Kế thừa và loại bỏ những tư tưởng của Nho giáo về định hướng nghề

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ảnh hưởng của Nho giáo đến phát triển nguồn nhân lực Việt Nam (Trang 96 - 106)

Chương 1 : Những tư tưởng cơ bản của Nho giáo ở Việt Nam

3.2. Kế thừa và loại bỏ những tư tưởng của Nho giáo về định hướng nghề

Việt Nam vừa phải biết kế thừa những mặt tích cực, những nét đẹp truyền thống và các giá trị truyền thống, vừa biết phát triển những giá trị đó lên tầm cao hơn, đồng thời biết tiếp thu những tinh hoa quý giá của văn hóa nhân loại. Nếu không biết kết hợp truyền thống với cách tân để vượt lên, để hội nhập, để tìm mọi cách bước vào xã hội hiện đại thì tương lai sẽ chỉ là sự tụt hậu. Nói tóm lại, người lao động Việt Nam phải biết kế thừa, hiện đại hóa các giá trị truyền thống, rồi đến lượt mình, những giá trị mà người lao động Việt Nam tạo ra hôm nay sẽ trở thành những giá trị tinh hoa để lại cho đời sau, góp phần làm nên sự trường tồn trong phồn vinh với bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

3.2. Kế thừa và loại bỏ những tư tưởng của Nho giáo về định hướng nghề nghiệp nghiệp

1) Khắc phục tâm lý quá coi trọng danh vị, coi trọng bằng cấp

Thể chế xã hội cũ mà Nho giáo tạo ra đã chỉ mở ra một con đường độc đạo để con người sống sung sướng: đó là kiếm danh vị, học – thi đỗ - làm quan, lấy danh vị làm phương tiện kiếm sống. Suy nghĩ có danh (danh tiếng, bằng cấp) thì có vị (vị trí), có vị thì có lộc (lương), và ngoài lộc còn có bổng (quà vật, tặng biếu) đã khiến con người theo đuổi một lối sống chạy theo danh vị - kiếm bổng lộc, để vừa sống sung túc lại vừa có vinh dự, uy tín, tiếng thơm, được mọi người nể trọng. Cho nên người làm cha làm mẹ nào cũng cố gắng cho con được đi học, người học nào cũng lo thi đỗ, việc học ở đây không phải để có tri thức mà để kiếm danh vị.

Việt Nam còn chịu sảnh hưởng của cả văn hóa khoa cử, kiểu học cho thuộc làu kinh sách, học mà không tự vấn suy luận, chỉ biết lý lẽ mà không áp dụng thực tế. Học để khi làm bài thi đối ứng cho trôi chảy, làm thơ phú, làm minh họa cho hay, để đi thi cầu cho đậu để bổ làm quan, để một đời vinh hưởng bổng lộc, danh vong, không những cho cá nhân mà còn cho cả gia đình. Nếu thời xưa thi đậu thì ra làm quan, càng đậu cao càng làm quan to, càng

vinh hiển phú quý thì thời nay, hình thức thi cử và việc tiến thân tuy có khác, nhưng học cao, đậu cao cũng vẫn là có một bảo đảm vững chắc cho cuộc sống ở một nấc thang cao trong xã hội, nên vẫn tồn tại kiểu học máy móc, học tủ, học nhồi nhét để rồi quên…

Người Việt Nam trong tiềm thức vẫn có bức tranh “Vinh quy bái tổ”, chữ song hỷ, cảnh ngựa anh đi trước võng nàng đi theo. Chúng ta vẫn còn tinh thần trọng từ chương từ thời học Tứ Thư, Ngũ Kinh, tinh thần trọng bằng cấp từ thời thi Hương, thi Hội, thi Đình, mặc dù biết rằng lối học và hành đó thiếu hẳn tính khoa học, thực nghiệm, thiếu hẳn tính thực dụng và thực nghiệp để áp dụng vào xã hội công nghiệp hóa hiện đại ngày nay. Những tinh thần cũ ấy đã dẫn đến bệnh quá coi trọng bằng cấp, lối học không theo kiến thức mà để lấy bằng cấp…tạo ra nhân sinh quan vừa làm vừa hưởng nhàn, như cố gắng học để thi lấy cái bằng, rồi tìm một công việc nhàn hạ mà lương cao… không cần biết là cơ quan hay công ty nơi mình làm việc sẽ đi về đâu.

