Chương 1 : Những tư tưởng cơ bản của Nho giáo ở Việt Nam
1.2. Những tư tưởng cơ bản của Nho giáo
1.2.2. Hình nhi hạ học
Phần hình như thượng là phần tinh thần của Khổng giáo, thể hiện ra là ở phần hình nhi hạ, tức là phần thiết thực ở đời
1) Quân tử và tiểu nhân
Khổng giáo chia người ở trong xã hội ra làm hai hạng là quân tử và tiểu nhân. Quân tử là quí, là hay; tiểu nhân là tiện, là dở. Đạo của Khổng tử là đạo người quân tử, cốt dạy người ta cho thành người có đức hạnh hoàn toàn, có nhân phẩm tôn quí, cho nên bao nhiêu những sự dạy dỗ học tập của Khổng giáo đều chú cả vào xây dựng thành người quân tử.
Lúc đầu chữ quân tử là nói người có địa vị tôn quí, mà chữ tiểu nhân là nói người thường nhân, không có địa vị gì trong xã hội. Về sau dùng rộng
nghĩa ra, gọi quân tử là người có đức hạnh tôn quí và gọi tiểu nhân là người có chí khí hèn hạ. Vậy người quân tử theo nghĩa rộng thì dẫu bần cùng khổ sở cũng là quân tử, mà người tiểu nhân tuy có quyền tước sang trọng cũng vẫn là tiểu nhân. Người đi học cũng vậy, có người nho quân tử, có người nho tiểu nhân. Nho quân tử là người học đạo thánh hiền, để sửa mình cho thành người có phẩm giá tôn quí, dẫu bần cùng cũng không làm điều trái đạo. Nho tiểu nhân là người mượn tiếng học đạo thánh hiền để cầu danh, cầu lợi, miệng nói những điều đạo nghĩa mà bụng nghĩ làm những việc bất nhân bất nghĩa.
Khổng Tử phân biệt thái độ thế nào là quân tử, thế nào là tiểu nhân:
Quân tử bao giờ cũng theo thiên lý, cho nên tâm tính thanh minh, nghĩa lý sáng rõ, biết điều gì là càng ngày càng tinh thâm, làm việc gì là càng ngày càng thuần thục, tiến đến chỗ cao minh. Tiểu nhân bao giờ cũng theo nhân dục, cho nên chí khí mở tối, cứ bị vật dục sai khiến, biết cái gì càng ngày càng sai lầm, làm việc gì càng ngày càng càn rỡ, nên trụy lạc về đường đê hạ.
Nghĩa là cái chính đáng của thiên lý; lợi là cái ham mê của nhân dục. Người quân tử hiểu sâu việc nghĩa, cho nên dốc lòng muốn làm việc nghĩa; kẻ tiểu nhân hiểu sâu việc lợi, cho nên mới dốc lòng lo làm việc lợi. Làm việc nghĩa mà có lợi là chính đáng, làm việc lợi mà quên việc nghĩa là trái lẽ.
Quân tử hiểu suốt đến cái lẽ rất cao xa rồi chọn cái vừa phải mà theo cho nên mới trung dung. Tiểu nhân chỉ biết cái tư lợi mà không biết cái lý cao xa, cho nên chỉ làm những việc tầm thường mà thôi.
Quân tử cầu ở mình; tiểu nhân cầu ở người. Cầu ở mình mình chỉ cầu cái thực có của mình, cái đức ngày càng tiên lên; cầu ở người chỉ cầu cái hư danh đối với người, lòng muốn ngày càng buông lỏng.
Quân tử thư thái mà không kiêu căng, tiểu nhân kiêu căng mà không thư thái. Cái bụng của quân tử chỉ theo cái lý tự nhiên cho nên lúc nào cũng yên nhân tự đắc, không có cái gì là căng kỷ ngạo vật. Cái bụng kẻ tiểu nhân chỉ thích cái muốn của mình cho nên khi đắc chí thì tỏ ra mặt khoe khoang kiêu ngạo, không có thái độ thung dung như người quân tử.
Quân tử hòa với mọi người mà không về hùa với ai, tiểu nhân thì về hùa với mọi người mà không hòa với ai. Quân tử chỉ chuộng nghĩa, để bụng vào
việc công, cho nên đối với người chỉ theo cái lý công nhiên mà phân biệt những điều phải trái hay dở để hòa với mọi người chứ không a dua với ai cả. Tiểu nhân chỉ chuộng lợi, để bụng vào việc tư cho nên đối với người chỉ a dua theo bọn này đảng kia để chống với người, thành ra chỉ đồng mà không hòa vậy.
