Dựa trên ý nghĩa và đặc điểm của trò chơi học tập đối với trẻ

Một phần của tài liệu Giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi qua 8 trò chơi học tập (Trang 41 - 42)

Chơi là một phương tiện tốt để hình thành hành vi giao tiếp có văn hóa cho trẻ, trò chơi là hoạt động xã hội của người lớn qua đó trẻ học làm người, theo các nhà tâm lí học và giáo dục học Mác xít cho rằng trò chơi của trẻ là một hoạt động phản ánh sáng tạo độc đấo hiện thực xung quanh. Trò chơi xuất hiện chủ yếu do mâu thuẫn giữa nguyện vọng và nhu cầu muốn tham gia vào cuộc sống của người lớn và cũng đứng trên cương vị giống như người “mẹ’, người “bác sĩ”… và tái tạo lại cuộc sống một cách tổng quát nhất.

Vui chơi chính là cuộc sống của trẻ, được vui chơi tâm trạng của trẻ phơi phới, thoải mái, trí tuệ linh hoạt.

Chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo gây ra những ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành nhân cách của trẻ, chơi làm tiền đề cho hoạt động học tập ở lứa tuổi tiếp theo. Hoạt động chơi của trẻ vừa là lao động, cũng vừa là hình thức, là phương pháp biện pháp giáo dục tốt nhất đối với trẻ mẫu giáo.

Trò chơi học tập chi phối mạnh mẽ tới quá trình giáo dục nhằm phát triển toàn diện nhân cách trẻ nói chung và qúa trình giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa nói riêng. Khi tham gia trò chơi học tập, các nhiệm vụ giao tiếp được trẻ giải quyết một cách nhanh chóng và có hiệu quả thông qua cách giao tiếp trong khi chơi vì nó xuất phát từ chính nhu cầu, mong muốn được chơi của trẻ. Chính sự tự nguyện chấp nhận luật chơi, những quy định trong khi chơi giúp trẻ dễ dàng tiếp thu và thực hiện đúng quy tắc giao tiếp có văn hóa. Như vậy, sự tự nguyện trong trò chơi giúp trẻ lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng, thái độ giao tiếp đúng đắn đối với mọi người xung quanh một cách tự nhiên, không gò bó, căng thẳng và có văn hóa.

Nội dung phong phú của trò chơi học tập tạo điều kiện thuận lợi cho việc lồng ghép, tích hợp một cách linh hoạt các nội dung giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho trẻ. Việc mở rộng nội dung chơi, chủ đề chơi tạo cơ hội nhiều hơn để trẻ thực hiện giao tiếp nhiều hơn và tạo điều kiện để trẻ được thực hành, ứng dụng mọi kiến thức, kỹ năng trong nhiều tình huống, hoàn cảnh giao tiếp khác nhau.

Lồng ghép giáo dục hành vi có văn hóa cho trẻ vào trò chơi học tập thì các nội dung giao tiếp sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng thông qua các trò chơi. Qua những vai chơi trẻ dễ dàng tiếp thu và thực hiện đúng các kỹ năng giao tiếp, tuy nhiên nội dung chơi cần được mở rộng để trẻ có thể giao tiếp, vận dụng những kỹ năng mà trẻ học được qua trò chơi mà trẻ đã tham gia. Từ đó hình thành thái độ đứng đắn ở trẻ trong việc giao tiếp có văn hóa.

Như vậy, trò chơi học tập tác động đến nhiều mặt của trẻ như: tình cảm, hứng thú, nhu cầu giao tiếp, nhận thức của trẻ giúp trẻ có được những kĩ năng và thái độ đúng đắn đối với hành vi giao tiếp có văn hóa. Do đó việc giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho trẻ 4-5 tuổi qua trò chơi học tập là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Một phần của tài liệu Giáo dục hành vi giao tiếp có văn hóa cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi qua 8 trò chơi học tập (Trang 41 - 42)