Tâm lý coi trọng danh vị, coi trọng bằng cấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều hiện tượng xét về lâu dài sẽ làm nguy hại đến việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta hiện nay, gây mất cân đối nghiêm trọng về cơ cấu trình độ đào tạo, làm lãng phí nguồn lực của xã hội.

Gần đây số lượng các trường đại học mới tăng lên một cách chóng mặt với một mặt bằng chất lượng đáng lo ngại. Chỉ trong 3 năm từ 2005 đến nay (tính đến tháng 8/2008) đã có tới 20 trường đại học được thành lập mới (1 đại học công lập, 19 đại học tư thục), 28 trường cao đẳng được nâng cấp lên đại học, đưa tổng số trường đại học ở nước ta lên con số 160 trường. Trong số các trường đại học mới được thành lập hiện nay chưa hề có một giáo viên cơ hữu nào là giáo sư, phó giáo sư hay có trình độ tiến sĩ, giáo viên chủ yếu trông chờ vào đội ngũ thỉnh giảng mời từ các trường đại học khác. Các trường mới thành lập nhiều trường giống như trường Trung học phổ thống, cơ sở vật chất chưa có, sinh viên chủ yếu học chay, chưa có giáo trình, tài liệu tham khảo, lịch học thay đổi do lệ thuộc vào giáo viên thỉnh giảng. Các trường tìm mọi cách tuyển đủ chỉ tiêu, chấp nhận chất lượng đầu vào thấp, thậm chí nhiều trường còn cho nợ đầu vào, miễn là có đủ học sinh dạy để thu học phí, đào tạo ồ ạt với số

lượng lớn để có thể tăng lợi nhuận, không quan tâm chất lượng đào tạo, đến đầu ra của học viên. Còn học sinh, phụ huynh cũng phấn đấu cho con em được đi học, với tâm lý trường nào học cũng được, miễn là có được tấm bằng, miễn là có danh, có bằng cấp. Kết quả là một số lượng lớn học viên được đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, không tìm được việc làm, thậm chí điều này còn gây ra sự mất cân đối giữa tỷ lệ lao động được đào tạo, gây ra tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thiếu trầm trọng công nhân kỹ thuật và trung học chuyên nghiệp. Điều này gây ra một sự lãng phí nghiêm trọng đối với xã hội.

Tâm lý quá coi trọng danh vị, bằng cấp cũng còn thể hiện trong phong trào du học ồ ạt những năm gần đây. Du học trở thành miền đất hứa, điểm tựa của không ít học sinh thất bại trong kỳ thi tuyển sinh đại học. Việc vào đại học không những là mong ước của những học sinh cuối cấp mà cả với phụ huynh học sinh, coi việc đỗ đại học của con cái họ còn là bộ mặt của bố mẹ, gia đình, dòng họ…để không phải xấu hổ với anh em, bè bạn, đồng nghiệp. Du học trở thành giải pháp cho họ, với lý do là du học hiện không phải là việc quá khó khăn với những gia đình có điều kiện kinh tế, đồng thời du học vừa có tiếng “oai” lại vừa giải quyết được tình trạng trượt đại học, ở nhà làm xấu mặt bố mẹ, mà khi về lại có bằng cấp như ai. Còn việc học như thế nào, học ở đâu, học xong có thể làm gì thì không được tính đến và coi trọng, miễn là có tiếng và có được mảnh bằng. Xét về mặt vĩ mô, việc du học không có hiệu quả đã làm lãng phí một nguồn lực tài chính lớn cho đất nước vì phải nhập khẩu giáo dục từ nước ngoài.

Xã hội bằng cấp thông qua thi cử là một sản phẩm có nhiều ưu điểm trong chế độ phong kiến, nhưng trong điều kiện ngày nay, xã hội bằng cấp là một sự nguy hại lớn đối với sự phát triển của một quốc gia, một đất nước. Đề giải quyết được vấn đề này cần có những giải pháp trị cả gốc và ngọn.

Giải pháp trị tận gốc ở đây là chính là cách sử dụng con người đúng đắn, cách sử dụng con người không dựa trên bằng cấp mà dựa trên khả năng thực sự. Phải đảm bảo được sự phù hợp trong tuyển dụng, đánh giá, sắp xếp và đề bạt cán bộ khi dùng người. Chính sách quản lý, sử dụng lao động của

nước ta, nhất là trong khu vực nhà nước còn mang tính dân chủ cào bằng, chính sách tuyển chọn, đánh giá tài năng chủ yếu dựa vào bằng cấp, hàm vị…nên dẫn tới tình trạng sắp xếp, đề bạt cán bộ không hợp lý, nhiều khi sự bố trí lao động còn thiên về ưu đãi, chiếu cố. Hậu quả là nhiều người biết làm nhưng không được làm, người được làm nhưng không biết làm, người thì thừa sức, người thì thiếu sức, hiệu quả chung thấp kém.