Cái bụng người quân tử bao giờ cũng công nhiên cho nên xem thiên hạ như một nhà, xem mọi người như một minh, ai đáng yêu thì yêu - không đợi có theo mình mới yêu, đáng làm ơn cho ai thì làm - không đợi có cầu đến mình mới làm, làm gì cũng lấy lòng quản đại công chính mà không hề có điều thiên tư. Cái bụng kẻ tiểu nhân thì chỉ biết tư lợi, hễ thấy ai có thần thế thì tham phụ vào, hoặc thấy đâu có lợi lộc thì xu hướng về, hoặc bè nọ đảng kia để giao kết làm điều gian ác, bỏ mất cái công nghĩa.
Quân tử trong bụng bao giờ cũng phẳng lồng lộng, tiểu nhân bao giờ trong bụng cũng lo ngay ngáy. Quân tử theo thiên lý cho nên lúc nào cũng thư thái, tiểu nhân bị vật dục sai khiến lúc nào cũng phải lo nghĩ để cầu danh cầu lợi, cho nên suốt đời chỉ những lo buồn.
Quân tử cố giữ lúc khốn cùng, tiểu nhân phải lúc khốn cùng thì làm bậy. Quân tử phải lúc khốn cùng thì lấy nghĩa mệnh mà tự yên, tiểu nhân phải lúc khốn cùng thì không nghĩ gì đến lễ nghĩa đạo lý nữa, điều bậy bạ thế nào cũng làm được.
Quân tử đối với việc nhỏ mọn vị tất đã làm được, nhưng cái tài đức có thể đương được việc to lớn; tiểu nhân tuy có cái khí tượng hẹp hòi nhưng đối với việc nhỏ cái sở trường khả thủ được.
Quân tử gây thành cái hay cho người ta, không gây thành cái ác cho người ta, tiểu nhân không thế.
Quân tử dễ thờ mà khó làm cho đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng thì không đẹp lòng, kịp đến dùng người thì tùy tài mà dùng; tiểu nhân khó thờ mà dễ làm cho đẹp lòng, vì không lấy đạo làm cho đẹp lòng cũng đẹp lòng, kịp đến dùng người thì cầu toàn trách bị.
Bậc nhân giả thuần theo thiên lý chí để ở đạo nhân, đáng lẽ không lúc nào bất nhân được, song trong khoảng giấy phút. Lúc tâm bất tại thì cái thiên
lý gián đoạn đi mà làm điều bất nhân, điều ấy có khi có. Còn kẻ tiểu nhân thì đã mất bản tâm và bỏ hết thiên lý rồi, dẫu một đôi khi cái thiên lý phát hiện ra nữa thì cũng không được tư dục, cho nên kẻ tiểu nhân không bao giờ có nhân.
Người quân tử bao giờ cũng ôn nhã, tĩnh trọng, không hề làm điều gì mà không hợp lẽ phải. Khổng tử nói:
Quân tử không lo sợ.
Quân tử lo đạo không lo nghèo.
Quân tử tùy nghi làm việc gì cũng được, chứ không chỉ có một tài một nghệ mà thôi.
Quân tử nghiêm trang mà không tranh với ai, hợp quần với mọi người mà không bè đảng.
Quân tử không tranh gì cả, mà có tranh đi nữa thì cũng theo cái lễ nhượng cung kính để không mất đạo trung.
Quân tử muốn nói thì chậm mà làm thì nhanh.
Quân tử cố giữ điều ngay chính mà không cố chấp những điều tiểu tín. Quân tử giao với người trên thì không nịnh, giao với người dưới thì không nhàm; giao với người trên thì kính nhưng kính quá thành siểm, nhinh; giao với người dưới thì hòa nhưng hòa quá thì thành ra nhàm, người quân tử không siểm và không nhàm.
Quân tử xem cơ màu mà động tác; tức là phải xem xét suy nghĩ cho cẩn thận để lúc làm việc gì thì biết rõ cái cơ có làm được hay không.
Người quân tử chủ ở sự kính để giữ cái bụng cho thẳng, giữ điều nghĩa để khiến các việc ở ngoài cho có khuân phép.
Quân tử đối với thiên hạ, không chuyên chủ một việc nào, không cố chấp không làm một việc nào, cứ theo cái công chính mà làm mọi việc.
Quân tử lấy nghĩa làm cốt, lấy lễ mà làm, lấy khiêm tốn mà thi thố ra, lấy lòng tin mà thành tựu, thật là quân tử vậy thay.
Quân tử cử động có thể đời đời làm đạo cho thiên hạ, hành vi có thể đời đời làm khuôn phép cho thiên hạ, nói năng có thể đời đời làm chuẩn tắc cho thiên hạ, người ở xa có trông mong, người ở gần không bao giờ chán.
Đạo của quân tử nhạt mà không chán, giản dị mà có văn vẻ, ôn hòa mà hợp lý.
Đạo của người quân tử cao thâm mà thanh nhã như vậy nên ai muốn theo thì phải lập chí mà học tập. Cái phẩm giá của người quân tử hoàn toàn cao như thế, sự học vấn rộng như thế, không thể lấy cái tư cách của hạng người tầm thường chỉ bo bo những việc thiển cận trước mắt mà ví được. Vậy nên người đi học muốn theo đạo của người quân tử cần phải rất cố gắng.
Sự học vấn và cách thao thủ của người quân tử: Sự học vấn
Cái học của Nho giáo cốt lấy sự học đạo làm đầu, và lấy sự học nghệ thuật làm thứ. Sự học của người xưa cốt là học đạo của thánh hiền để hiểu nghĩa lý, biết phải trái mà sửa mình cho thành người có đức hạnh, chứ không chỉ vụ lấy biết nghề để kiếm ăn.
Sự học ấy của người quân tử cốt chủ ở giữ cái tâm cho trung chính và việc làm cho thành thực, để sự biết và việc làm hòa hợp làm một, trong ngoài không hai. Người quân tử bao giờ cũng muốn có đức song phải có học thì các đức mời thật là tốt, là hay. Muốn có các đức tốt mà không muốn học thì sẽ thành ra dở, vậy nên cần phải có học để biết thế nào là thật nhân, thật trí, thật tín, thật trực, thật dũng; thật cương.
Tuy nhiên, đạo của Khổng tử không chỉ học đạo đức mà thôi mà vẫn chuộng cả sự tinh thông lục nghệ để sinh hoạt ở đời. (Lục nghệ ở đây là lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số; tức là cái nghệ thuật của người ta thi hành ra ở đời).
Tu thân
Người quân tử cần phải có học, mà sự học là cốt ở sự sửa mình. Muốn sửa cho mình thành người có đức hạnh hoàn toàn thì trước phải giữ cái tâm của mình cho chính, cái ý của mình cho thành, rồi mới cách vật tri trí được (nghĩa là hiểu rõ các sự vật và biết đến cùng cực cái biết).
Giữ cái tâm mình cho chính là đừng để cho sự tức giận, sự sợ hãi, sự vui say, sự ưu hoạn làm cho cái tâm của mình chếch lệch, mà không hiểu rõ cái nghĩa lý ngay thẳng. Giữ cái ý của mình cho thành tức là mình không dối
mình, đối với việc gì cũng cứ thành thực như ghét mùi thối, yêu sắc đẹp, nghĩa là ý mình thế nào thì cứ thực mà bày tỏ ra như thế, không dối trá chút nào.
Tâm đã chính, ý đã thành thì tự nhiên cái lương tri lương năng của mình, tức là cái minh đức của mình thanh ra mẫn nhuệ, xem xét điều gì cũng hiểu rõ đến chỗ sâu xa, mà làm điều gì hay đối phó với tình huống nào cũng đắc kỳ trung, cũng có điều hòa, có bình hành, rất hợp với đạo lý.
Xử kỷ tiếp vật
Người quân tử đã sửa được mình cho ngay chính thì tất ở đời bao giời cũng lấy lòng thành thực trung hậu để hành động không trái với lẽ thường, đối với người thù oán cũng không bỏ lẽ công bằng. Mình đối với mình thì phải khắc khổ, đối với người thì nên dung thứ. Người quân tử phải lấy lòng thành thực trung hậu mà đối với người, song phải biết rõ thực giả đừng để cho ai lừa đảo được mình.
Người ở đời không nên dùng lời nói khéo(xảo ngôn) làm hại cái đức, nóng nảy không nhịn điều nhỏ mọn mà hỏng việc lớn, không nên bo bo tính lấy lợi riêng của mình.
Không vì phú quí, danh lợi mà làm điều phi nghĩa, không vì điều lợi mà bỏ việc nghĩa, nếu làm điều phi nghĩa mà được phú quí thì đành chịu bần tiện còn hơn. Tuy nhiên Khổng tử cũng nói, nếu giàu mà nên cầu được, không phi nghĩa thì “dù làm người cầm roi đi hầu ta cũng làm”.
Người quân tử tùy cái địa vị mà hành động, không muốn điều gì ngoài cảnh ngộ của mình. Phú quí thì hành động theo cảnh ngộ phú quí, bần tiện thì hành động theo cảnh ngộ bần tiện, ở với mọi rợ thì hành động theo cảnh ngộ mọi rợ, lâm hoạn nạn thì hành động theo cảnh ngộ hoạn nạn. Người quân tử không ở vào cảnh ngộ nào mà tự mình không có cái thú vậy.
