Chương 2 : PHƯƠNG PHÁP VÀ THIẾT KẾ NGHIÊN CỨU
4.3. Các giải pháp hoàn thiện quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ tại Viện Khoa học
4.3.4 Các giải pháp hỗ trợ nhằm tăng nguồn thu
4.3.4.1 Về nhân lực
Khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, một trong những yêu cầu đòi hỏi đối với đơn vị là phải năng động và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, không được phép ỷ lại hoặc trì trệ như đã quen với cơ chế cũ. Chính vì vậy, việc trước hết là phải quán triệt tinh thần và ý thức tăng cường trách nhiệm, nâng cao tính tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo của toàn thể cán bộ công nhân viên.
Để có được những tác động tốt của đội ngũ cán bộ KHCN cho sự phát triển của Viện cần chú ý một số nội dung:
- Về cơ chế tạo nguồn nhân lực, phải có sự đầu tư đào tạo nâng cao trình độ tay nghề. Xây dựng chiến lược và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, phát triển đội
ngũ cán bộ khoa học công nghệ đầu đàn, quản trị doanh nghiệp, quản lý dự án đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Những cán bộ này phải được trang bị ngoại ngữ và am hiểu sâu về công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn xây dựng và luật pháp quốc tế. Đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn để ổn định đội ngũ thợ có tay nghề bậc cao, tăng năng suất lao động, sản phẩm làm ra có uy tín về chất lượng và được công nhận trình độ quốc tế. Có biện pháp khuyến khích cán bộ đi học ở nước ngoài về phục vụ.
- Thực hiện chế độ thi tuyển vào các vị trí làm việc gắn với chế độ ký hợp đồng làm việc, trong đó quy định rõ trách nhiệm, các yêu cầu về trình độ, năng lực, chế độ đãi ngộ,... Liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực, có thể đầu tư vào nguồn cán bộ trẻ tương lai ngay cả khi họ chưa tốt nghiệp.
- Tạo môi trường thuận lợi để cho các nguồn nhân lực KHCN có trình độ cao (tầm khu vực và quốc tế) ở nước ngoài vào làm việc, trao đổi kinh nghiệm để cho nhân lực KHCN trong nước mở rộng tậm hiểu biết, cọ sát và có hướng vươn lên. Về cơ chế sử dụng nguồn nhân lực, có chế độ chính sách, đãi ngộ đúng đắn đối với nhân lực KHCN.
- Có chính sách về lương thỏa đáng cho cán bộ và mức thưởng cho các sản phẩm khoa học mà họ tạo ra sao cho thu nhập của họ phải ở mức khá của xã hội nhờ hoạt động chất xám của mình thì các nhà khoa học mới yên tâm trong khi làm việc. Nếu việc trả tiền lương trước đây căn cứ theo thang bậc lương và thù lao ngoài lương tối đa không quá 2 lần lương cơ bản thì việc này nay được điều chỉnh lại theo cách, tổ chức KHCN được quyền chi trả lương theo năng lực của cán bộ, không hạn chế mức tối đa.
- Bảo đảm cho lao động KHCN có điều kiện lựa chọn công việc đúng với ngành nghề đào tạo, phù hợp với sở trường và nguyện vọng cá nhân và được dễ dàng chuyển đổi ngành nghề khi có nhu cầu.
- Bảo đảm cho phát huy tính độc lập sáng tạo của mỗi cá nhân trong quá trình tìm tòi phát kiến, khuyến khích tranh luận và tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở
trong tranh luận, tránh định kiến, lấy đa số áp đặt đối với cá nhân hoặc thiểu số, làm giảm nhiệt tình sáng tạo của người lao động KHCN.
- Thực hiện chế độ đánh giá định kỳ hàng năm đối với hoạt động của cán bộ khoa học, biểu dương, khích lệ và đãi ngộ xứng đáng đối với những người có công và thay thế những người không đảm nhiệm được công việc được giao.
4.3.4.2 Về tổ chức quản lý
Viện nhanh chóng thực hiện sự phân cấp cho các đơn vị thuộc viện để tăng cường tính tích cực và chủ động.
Đổi mới công tác giao và kiểm tra kế hoạch trên nguyên tắc Viện chỉ giao và kiểm soát các chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với năng lực của các đơn vị. Các đơn vị phải căn cứ vào các chỉ tiêu chủ yếu được giao để xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể cho đơn vị mình.
Sắp xếp và kiện toàn các phòng, ban từ Viện đến các phân viện, viện chuyên ngành, các trung tâm; phân định rõ trách nhiệm của từng bộ phận trong từng lĩnh vực, bảo đảm nâng cao hiệu lực điều hành, phối hợp giữa Viện với các đơn vị thành viên.
Các đơn vị thuộc Viện và Viện thực hiện có hiệu lực và hiệu quả chế độ phân công phân cấp trên cơ sở hoàn thiện quy chế hoạt động và các quy định nội bộ. Thực hiện nghiêm các quy định về báo cáo của Nhà nước, của Viện. Đưa hoạt động trang WEB Viện KHCN Xây dựng thực sự đóng góp cho công tác quản lý điều hành, cũng như khai thác thông tin có chất lượng và hiệu quả.
4.3.4.3 Về cơ sở vật chất
Là một đơn vị vừa nghiên cứu khoa học vừa sản xuất kinh doanh dịch vụ tạo dựng cơ sở vật chất là một yếu tố quan trọng đối với hoạt động của đơn vị.
Cơ sở vật chất cho KHCN là những phương tiện nghiên cứu và điều kiện vật chất hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu, như: phòng thí nghiệm với các trang thiết bị cần thiết; nơi làm việc và các tư liệu để nhận biết thông tin; các vật tư kỹ thuật phục vụ cho mục đích nghiên cứu... Nếu thiếu một trong các phương tiện này đều không thể có cơ hội tạo sản phẩm KHCN tốt. Vì vậy, đầu tư phải đồng bộ và tập trung để
tạo ra những trung tâm nghiên cứu có đầy đủ các điều kiện cần thiết cho một hoạt động nghiên cứu KHCN, nhanh chóng chuyển ý tưởng của nhà nghiên cứu thành sản phẩm KHCN phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Viện cũng đã có 11 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực khác nhau được cấp giấy chứng nhận. Các phòng thí nghiệm của Viện đều được đầu tư với quy mô khá lớn và hiện đại. Song cần phải sử dụng các trang thiết bị nghiên cứu một cách có hiệu quả.
Cơ sở vật chất cho sản xuất kinh doanh là những máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến. Nhanh chóng tiếp cận, đổi mới và làm chủ các công nghệ xây dựng hiện đại trong thi công xây lắp các công trình lớn và phức tạp như thuỷ điện, nhiệt điện, nhà cao tầng, công trình có khẩu độ hoặc chiều cao lớn, cầu, hầm, công trình ngầm, công trình dầu khí..., trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại, tự động hóa, từng bước đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, tư vấn, thi công xây dựng những công trình quy mô lớn, hiện đại.
4.3.4.4 Về hoạt động sản xuất kinh doanh
Trong nền kinh tế thị trường, tài chính tác động đến mọi lĩnh vực của hoạt động xã hội. Do vậy các giải pháp về tài chính tác động rất mạnh đến kết quả hoạt động của đơn vị.
Đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp để lành mạnh hoá tài chính, chủ động kiểm soát dòng tiền; đối chiếu, rà soát và phân loại các khoản nợ phải thu, tập trung xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi, các sản phẩm, vật tư bị tồn kho, ứ đọng; xây dựng và tổ chức triển khai các phương án cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp, các phương án huy động vốn hợp lý, có hiệu quả nhất phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là đảm bảo vốn cho các dự án đầu tư. Đây phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của Viện cũng như của tất cả các đơn vị trong viện.
Có thể huy động vốn từ cán bộ nhân viên trong Viện để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị; Công tác hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, hồ sơ phục vụ yêu cầu thanh quyết toán, thu hồi công nợ để tăng vòng quay vốn là giải pháp phải được ưu tiên hàng đầu; Tận dụng chính sách tín dụng ưu đãi và lãi suất ưu đãi của Nhà nước đối với hoạt động KHCN để tạo vốn cho các công trình nghiên cứu hoặc để mua các
sản phẩm nghiên cứu cần thiết ; hoặc có thể liên doanh với doanh nghiệp ngoài trong và ngoài nước để đầu tư vào sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ mới.