Trong các doanh nghiệp, khi tuyển dụng người, nhà tuyển dụng không nên hỏi “anh chị có bằng cấp gì?” mà nên hỏi “anh chị làm được những việc gì”, nên quan tâm đến chất lượng đào tạo chứ không phải chỉ là bẳng cấp. Còn việc đánh giá, sắp xếp, đề bạt cán bộ cũng cần phải dựa trên năng lực làm việc và hiệu quả công việc, thái độ với công việc. Việc bố trí đúng người đúng việc sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng con người cũng như tạo động lực khiến người lao động phát huy, phấn đấu.

Trong khu vực nhà nước, cũng cần sớm có cơ chế, chính sách thích hợp trong việc phát hiện, lựa chọn những người có tài, có đức để tạo nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ. Bố trí cán bộ hợp lý với nguyên tắc “đúng người đúng việc”, với tinh thần lấy tiêu chuẩn làm căn cứ để lựa chọn đề bạt, lấy hiệu quả công việc làm cơ sở đánh giá và đãi ngộ. Trong việc lựa chọn cán bộ, phải liên tục lựa chọn và sàng lọc, đánh giá chất lượng cán bộ phải lấy thực tài qua công việc làm trọng chứ không phải dựa vào bằng cấp, hàm vị; đánh giá đức phải thể hiện qua cần, kiệm, liêm, chính, ở sự trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời cũng phải tạo ra môi trường mở rộng cho sự phát triển và thi thố tài năng.

Ngày nay, trong thực tế cũng có rất nhiều người đã khởi nghiệp chỉ bằng kiến thức căn bản của nhà trường phổ thông, nhưng đã lăn lộn ngoài đời với sự kiên trì và óc sáng tạo, và họ đã có những thành công lớn. Họ thành công bằng chính năng lực của mình mà không cần có bằng cấp, những người đó cần được xã hội tôn trọng và tôn vinh tài, chí của họ. Cũng có nhiều nhà tri thức lớn ,uyên bác của chúng ta không có bằng cấp nào cả như Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu, cựu thủ thủ tướng Võ Văn Kiệt… Chúng ta cũng cần nêu gương và tuyên truyền họ trên các phương tiện truyền thông, đó

cũng là việc tuyên truyền phương pháp tự học tập bồi dưỡng để có tri thức, cách học tập từ yêu cầu đòi hỏi hỏi của thực tiễn, cách học từ thực tế không cần bằng cấp. Suy cho cùng, họ có thể thành công chính là do họ có cách học tập để có được những kiến thức áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn chứ không phải cách học tập để lấy bằng cấp, sử dụng các công cụ tuyên truyền, tôn vinh họ chính là cổ vũ, tôn vinh một cách học mới phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn ngày nay. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền và lấy những ví dụ thực tế rằng con đường thành đạt không nhất thiết cứ phải là con đường đại học.

Chúng ta cũng cần có những biện pháp giải quyết, khắc phục các hiện tượng có chiều hướng tác động xấu đến sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa của chúng ta. Trước hết cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo của các trường đại học, nhất là các trường đại học mới thành lập, phải có các tiêu chí về chất lượng học sinh đào tạo ra, số học học sinh tìm được việc làm sau khi ra trường… Chúng ta có thể thành lập mới, nâng cấp trường cao đẳng lên đại học, sao không thể đánh giá lại, hạ cấp các trường đại học xuống đào tạo cao đẳng, dạy nghề, thậm chí là rút giấy phép hoạt động… Cần tránh tình trạng biến giáo dục thành một ngành kinh doanh vì lợi nhuận mà bỏ qua các yêu cầu cơ bản của giáo dục. Việc du học cũng nên có cơ chế và chính sách kiểm soát thích hợp cũng như các biện pháp tuyên truyền, cung cấp và quản lý thông tin du học, tránh tình trạng du học ồ ạt không có hiệu quả.

