a. Bối cảnh trong nước.
Thực tiễn cho thấy, sau hơn 20 năm đổi mới, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng có đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định, đưa đất nước ta bước vào giai đoạn hội nhập thực sự với nền kinh tế khu vực và thế giới. Với phương châm muốn là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Quan hệ kinh tế và ngoại giao của Việt Nam không ngừng được mở rộng. Chúng ta đã tham gia ký kết các hiệp định đa phương, song phương như: Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tham gia vào các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới: ASEAN, APEC, WTO. Tất cả những điều đó góp phần tạo ra bước phát triển mới quan trọng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong những năm qua, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp với những bất ổn kinh tế - chính trị - xã hội xảy ra ở hầu hết các khu vực, thì Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những quốc gia có nền chính trị - xã hội ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn nhanh và cao, đạt 8,17% năm 2006, 8,5% năm 2007 và trung bình giai đoạn 2001 – 2005 là 7,5%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế tăng nhanh. Năm 2005 đạt 5 tỷ USD, năm 2006 tăng 49,1% đạt 10,2 tỷ USD và năm 2007 đạt mức kỷ lục 20,3 tỷ USD, quý I năm 2008 đạt 5,4 tỷ USD. Kết quả là làm tăng nhanh năng lực sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ công nghệ, trình độ quản lý và nâng cao sức cạnh tranh, tạo ra nhiều
sản phẩm có chất lượng cao có khả năng xâm nhập và đứng vững trên thị trường thế giới.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư xây dựng và chất lượng không ngừng được nâng cao. Những năm qua, chúng ta đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình lớn có vị trí quan trọng trong việc nối liền các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước: Cầu Mỹ Thuận, cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy,… các tuyến đường cao tốc, đường vành đai ở hầu hết các tỉnh thành.
Môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường và thực hiện công khai, minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO, thông qua việc ban hành và áp dụng hàng loạt luật mới quan trọng: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu, cùng với các Nghị định hướng dẫn cũng như thực hiện phân cấp triệt để việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, kinh doanh cho các cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài địa phương đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng không ngừng được nâng cao bằng việc đổi mới chương trình, mô hình đào tạo cho phù hợp với xu hướng và đòi hỏi của thị trường. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ đã dần được cân đối, trình độ tay nghề, kinh nghiệm, khả năng ngoại ngữ của người lao động cũng đã được cải thiện đáng kể.
Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào thị trường khu vực và thế giới, vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Năm 2006 kinh tế Việt Nam có nhiều dấu mốc quan trọng. Ngày 07/11/2006, sau hơn 10 năm đàm phán, Việt Nam đã chính thức là thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại thế giới (WTO). Cùng tháng
11/2006, chúng ta đã tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14 tại Hà Nội. Riêng đối với Hoa Kỳ, Việt Nam đã được quốc hội Hoa Kỳ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR). Đối với Nhật Bản, sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tháng 10/2006, hai nước Nhật Bản - Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược. Chính phủ Nhật Bản tích cực phối hợp với Chính phủ Việt Nam tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc triển khai sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Việc thực hiện chương trình hành động này đã góp phần tháo gỡ nhiều rào cản đối với đầu tư nước ngoài, làm cho môi trường đầu tư nước ta trở nên thông thoáng và hấp dẫn hơn. Đối với Liên minh Châu Âu (EU), hai bên tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác toàn diện cả về thương mại lẫn đầu tư trực tiếp. Một số đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore tiếp tục coi trọng địa bàn đầu tư Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư cũng được coi trọng ở cả trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức trong khuôn khổ các chuyến thăm các nước của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần gia tăng sự hiểu biết về Việt Nam, củng cố hình ảnh Việt Nam với tư cách là điểm đến an toàn và đầy hứa hẹn với các nhà đầu tư.
b. Bối cảnh quốc tế.
Theo UNCTAD, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở khu vực Đông, Nam và Đông Nam Á sẽ tiếp tục châm ngòi cho chiến dịch săn tìm thị trường đầu tư FDI trong vùng. Khu vực này cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với việc tìm kiếm hiệu quả đầu tư FDI. Các quốc gia đều có kế hoạch cải thiện đáng kể hạ tầng cơ sở cũng như chính sách pháp luật của mình. Tuy nhiên, khả năng thu hút FDI của một số quốc gia bị hạn chế do sự bất ổn về chính trị - xã hội. Các chuyên gia dự đoán trong thời gian tới, dòng vốn FDI vào ba nền kinh tế
lớn nhất Châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ sẽ có sự khác biệt rất lớn. FDI vào Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng mạnh nhưng vẫn thấp hơn tiềm năng của đất nước này. Nhật Bản với hệ thống pháp luật mang nặng tính bảo hộ sẽ khó thúc đẩy thu hút FDI. Trung Quốc tiếp tục duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với những rủi ro đầu tư bộc lộ khá rõ trong năm 2005 và việc giá nhân công tăng từ 25% - 40% đã làm giảm sức hấp dẫn của nền kinh tế Trung Quốc (và cả Ấn Độ). Hiện nay phải mất 125USD/tháng mới thuê được một công nhân ở miền Nam Trung Quốc và mất khoảng 750USD/tháng để mướn một kỹ sư phần mềm hạng trung ở Ấn Độ. Trong khi đó, ở Thành phố Hồ Chí Minh, mức lương tối thiểu của một công nhân nhà máy là 65USD/tháng và 350USD/tháng đối với một quản lý trẻ. Do vậy, các tập đoàn lớn đang điều chỉnh chiến lược đầu tư dài hạn, trong đó có việc phân bổ nguồn đầu tư sang một số nước khác trong khu vực, nhất là các nền kinh tế mới nổi, có tốc độ tăng trưởng cao, có lợi thế về lao động, tài nguyên và chính sách đầu tư thông thoáng như Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong thu hút FDI phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Như vậy, trong thời gian tới, Việt Nam có rất nhiều lợi thế trong thu hút FDI. Để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và thu hút hơn nữa nguồn vốn này, vai trò quản lý của nhà nước đối với khu vực kinh tế này rất quan trọng. Do đó, chúng ta cần nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với khu vực FDI để phát huy hết mặt tích cực, hạn chế tối thiểu mặt tiêu cực của dòng vốn này phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.