2.1.1 - Quá trình thành lập
Trong công cuộc xây dựng đất nước, cùng với các đơn vị trong ngành tài chính, hệ thống KBNN đã được thành lập từ rất sớm. Ngày 29-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 75/SL thành lập Nha Ngân khố trực thuộc Bộ Tài chính. Trong thời gian 5 năm tồn tại và hoạt động (1946 - 1951), Nha Ngân khố đã gắn bó mật thiết với những thời kỳ khó khăn nhất của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đồng thời đã hoàn thành các trọng trách đã được Chính phủ giao phó. Do tình hình mới của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 20-7-1951, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 107/TTg (ngày nay gọi là Quyết định) thành lập KBNN đặt trong Ngân hàng Quốc gia Việt nam và thuộc quyền quản trị của Bộ Tài chính. Đến năm 1990, cùng với sự đổi mới của đất nước, ngành ngân hàng đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, tách chức năng kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về ngân hàng, tổ chức hạch toán kinh tế theo cơ chế mới. Bên cạnh đó, quản lý và điều hành quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN) và các quỹ tài chính tập trung của Nhà nước là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của ngành Tài chính, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, cơ quan quản lý quỹ NSNN không những chỉ làm các nhiệm vụ tập trung nhanh chóng, đầy đủ các khoản thu và thực hiện kịp thời các lệnh chi của ngân sách, mà còn có trách nhiệm tổ chức công tác hạch toán - kế toán, theo dõi, giám sát và đánh giá chất lượng quản lý và sử dụng các
nguồn tài chính của Nhà nước. Mặt khác, phải thường xuyên tìm giải pháp bổ sung nguồn lực tài chính để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu chi của nền kinh tế.
Ðể bảo đảm thực hiện các yêu cầu nói trên, giải pháp căn bản là phải thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý Quỹ NSNN và các quỹ dự trữ tài chính của Nhà nước. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và thực tiễn Việt Nam cho thấy, khi cơ quan quản lý Quỹ NSNN được tổ chức thành một hệ thống từ trung ương đến địa phương, dưới sự quản lý và điều hành của Bộ Tài chính (hoặc của Chính phủ) thì việc thực thi các nhiệm vụ tài chính ngân sách sẽ rất thuận lợi. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng nói trên, ngày 04-01-1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ký Quyết định số 07/HÐBT tái thành lập hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính với chức năng và nhiệm vụ chủ yếu là Quản lý quỹ NSNN và các quỹ dự trữ tài chính Nhà nước; tổ chức huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển.
Cùng với sự ra đời của hệ thống KBNN toàn quốc, Chi cục KBNN Hải Hưng được thành lập theo Quyết định số 185/TC/QĐ-TCCB ngày 21/3/1990 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính. Đồng thời với sự ra đời của Chi cục KBNN Hải Hưng là 11 chi nhánh KBNN huyện trực thuộc được thành lập tại Quyết định số 186/TC/QĐ-TCCB của Bộ Tài chính ngày 21/3/1990. Đó là các chi nhánh KBNN: Nam Thanh, Tứ Lộc, Châu Giang, Ninh Thanh, Hưng Yên, Cẩm Bình, Mỹ Văn, Kim Môn, Kim Thi, Phù Tiên, Chí Linh.
Do có sự chia tách tỉnh Hải Hưng thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên, KBNN Hải Dương được thành lập tại Quyết định số 1145/TC-QĐ- TCCB ngày 14/12/1996 của Bộ Tài chính.
2.1.2 - Cơ cấu, bộ máy tổ chức và chức năng, nhiệm vụ
2.1.2.1 - Cơ cấu, bộ máy tổ chức
Bộ máy tổ chức của KBNN Hải Dương hiện nay gồm có: + Ban Lãnh đạo:
- 01 Giám đốc điều hành chung toàn đơn vị và phụ trách công tác Thanh tra, Tổ chức cán bộ;
- 01 Phó Giám đốc phụ trách Tổng hợp, Hành chính quản trị, Tài vụ nội bộ và xây dựng cơ bản nội ngành;
- 01 Phó Giám đốc phụ trách Kế toán ngân sách, Kho quỹ; - 01 Phó Giám đốc phụ trách Kiểm soát chi, Tin học, Giao dịch.
+ Các phòng chức năng: bao gồm Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Hành chính quản trị, Phòng Tài vụ, Phòng Tin học, Phòng Kế toán ngân sách, Phòng Kiểm soát chi, Phòng Kho quỹ, Phòng Thanh tra, Phòng Tổng hợp, Phòng Giao dịch.
+ Các đơn vị trực thuộc: 11 KBNN cấp huyện, bao gồm KBNN các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Chí Linh, Kim Thành, Kinh Môn, Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ
Hoạt động song song cùng bộ máy chính quyền còn có tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên CSHCM và Hội Cựu chiến binh.
2.1.2.2 - Chức năng - nhiệm vụ - quyền hạn
+ Chức năng:
- KBNN Hải Dương là tổ chức trực thuộc KBNN, có chức năng quản lý nhà nước về quỹ NSNN, các quỹ Tài chính Nhà nước và các quỹ khác được Nhà nước giao trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổng kế toán Nhà nước; thực hiện huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật. Hoạt động của KBNN mang tính chất vừa là cơ quan công quyền, vừa hướng tới các dịch vụ phục vụ các nhu cầu giao dịch của các cơ quan đơn vị và nhân dân đối với Ngân sách Nhà nước.
- KBNN Hải Dương có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn để thực hiện giao dịch, thanh toán. + Nhiệm vụ - quyền hạn:
- Tập trung phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, hạch toán, kế toán các khoản thu cho các cấp ngân sách;
- Thực hiện kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
- Quản lý, điều hòa tồn ngân quỹ KBNN theo hướng dẫn của KBNN; thực hiện tạm ứng tồn ngân KBNN cho ngân sách địa phương theo quy định của Bộ Tài chính;
- Quản lý quỹ ngân sách tỉnh, quỹ dữ trữ tài chính và các quỹ khác được giao quản lý; quản lý tiền, tài sản, các loại chứng chỉ có giá của nhà nước và của các đơn vị, cá nhân gửi tại KBNN cấp tỉnh;
- Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản tiền gửi và thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có quan hệ giao dịch với KBNN cấp tỉnh;
- Thực hiện công tác hạch toán kế toán về thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính do KBNN cấp tỉnh quản lý;
- Thực hiện công tác thống kê, thông tin, báo cáo về thu, chi ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính do KBNN cấp tỉnh quản lý;
- Thực hiện nhiệm vụ tổng kế toán nhà nước theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán hoạt động KBNN trên địa bàn;
- Quản lý bộ máy, biên chế, công chức, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, thi đua khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi
dưỡng công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của KBNN cấp tỉnh theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính.