Bài học cho Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Trang 29 - 32)

1.2. Kinh nghiệm quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư

1.2.2. Bài học cho Việt Nam

Việt Nam đang chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nền kinh tế của chúng ta vẫn đang ở giai đoạn thấp, việc khai thác, sử dụng và phát triển có hiệu quả các hình thức đầu tư nước ngoài là một vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện các chính sách phát triển của Việt Nam và chúng có tính nhạy cảm rất cao trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc là nước có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Từ thành công trong chính sách thu hút, sử dụng, quản lý nhà nước đối với FDI của Trung Quốc, có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam:

- Chính sách, pháp luật phải rõ ràng, nhất quán, có tính khả thi cao. Chính sách sau phải có sức hấp dẫn hơn chính sách trước đó. Nhà nước không nên duy trì chính sách bảo hộ, khuyến khích, ưu đãi quá lâu dài cho bất kỳ một lĩnh vực, khu vực nào trong nền kinh tế. Nếu duy trì quá lâu một chính sách đối với một khu vực, một ngành dễ dẫn đến tình trạng phát triển kém hiệu quả và mất cân đối nền kinh tế.

- Thủ tục hành chính phải thông thoáng, đơn giản, gọn nhẹ, thực hiện chính sách một cửa, tránh làm mất thời gian, chi phí, gây phiền hà, dễ làm nản lòng nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư.

- Cần phân cấp quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài cho các địa phương, tránh việc tập trung quá nhiều vào một đầu mối. Tuy nhiên, phải phân định rõ ràng chức năng nhiệm vụ của từng cấp, tránh chồng chéo trách nhiệm làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư và khi xảy ra hậu quả thì không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm.

- Các địa phương cần xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao để quy hoạch sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào địa

phương của mình. Tuy nhiên, cần xây dựng có trọng điểm và có chất lượng, tránh tình trạng đua nhau xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp để lấy thành tích.

- Mở rộng quy định về tài chính để đảm bảo chủ động ngoại tệ trong kinh doanh cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã có những quy định cho phép các nhà đầu tư mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài, nhưng vẫn chỉ là tài khoản vốn vay, không phải phục vụ cho mục đích giao dịch kinh doanh.

- Cần coi trọng việc bảo hộ lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc tạo lợi ích này thể hiện ở các biện pháp khuyến khích và bảo hộ quyền của các nhà đầu tư như: Giảm thiểu danh mục các ngành nghề cấm hoặc hạn chế đầu tư, ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, dịch vụ, ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế trùng, có chế tài nghiêm minh để bảo hộ quyền sở hữu tài sản đầu tư, tài sản tài chính, tài sản trí tuệ, các khoản lợi ích và thu nhập hợp pháp của nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư.

- Không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước chỉ nên kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp được tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Cần có phương thức sử dụng các hình thức đầu tư một cách có hiệu quả, tương ứng với năng lực quản lý hoạt động đầu tư của nước sở tại để đưa các hoạt động đầu tư vận động theo đúng mục tiêu đặt ra.

Chương 2: Thực trạng hoạt động quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)