2) Loại bỏ tư tưởng coi thường các nghề thực nghiệp

Học trò của Khổng Tử hỏi ông về việc làm vườn, về việc đi buôn, ông đều bực mình mà chẳng nói. Bởi ông cho rằng những việc này là của tiểu nhân, nghĩ đến điều ấy cũng là tiểu nhân rồi. Các nhà Nho cũng đều coi những công việc thực nghiệp như vậy là việc làm nhỏ mọn, không đáng để cho người quân tử làm. Người quân tử phải đủ sức học để giảng điều tín nghĩa, sử điều nhân hòa… phải theo đuổi con đường học hành, làm quan, đỗ đạt, giáo hóa dân chúng.

Chính Nho giáo đã tạo ra trong xã hội tâm lý chạy theo danh vị, không chuộng thực nghiệp. Có nghề cầm tay, trong thực tế cũng có thể đảm bảo cho bản thân và gia đình sống no ấm, nhưng không ai coi đó là vinh dự. Việc làm giàu không được coi là chính đáng, có làm giàu cũng không được bảo vệ. Hưởng thụ của cải do mình làm ra phải hợp với danh vị, nếu không hợp với danh vị thì phải vụng trộm, giấu giếm, không đàng hoàng. Đã phú thì phải quý mới chắc chắn. Có thể kiếm danh bằng con đường đi học, thi đỗ nhưng cũng có thể kiếm danh, nhanh chóng và chắc chắn hơn bằng mua bán và tìm nơi dựa dẫm.

Nho giáo tạo ra một xã hội coi thường lao động, sản xuất, coi thường nghề nghiệp, coi thường kinh doanh. Trong số sáu nghìn quyển sách trong Di sản Hán Nôm Việt Nam còn để lại (Di sản Hán Nôm Việt Nam, Thư mục đề yếu" - Viên Hán Nôm, NXB Khoa học xã hội, 1993) thì quá nửa là sách học để đi thi, các bài mẫu, các sách giảng về các kinh truyện, các bài thơ phú viết theo lối văn chương truờng ốc. Không có một quyển nào về thương nghiệp, về kỹ thuật chế tạo dụng cụ, đặc biệt là toàn bộ kinh nghiệm nông nghiệp của một nước cực kỳ phong phú về mặt này cũng không được nhắc đến. Không cách nào chối cãi đây là một học vấn làm quan, của một xã hội ham học nhưng học để làm quan.

Chúng phải thay đổi cách nhìn theo con đường kỹ thuật của phương Tây, tức phải phá vỡ cái truyền thống xem diện mạo con người căn cứ vào địa vị, chức tước, gia thế, thành phần lý lịch để chỉ chấp nhận một tiêu chí duy nhất là sự cống hiến bằng lao động, với tư cách người thợ, người bác học, người nghiên cứu, người kinh doanh trong cố gắng thay đổi một hiện trạng đã có, để dẫn tới một sự đổi mới có giá trị kinh tế.

Nếu ngày xưa các ông nghè vinh quy, võng anh đi trước võng nàng theo sau được mọi người tôn trọng thì những con người thợ giỏi, những nghệ sĩ, những nhà kinh doanh, những nhà buôn, những thầy thuốc, kỹ sư, những người sống trọn đời cho quyền lợi những người lao động đều phải có diện mạo mới. Chúng ta cần phải tôn vinh họ. Nhân cách luận cách mạng và điểm này

phải được phương Tây hóa nhanh chóng và triệt để để tạo nên những con người dám hy sinh cho khoa học kỹ thuật.

Người ta hay nói đến sự đổi mới của Nhật Bản, những sự đổi mới này dựa trên sự tôn trọng khoa học, kỹ thuật, cái mới về tư tưởng, sự táo bạo trong kinh doanh. Chừng nào cái bệnh văn chương còn ám ảnh trí thức Việt Nam, chừng nào con đường làm quan còn là mục tiêu phấn đấu duy nhất của người trí thức thì chừng ấy chúng ta còn khổ.

3) Loại bỏ tư tưởng coi thường thương nghiệp, thương nhân

Nho giáo đặc biệt coi thường thương nghiệp, coi nghề buôn bán là nghề của kẻ tiện trượng phu (người hèn hạ). Trong tứ dân người ta xếp thương nhân xuống hạng cuối cùng theo thứ tự “sĩ, nông, công, thương”, chính sách của các nhà nước theo Nho giáo là “trọng nông, ức thương”. Trong dân gian cũng có tâm lý coi thường nghề buôn bán, coi thương nhân là bọn “con buôn”, “trọc phú”, quan niệm “đã buôn bán thì phải nói dối”, đánh mất đạo đức với câu

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ảnh hưởng của Nho giáo đến phát triển nguồn nhân lực Việt Nam (Trang 96 - 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)