trong 6 tháng đầu năm tổng doanh thu ước đạt 510.811 tỷ đồng, đạt 59,3% kế hoạch năm, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2007: Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 76.329 tỷ đồng, đạt 53,5% kế hoạch, tăng 72% so với cùng kỳ; Tổng nộp ngân sách 78.066 tỷ đồng, đạt 68,4% kế hoạch, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm 2007. Có thể nói, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Tập đoàn trong thời gian qua, đạt được những thành công nhất định, phần nào góp phần vào tăng năng lực cạnh tranh của của các DNNN nói chung trong nền kinh tế đang hội nhập như hiện nay.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được của các Tập đoàn trong thời gian vừa qua chưa tương xứng với sự đầu tư của Nhà nước, còn bộc lộ những hạn chế cần khắc phục:

Một là, hầu hết các Tập đoàn chưa tận dụng được cơ hội gia nhập WTO mang lại để thâm nhập mạnh mẽ, hiệu quả vào thị trường quốc tế, chưa phát huy được lợi thế của các doanh nghiệp quy mô lớn thể hiện ở chỗ tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa trở thành doanh nghiệp có tính cạnh tranh quốc tế. Nhiều dự án lớn do Tập đoàn , Tổng công ty thực hiện triển khai chậm gây lãng phí; chưa tập trung sức tìm tòi được nhiều dự án có hiệu quả, tạo ra sự phát triển đột phá về sản phẩm, công nghệ. Công tác đầu tư nghiên cứu khoa học đổi mới công nghệ, sản phẩm mới có hàm lượng chất xám cao còn rất khiêm tốn, chủ yếu do tiết kiệm chi phí và yếu tố tăng giá quốc tế.

Hai là, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh đa ngành nghề quá mức với hệ số vay nợ trên vốn chủ sở hữu quá cao, chẳng những hiệu quả đầu tư không cao do phải trả lãi ngân hàng nhiều, mà còn

mang lại nhiều rủi ro trong thanh toán. Thậm chí, nhiều Tập đoàn còn đầu tư sang cả những lĩnh vực ít liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính. Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đến nay đã có 16 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đầu tư hơn 15 nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản trong đó đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với tổng giá trị đầu tư hơn 6.500 tỷ đồng, đầu tư vào các quỹ đầu tư với tổng giá trị gần 5.000 tỷ đồng, đầu tư vào chứng khoán với tổng giá trị là 933 tỷ đồng, và đầu tư 2.300 tỷ đồng vào lĩnh vực bất động sản. Thậm trí có Tập đoàn đã sử dụng vốn vay đầu tư tài chính “mạo hiểm” cùng một lúc vào nhiều lĩnh vực nhạy cảm là chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản với số tiền lên tới hơn 3.300 tỷ đồng, gấp 1,1 lần vốn chủ sở hữu. Tập đoàn dầu khí đầu tư 5.780 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực ngân hàng 1.100 tỷ đồng, công ty chứng khoán 76,5 tỷ đồng, công ty tài chính 4.005 tỷ đồng, công ty bảo hiểm 570 tỷ đồng, quỹ đầu 29 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đầu tư 1.894 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực ngân hàng 344 tỷ đồng, bảo hiểm 1.462 tỷ đồng, quỹ đầu tư 88 tỷ đồng.

Theo báo cáo của 70 Tập đoàn và Tổng công ty tính đến tháng 6/2008 có 30 Tập đoàn , Tổng công ty có hệ số nợ phải trả trên vốn vượt trên 3 lần, thậm trí nhiều đơn vị vượt trên 20 lần như Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 gấp 42 lần, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 gấp 22,5 lần, Tổng công ty Lắp máy Viêt Nam gấp 21,5 lần, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam gấp 21,8 lần. Với năng lực quản lý và khả năng tài chính có hạn, tình trạng trên sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp, tác động đến việc quy hoạch và thực hiện chiến lược phát triển của từng ngành cũng như ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngành nghề chủ yếu cần được điều chỉnh phù hợp với chiến lược phát triển chung của nền kinh tế

Ba là, số lượng doanh nghiệp thành viên của các Tập đoàn, Tổng công ty đã tăng thêm 68 công ty con và 184 công ty liên kết, trong đó riêng Tập đoàn Vinashin tăng 47 công ty con và 111 công ty liên kết, liên doanh; Tập đoàn công nghiệp cao – su Việt nam tăng 21 công ty con… Việc tăng nhanh số lượng

doanh nghiệp thành viên, chủ yếu là góp vốn bằng thương hiệu dễ dẫn đến nguy cơ không bảo đảm về năng lực quản lý các khoản đầu tư tại doanh nghiệp, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài Tập đoàn và rủi ro trong quan hệ tài chính trong Tập đoàn như cho vay nội bộ, chi phối giá mua, giá bán… Một số Tập đoàn chưa phát huy được vai trò chi phối trong ngành, lĩnh vực hoạt động.

Bốn là, việc thuê giám đốc điều hành doanh nghiệp – một trong những nội dung của đổi mới phương thức tổ chức quản lý công ty nhà nước triển khai chậm. Đến nay mới có ba đơn vị là Tổng công ty công nghiệp ô - tô Việt nam, Tổng công ty thiết bị điện và Công ty vận tải đa phương thức thực hiện thí điểm Hội đồng quản trị ký hợp đồng với Tổng giám đốc. Nguyên nhân là do chưa có chế tài bắt buộc và còn một số vướng mắc về cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tâm lý người được thuê, nhất là mối quan hệ giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc chưa có sự thống nhất trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Mặc dù còn không ít vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, song bước đầu có thể khẳng định chủ trương hình thành một số Tập đoàn kinh tế lớn là phù hợp với việc phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay nhằm tạo ra những doanh nghiệp đủ mạnh để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và để tránh nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới khi Việt nam gia nhập Tổ chức WTO.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế ở việt nam (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)