Công tác quản lý tài chính, kế toán phải được thực hiện nghiêm túc theo pháp lệnh kế toán thống kê. Các đơn vị phải chấp hành đầy đủ và đúng hạn chế độ báo cáo tài chính theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Viện.
Với chức năng nhiệm vụ vừa nghiên cứu vừa ứng dụng để sản xuất, Viện phải gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh. Sự kết hợp này mang lại rất nhiều lợi thế, vừa có điều kiện sản xuất thử, vừa áp dụng được công nghệ của mình vào sản xuất tiết kiệm chi phí mua công nghệ, sản xuất kinh doanh phát triển lại mang lại nguồn kinh phí để nghiên cứu công nghệ mới, đồng thời các nghiên cứu khoa học cũng là sản phẩm của thị trường KHCN.
Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phải xác định rõ hướng đi là nghiên cứu KHCN phải gắn liền với nhu cầu của thị trường, do đó cần phải tiếp cận thị trường, tìm hiểu cái thị trường đang cần, từ đó đi vào nghiên cứu tạo ra sản phẩm có ý nghĩa thực tế, có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị trên thị trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mang sản phẩm của mình tham gia vào thị trường KHCN. Tập trung khả năng nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế. Chỉ đạo triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng vào thực tiễn sản xuất của các đơn vị, chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu thành hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường, góp phần tham gia xây dựng thị trường KHCN.
Về sản xuất kinh doanh, chủ động nắm bắt và vận dụng các quy luật của kinh tế thị trường trong quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh, chú trọng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, sản phẩm thực hiện phương châm: đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ; đa phương hoá quan hệ và đa dạng hoá sở hữu. Đánh giá lại năng lực thực tế, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của đơn vị mình, có tính đến thị trường khu vực và thế giới, xây dựng chiến lược đầu tư công nghệ mới, hoàn thiện hệ thống quản lý phù hợp cho từng giai đoạn.
Tăng cường công tác tiếp thị, thông tin thị trường cả về đầu tư, xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng cấu kiện và các lĩnh vực liên quan đến Viện, phấn đấu tăng tỷ trọng nhận tổng thầu, thầu chính cũng như các hình thức BT, EPC; nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó đặc biệt coi trọng việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm như tích cực tham gia các hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm, tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các đơn vị sản xuất với các hộ tiêu thụ lớn…
Chủ động hội nhập tham gia vào thị trường trong nước và hướng ra thị trường thế giới. Mở thêm chi nhánh ở một số tỉnh, thành phố hoặc vùng trọng điểm quốc gia; thành lập công ty cổ phần trong Viện. Chú trọng tới khả năng liên doanh, liên kết với các nhà thầu nước ngoài để tiếp cận, mở rộng thị trường tại các nước trong khu vực và trên thế giới, tiếp thu các kỹ thuật, công nghệ mới và các nguồn tài chính quốc tế.
Một trong những biện pháp tích cực để đứng vững trên thị trường là tăng đầu tư, đổi mới công nghệ, hướng vào xuất nhập khẩu, có thể tham gia vào thị trường bất động sản, thị trường tài chính phù hợp với chiến lược phát triển Viện. Tận dụng tối đa lợi thế kinh doanh về vị trí địa lý, đất đai, thương hiệu để mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.
Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các lĩnh vực đang hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát thi công theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp có kỹ năng chuyên môn và kỹ năng thực hành cao, có trình độ làm chủ công nghệ, có đội ngũ chuyên gia giỏi, để có thể đảm nhận vai trò tổng thầu thiết kế, quản lý, giám sát hầu hết các công trình có yêu cầu đặc biệt, công trình có địa chất phức tạp, công trình cao tầng, khẩu độ lớn, công trình ngầm,...với mọi quy mô; nâng cao khả năng nhận thầu thiết kế các công trình nước ngoài; làm chủ, tự thiết kế các dây chuyền công nghệ cho các nhà máy xi măng và vật liệu xây dựng khác...