Quan nhân
Người quân tử ở với người thì trước hết phải biết người.
Muốn biết người hay hay dở phải xem xét công việc người ta làm chứ đừng vội tin người ta nói, vì nói thì dễ làm thì khó, mà ở đời thì thường người miệng nói giỏi thì nhiều mà bụng thật thà trung hậu thì ít.
Xét người hay hay dở không nên theo lời khen chê của nhân chúng, vì rằng có khi người hay mà bị thiên hạ ghét, người dở lại được thiên hạ yêu. Dư
luận bao giờ cũng nên có nhưng cái dư luận đồng nhất thì không thật, vì tự trung có người thiện kẻ ác, nếu người thiện ưa mà kẻ ác không ghét thì là không thật, hoặc kẻ ác ghét mà người thiện không ưa cũng không thật. Bằng theo từng loại mà xét, người thiện ưa mà kẻ ác ghét thì mới thật. Người thiện ưa bởi người kia cùng theo thiên lý mà làm điều lành như mình, kẻ bất thiện ghét là bởi người kia làm những điều trái với tư lợi của mình.
Khổng Tử nói “người nào mà mình khả nói chuyện với người ta mà không nói là mất người; người nào mình không khả nói chuyện với người ta mà nói là mất lời”, cho nên sự biết người rất quan trọng. Song người quân tử không câu chấp, không thiên tư, đối với bất cứ ai cũng lấy lẽ phải làm chừng. Không vì một lời nói hay đã cho là người giỏi, cũng đừng vì người dở mà người ta nói điều gì hay cũng không nghe.
Bằng hữu
Có biết người hay người dở thì mới giao kết với nhau để làm điều lành, điều phải. Bạn với người nhân từ trung chính thì học được nết hay, bạn với người gian tà quỉ quyệt thì nhiễm lấy điều dở, bởi thế nên ta phải chọn bạn mà chơi.
Bạn hữu chơi với nhau phải lấy điều phải trái hay dở mà khuyên bảo nhau, nhưng việc gì cũng phải giữ cho phải nghĩa thì thôi, đừng sàm sỡ quá mà thành ra sơ. Người nào mình lấy lẽ phải khuyên răn không được thì nói lắm cũng vô ích mà lại làm cho người ta khinh nhờn mình.
Người ta ở xã hội giao thiệp với nhau thì bao giờ cũng lấy sự tín làm quan trọng, bởi thế cho nên chữ tín là một đạo trong năm đạo thường rất quan trọng lắm. Tuy nhiên đạo của Khổng tử bao giời cũng cầu lấy cái trung, theo đạo lý chứ không câu nệ điều gì cả. Nói ắt phải tín, làm tất phải quả quyết, bao giờ cũng khăng khăng một mực như thế không nghĩ đến phải trái, người ấy tuy cũng có phần khả thủ nhưng vẫn là tiểu nhân.
Bác ái
Người ta sinh ra ở đời, ai ai cũng bẩm thụ cái lý khí của trời đất, cũng chịu cái mệnh trời như nhau cả, tất cả như anh em một nhà vậy. Nếu ai ai cũng biết điều lễ nghĩa mà cư xử với nhau thì lòng thân ái rất dồi dào.
Đạo của Khổng Tử là đạo nhân, chủ lấy sự yêu thương người làm trọng, trước sau Khổng Tử chỉ lấy cái đạo nhất quán là đạo nhân mà dạy người. Lòng nhân ái của người quân tử lan xa khắp thiên hạ, không phải chỉ riêng một xã một nước nào cả. Đạo của người quân tử đối với mình thì thận trọng kính cấn, đổi với người thì nhân hậu từ ái, bao giờ cũng ung dung hoằng đại, không có gì hẹp hòi bó buộc. Đạo ấy cốt ở sự giáo hóa khiến người ta phải “lấy đạo mà sửa mình, lấy nhân mà sửa đạo”.
2) Sự giáo hóa và cách lập giáo của Khổng tử
Cách dạy người của Khổng Tử trước hết dùng Thi Thư mà dạy, rồi hiếu đễ mà đạo dẫn người ta, lấy nhân nghĩa mà giảng dụ, lấy lễ nhạc mà khiến người ta xem xét, sau cùng mới lấy văn lấy đức mà làm cho nên nười. Lối giáo hóa ấy trước hết lấy Thi, Thư mà gây nuôi tính tình và mở mang sự trí thức