2.2. Thực trạng hoạt động quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế có vốn
2.2.1.1. Ban hành luật đầu tư
Nhằm mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, năm 1986 Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, trong đó có việc hoàn thiện, nâng cao điều lệ đầu tư năm 1977 thành bộ luật đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam năm 1987. Luật đầu tư năm 1987 đã có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện mới, nhằm mục đích tạo ra môi trường pháp lý cao hơn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước. Sự ra đời của luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đã thể chế hoá đường lối của Đảng, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn bên ngoài, phát huy nội lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, luật thể hiện một số bất cập nên chưa thúc đẩy mạnh hoạt động thu hút FDI vào Việt Nam, nên tháng 06/1990, luật đã được sửa đổi bổ sung lần I, tháng 12/1992 sửa đổi lần II. Tháng 11/1996, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, luật đầu tư nước ngoài năm 1996 đã được ban hành thay thế luật đầu tư nước ngoài năm 1987. Luật đầu tư nước ngoài năm 1996 quy định những bảo đảm và khuyến khích đầu tư nước ngoài về thuế, về chuyển lợi nhuận, về tái đầu tư trên cơ sở nguyên tắc nhà nước Việt Nam bảo hộ sở hữu đối với vốn đầu tư và các quyền lợi hợp pháp khác của nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi và quy định thủ tục đơn giản, nhanh chóng cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn khách quan, tháng 06/2000, luật đầu tư nước ngoài tiếp tục được sửa đổi bổ sung một số điều với mục đích đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xác định hướng ưu tiên, xác định các ngành, các vùng, sản phẩm được coi là mũi nhọn của nền kinh tế.
Sau gần 20 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư của Việt Nam không ngừng được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Để tăng cường thu hút hơn nữa nguồn vốn quốc tế phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp FDI nói riêng và doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nói chung, năm 2005 Quốc hội đã ban hành luật đầu tư và luật doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/07/2006 thay thế luật đầu tư nước ngoài và luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 2000.
Việc ban hành luật đầu tư 2005 phù hợp với yêu cầu chung, đáp ứng được sự thay đổi khách quan trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước cũng như quốc tế, phù hợp với xu thế hội nhập, những nguyên tắc chung của WTO, đồng thời nâng cao khả năng thu hút và sử dụng nguồn vốn quốc tế.
Theo luật đầu tư năm 2005, các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn được bình đẳng, tự do lựa chọn hình thức sản xuất, kinh doanh theo khuôn khổ pháp luật, không có bất kỳ sự phân biệt nào giữa nhà đầu tư trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI được phép chuyển đổi hình thức đầu tư, chia, tách, sát nhập với các doanh nghiệp khác. Các liên doanh đang hoạt động có thể được phép chuyển đổi thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Luật cũng xác định phân cấp quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài cho các địa phương, ban ngành nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính
cho nhà đầu tư, tạo ra hệ thống pháp luật thông thoáng, đồng bộ, một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư.
Cùng với việc ban hành, sửa đổi, bổ sung luật đầu tư nước ngoài, các văn bản dưới luật cũng được ban hành theo hướng tạo môi trường pháp lý đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trên nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế nên được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khá cao.
Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài, Việt Nam còn tích cực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc thiết lập khung khổ pháp lý cho đầu tư nước ngoài. Chúng ta đã tham gia ký 51 hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam vẫn luôn cố gắng tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài để họ có những điều kiện thuận lợi khi đầu tư tại Việt Nam. Các văn bản quan trọng: Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/07/2000 của chính phủ Quy định chi tiết thi hành luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định 27/2003/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31/07/2000 quy định chi tiết thi hành luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 hướng dẫn thi hành một số điều luật đầu tư năm 2005; Nghị định 101/2006/NĐ-CP ngày 21/09/2006 quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư năm 2005;…