CHƯƠNG 2 :PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.2. Một số giải pháp
4.2.1. Nâng cao chất lượng thông tin tài chính của các công ty niêm yết
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, thông tin tài chính có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thông tin đối với nhà đầu tư, các tổ chức quản lý, điều hành thị trường, là điều kiện thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển hiệu quả và lành mạnh. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn khá non trẻ ở Việt Nam, những quy định và thực tế nội dung thông tin và công bố thông tin định kỳ của các công ty niêm yết vẫn bộc lộ một số vấn đề có ảnh hưởng quan trọng đến tính hữu ích của thông tin và tính minh bạch của thị trường, từ đó làm phát sinh thông tin bất cân xứng. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể nhằm nâng cao chất lượng thông tin tài chính:
Thứ nhất, việc công bố các thông tin bất thường phải được hiểu và thực thi
thống nhất. Theo quy định tại Thông tư 09/2010/TT-BTC, tổ chức niêm yết phải công bố thông tin trong thời hạn hai mươi bốn (24) giờ kể khi có các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình quản trị của tổ chức niêm yết. Nhưng thế nào là có ảnh hưởng lớn thì chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu và quan điểm khác nhau. Công ty được cấp một dự án lớn có quy mô đầu tư hàng trăm tỷ đồng, công ty bán một tòa nhà thu lợi nhuận bằng 1/4 vốn điều lệ, công ty bị truy thu thuế hơn chục tỷ đồng…, thông tin nào là sự kiện lớn? Chính vì
vậy, các thông tin bất thường thường được công bố chậm hoặc không được công bố, là điều kiện cho sự phát triển của tin đồn, của thông tin không chính thức, làm giảm tính minh bạch của thông tin trên thị trường. Như trường hợp của SQC (Công ty cổ phần khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn), lãnh đạo công ty viện dẫn rằng, họ chỉ ngưng một công đoạn sản xuất trong 5 công đoạn, chứ chưa dừng hẳn hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên không công bố thông tin (dù công đoạn này mang lại trên 90% doanh thu, lợi nhuận của công ty). Do vậy, việc hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí của sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà công ty phải công bố trong 24 giờ là cần thiết. Chẳng hạn: sự kiện làm thay đổi lợi nhuận từ 30% vốn điều lệ; ngưng hoạt động của một bộ phận chiếm trên 50% doanh số…
Thứ hai , có chế tài xử phạt nghiêm khắc với những vi phạm về công bố
thông tin định kỳ về BCTC của công ty niêm yết. Đối với vi phạm chậm công bố thông tin của các công ty niêm yết, mà nó có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch của thị trường, hay nguy hại hơn là sự sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư, chế tài xử phạt vi phạm cần phải nặng tay hơn, vừa mang tính cảnh báo, vừa mang tính răn đe và nâng cao ý thức của công ty niêm yết trong việc công bố các thông tin. Tùy theo mức độ vi phạm trong việc chậm công bố thông tin, UBCKNN có thể phạt tiền hành chính từ 100 triệu đến 200 triệu (thay vì mức phạt tối đa 70 triệu như hiện nay), đồng thời đưa ra tín hiệu cảnh báo cho nhà đầu tư. Cần có quy định, trong một số trường hợp đặc biệt, vì những lý do khách quan, các công ty niêm yết có thể xin lùi thời hạn công bố thông tin BCTC quý hoặc năm nhưng quy định thời hạn tối đa không quá 5 ngày đối với BCTC quý và 10 ngày đối với BCTC năm, để đảm bảo sự khách quan và công bằng giữa các công ty và tính kịp thời của thông tin cho nhà đầu tư.
Trong trường hợp chưa có những quy định về xử phạt hành chính đối với các trường hợp phải giải trình BCTC với những sai sót nghiêm trọng, cơ quan quản lý thị trường vẫn có thể áp dụng biện pháp như công bố rộng rãi danh sách các công ty thường xuyên có hiện tượng bất nhất số liệu trong BCTC trước và sau kiểm toán, công ty thường xuyên lặp lại các lỗi đã từng bị nhắc nhở... Có như vậy, nhà đầu tư
mới có thể tránh rơi vào “bẫy” có thể có của các công ty, bản thân các công ty cũng ý thức hơn, cẩn trọng hơn khi xây dựng và công bố BCTC.
Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường mức xử phạt và triển khai thực hiện một cách đồng bộ thì việc thực thi nghiêm minh trong xử lý vi phạm, xử lý đúng người, đúng tội cũng là một vấn đề mà UBCKNN phải thực hiện triệt để để duy trì kỹ cương cho hoạt động của thị trường.
Thứ ba, Hoàn thiện quy trình tiếp nhận, xử lý và công bố thông tin của
SGDCK.
Để đảm bảo thông tin được chuyển tải đến nhà đầu tư đầy đủ, kịp thời, SGDCK cần phải tiếp tục cải tiến quy trình tiếp nhận, xử lý và công bố thông tin. Việc sử dụng hệ thống công bố thông tin điện tử là một giải pháp hữu hiệu. Theo đó, mỗi doanh nghiệp niêm yết sẽ được cấp một mã số để gửi thông tin BCTC cần công bố theo quy định đến Sở Giao dịch qua Internet. Khi đó, Sở giao dịch sẽ kiểm tra về mặt hình thức của BCTC (về mẫu biểu, về các chỉ tiêu trên BCTC,…) rồi gửi cho các Công ty chứng khoán thành viên và đưa lên website của Sở. Việc áp dụng hệ thống thông tin điện tử sẽ vừa đảm bảo tính bảo mật, tính pháp lý của thông tin được công bố, đồng thời rút ngắn thời gian công bố thông tin.
Song song với những giải pháp nêu trên, một số vấn đề liên quan đến việc minh bạch hóa thông tin công bố trên TTCK Việt Nam cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc, như: tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả, chất lượng của kiểm toán độc lập; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kế toán doanh nghiệp nói chung và hệ thống BCTC nói riêng; nâng cao vai trò của UBCKNN trong tham mưu cho Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý, trong giám sát, quản lý việc thực hiện các quy định trong lĩnh vực chứng khoán, đặc biệt là việc phát hành chứng khoán của các công ty niêm yết; có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ trong mối quan hệ giữa các cơ quan điều hành và các tổ chức cung ứng các dịch vụ công bố thông tin trên thị trường như: Hiệp hội kế toán, kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), Hiệp hội chứng khoán Việt Nam.