huyện
*. Nhân tố chủ quan
- Nhận thức về tầm quan trọng và trách nhiệm trong quản lý ngân sách địa phương cấp huyện: Ở mỗi địa phương, điều kiện về địa lý, trình độ kinh tế, kết cấu xã hội, phong tục tập quán,...khác nhau điều đó đòi hỏi lãnh đạo các cấp trong đó có lãnh đạo các cấp ở địa phương nói chung và lãnh đạo câp huyện nói riêng phải tự tìm ra những giải pháp những bước đi phù hợp, phải sử dụng những công cụ, chính sách tác động một cách linh hoạt sắc bén.
- Tổ chức bộ máy và trình độ cán bộ quản lý ngân sách huyện:
Tổ chức bộ máy nhà nước và trình độ cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả thực thi công vụ. Tổ chức bộ máy cồng kềnh với đội ngũ cán bộ có năng lực trình độ thấp là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự trì trệ, lạc hậu trong tổ chức điều hành, thực thi chức năng nhiệm vụ, cản trở lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Các chính sách luật pháp đều do con người trực tiếp triển khai thực hiện, nếu tổ chức bộ máy nhà nước cồng kềnh chức năng nhiệm vụ chồng chéo; con người, đội ngũ cán bộ có năng lực trình độ thấp không nhận thức đúng đắn và đầy đủ thì hành vi ứng xử trong các tình huống, không hạn chế tối đa những sai lầm trong quá trình thực thi công vụ, điều tất yếu dẫn đến là nhà nước phải đón nhận một hiệu quả quản lý thấp.
- Cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin, phương tiện quản lý.
Cơ sở hạ tầng là một nhân tố quan trọng có tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia nói chung và của các vùng miền nói riêng. Cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt sẽ tạo được rất nhiều thuận lợi cho các vùng, miền phát triển không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà trong cả lĩnh vực xã hội. Xét
riêng về kinh tế, cơ sở hạ tầng tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vươn tới các thị trường mới, tiếp thu nhanh các công nghệ sản xuất tiên tiến, tiết kiệm được chi phí, tăng thêm hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản lượng cho xã hội. Ở nước ta, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp vẫn còn là chủ yếu, việc chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống điện, đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp, trường học, trạm xá, các cơ sở chế biến, dịch vụ bên cạnh sản xuất là thực sự rất cần thiết. Những cơ sở hạ tầng này sẽ giúp cho nông nghiệp, nông thôn phát triển, tăng được giá trị sản phẩm sau thu hoạch và cùng với các doanh nghiệp trên địa bàn góp phần tăng thu ngân sách. Thực tiễn này sẽ giúp cho các vùng, miền có sản xuất nông nghiệp là chủ yếu trong đó có huyện Hưng Nguyên xây dựng được những định hướng cụ thể trong tương lai.
- Hệ thống kiểm soát, thanh tra.
Mục đích của việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát là nhằm phòng ngừa phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện tham nhũng lãng phí; phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phát huy các nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà nước, lợi ích hợp pháp của các cơ quan đơn vị, tổ chức kinh tế và các cá nhân. Đây là một nhân tố có tác động và ảnh hưởng lớn đến kết quả và hiệu quả của công tác quản lý.
*. Nhân tố khách quan - Hệ thống pháp luật.
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong xã hội. Nó là cơ sở
thiết lập, củng cố và tăng cường quyền lực nhà nước; là phương tiện để nhà nước quản lý KT-XH trên tất cả các cấp chính quyền trong đó có cấp huyện; nó phụ thuộc vào kinh tế và có tác động trở lại một cách mạnh mẽ thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của kinh tế, xã hội.
- Phân cấp quản lý ngân sách.
Phân cấp quản lý NSNN là xác định phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của chính quyền nhà nước các cấp trong việc quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ thu chi của ngân sách. Phân cấp quản lý NSNN là cách tốt nhất để gắn các hoạt động của NSNN với các hoạt động kinh tế - xã hội ở từng địa phương một cách cụ thể nhằm tạo sự chủ động và nâng cao tính tự chủ của từng địa phương với mục tiêu tập trung đầy đủ, kịp thời, đúng chính sách, đúng chế độ các nguồn tài chính quốc gia và phân phối, sử dụng công bằng, hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao, phục vụ các mục tiêu được hoạch định. Phân cấp quản lý NSNN không chỉ bắt nguồn từ cơ chế kinh tế, mà còn từ cơ chế phân cấp quản lý về hành chính. Mỗi cấp chính quyền đều có các nhiệm vụ cần đảm bảo bằng nguồn tài chính nhất định, các nhiệm vụ đó do mỗi cấp trực tiếp đề xuất và bố trí chi tiêu sẽ có hiệu quả hơn là sự áp đặt từ trên xuống. Mặt khác, xét về yếu tố lịch sử và điều kiện thực tế cần có chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích chính quyền các địa phương phát huy tính độc lập, tự chủ, tính chủ động sáng tạo của địa phương mình trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Do đó quản, lý điều hành ngân sách huyện phụ thuộc rất lớn vào phân cấp quản lý ngân sách từ Trung ương đến Tỉnh.
- Các chính sách vĩ mô.
Thu, chi ngân sách địa phương nói chung và ngân sách huyện nói riêng phụ thuộc lớn vào sự ổn định, phát triển nền kinh tế của một quốc gia. Nền kinh tế của một quốc gia phụ thuộc lớn vào các chính sách vĩ mô mà quốc gia đó đang thực hiện. Các chính sách này bao gồm cả các chính sách kinh tế;
chính sách xã hội. Chính sách kinh tế vĩ mô đặt ra yêu cầu thực hiện trong phạm vi cả nước về sản lượng việc làm, thất nghiệp, chính sách tiền tệ, chính sách giá cả... Một nền kinh tế tăng trưởng sẽ tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cao hơn cho mọi thành viên trong xã hội; tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra động lực cho tiết kiệm và đảm bảo cho các nguồn vốn đầu tư trong nước ngày càng tăng, môi trường kinh doanh ổn định. Những thành tựu, hoặc thất bại của chính sách kinh tế vĩ mô sẽ là nhân tố tác động ảnh hưởng trọng yếu tới sự cân bằng thu, chi ngân sách, sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tới sự thành công hay thất bại trong thực hiện chính sách và mục tiêu của một quốc gia.
- Chu trình ngân sách (lập, chấp hành và quyết toán ngân sách).
Chu trình ngân sách thường được nhà nước quy định trên cơ sở các quy định của pháp luật. Chu trình ngân sách là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để chỉ toàn bộ hoạt động của một ngân sách từ khi bắt đầu hình thành cho tới khi kết thúc để chuyển sang ngân sách mới. Chu trình ngân sách thường có thời hạn dài hơn năm ngân sách và có nội dung rộng hơn; chu trình ngân sách thường bắt đầu trước và kết thúc sau năm ngân sách. Về nội dung chu trình ngân sách bao gồm: Lập ngân sách, phê chuẩn ngân sách (hình thành ngân sách); chấp hành (thực hiện) ngân sách; Quyết toán ngân sách. Về thời hạn, chu trình ngân sách thường trùng với năm ngân sách ở giai đoạn chấp hành (thực hiện ngân sách), so với năm ngân sách thì chu trình ngân sách sẽ dài hơn ở các giai đoạn lập; phê chuẩn và quyết toán ngân sách. Năm ngân sách thường kéo dài 12 tháng, nhưng chu trình ngân sách thì có thể kéo dài 18 tháng đến 30 tháng tùy thuộc vào thời gian quy định cho việc lập ngân sách và quyết toán ngân sách. Để có một chu trình ngân sách hợp lý, phản ánh đầy đủ quá trình hoạt động của NSNN cần phải coi trọng và không ngừng cải tiến các khâu trong chu trình đó, nhằm làm cho hoạt động của NSNN ngày càng lành mạnh.
- Nhân tố thuộc về đối tượng quản lý.
Nguồn thu của NSNN là một đại lượng không ổn định, luôn chịu ảnh hưởng của cơ cấu sản xuất, kết quả của sản xuất kinh doanh và cơ chế động viên, phân phối trong đó thuế là khoản thu chủ yếu của NSNN, là công cụ quan trọng quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế; thuế thực hiện kiểm kê, kiểm soát mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng dẫn tiêu dùng.
Căn cứ vào các yếu tố cấu thành một sắc thuế như người nộp thuế; đối tượng chịu thuế; căn cứ tính thuế; thuế suất; đơn vị tính thuế; giá tính thuế, các cơ chế thưởng, phạt... các cấp chính quyền phân định rõ từng quy trình tổ chức quản lý phù hợp thì khả năng đảm bảo thực hiện mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời sẽ trở thành hiện thực.
Với chi tiêu ngân sách, tại các địa phương là quá trình phân phối lại các nguồn tài chính đã được tập trung vào NSĐP và đưa chúng đến đúng mục đích sử dụng, không chỉ là định hướng chung mà phải được tính toán phân bổ theo từng chỉ tiêu, mục tiêu… Chi vào đâu, chi bao nhiêu? chi như thế nào? chi nhằm mục đích gì? Là những vấn đề phải có chỉ đạo của Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương.
- Hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc gia nhập WTO là một thành công lớn của Việt Nam trên trường thế giới. Khi gia nhập WTO, Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những thách thức, có rất nhiều nhân tố quan trọng có tác động ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, tài chính và ngân sách của Việt Nam, nguồn thu NSNN ở một số khu vực có cơ hội tăng, nhưng cũng có những khu vực sẽ giảm, điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp và không nhỏ đến ngân sách của từng địa phương. Việc thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ chắc chắn cũng sẽ kéo theo một làn sóng đầu tư nước ngoài vào nhiều ngành kinh tế như ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, viễn thông... Do vậy, Việt Nam sẽ có cơ
hội lớn hơn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, việc thực hiện đầu tư gián tiếp cũng sẽ phát triển đa dạng hơn nhờ sự phát triển của thị trường chứng khoán và thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp, các NHTM nhà nước và các tập đoàn kinh tế tài chính lớn. Hiệu quả đầu tư sẽ kéo theo sự tăng trưởng GDP và nguồn thu ngân sách cho nhà nước.