Lý thuyết trật tự ưu tiên (thông tin bất cân xứng)

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam (Trang 32 - 34)

CHƯƠNG 1 : GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

2.2. Các lý thuyết về cấu trúc vốn

2.2.4. Lý thuyết trật tự ưu tiên (thông tin bất cân xứng)

Lý thuyết trật tự phân hạng thị trường còn gọi là lý thuyết thứ tự tăng vốn. Lý thuyết này được nghiên cứu khởi đầu bởi Meyers và Majluf (1984). Xuất phát từ thông tin không cân xứng khi cho rằng nhà quản lý biết về hoạt động tương lai của doanh nghiệp (tiềm năng, rủi ro và giá trị của doanh nghiệp) rõ hơn các nhà đầu tư

bên ngoài (thông tin không cân xứng). Các nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp quan sát hoạt động tài trợ của doanh nghiệp để có phản ứng lại, xem nó như một sự phát tín hiệu từ phía doanh nghiệp. Khi công ty phát hành cổ phiếu để huy động vốn, nhà đầu tư bên ngoài doanh nghiệp sẽ xem đây như một tín hiệu xấu khi cho rằng công ty đang gặp khó khăn về vốn, triển vọng phát triển thấp, do đó giá cổ phiếu thường sẽ giảm ngay khi có thông tin về việc phát hành cổ phiếu của công ty. Thêm vào đó, công ty cũng phải mất chi phí liên quan cho việc phát hành, điều này sẽ làm tăng chi phí của nguồn tài trợ bên ngoài so với nguồn vốn nội bộ. Trong khi đó, chỉ những nhà quản lý mới biết rõ thực trạng công ty, nhà quản lý sẽ phát hành cổ phiếu như một kênh huy động vốn khi thiếu vốn và cũng sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu khi nhận thấy tiềm năng phát triển của công ty, giá cổ phiếu của công ty đang được thị trường đánh giá cao ngay cả khi không có sẵn các dự án. Vì vậy, việc phát hành cổ phiếu sẽ chuyển tải nhiều thông tin không thuận lợi hơn là việc vay nợ. Điều này khiến các nhà quản trị quan tâm đến vay nợ hơn là huy động vốn cổ phần bằng phát hành cổ phiếu.

Cơ cấu nguồn vốn được quyết định bởi việc doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn từ 3 nguồn chính: Nguồn vốn nội bộ (chủ yếu là lợi nhuận tái đầu tư), nợ vay (chủ yếu là vay nợ và phát hành trái phiếu) và phát hành cổ phiếu. Do tính không cân xứng đưa đến một trật tự phân hạng (hay thứ tự ưu tiên) trong hoạt động tài trợ cho các dự án như sau: Trước tiên, doanh nghiệp sẽ sử dụng nguồn vốn nội bộ vì như vậy tiết kiệm được chi phí phát hành so với nguồn vốn bên ngoài. Tiếp theo, doanh nghiệp sử dụng vay nợ mới vì nó ít rủi ro và tránh được tình trạng định giá sai doanh nghiệp bởi thông tin không cân xứng. Cuối cùng doanh nghiệp phát hành vốn cổ phần mới. Đây là phương án cuối cùng khi doanh nghiệp đã sử dụng hết khả năng vay nợ.

Thuyết trật tự phân hạng trên giải thích lý do vì sao các công ty có lợi nhuận nhiều thường lại vay nợ ít, điều đó không phải vì họ đặt ra mục tiêu tỷ lệ nợ vay thấp mà bởi vì nguồn lực tài chính bên trong của họ mạnh nên không cần huy động nhiều từ nguồn vốn bên ngoài. Các công ty có lợi nhuận ít thường phát hành nợ bởi

vì họ không có đủ nguồn vốn bên trong cho dự án đầu tư của mình và bởi vì nợ vay chính là trật tự được xếp đầu tiên khi cần huy động từ nguồn lực bên ngoài.

Những nhận xét rút ra từ việc nghiên cứu lý thuyết này.

Myers và Majluf cho rằng không có một cấu trúc vốn tối ưu, việc huy động vốn sẽ theo một trật tự phân hạng nhất định. Thuyết không tập trung vào cơ cấu nguồn vốn tối ưu bởi lợi nhuận tái đầu tư đứng đầu trật tự phân hạng còn vốn cổ phần đứng cuối trật tự phân hạng. Nó tập trung vào các quyết định hiện hành. Quyết định về cơ cấu nguồn vốn không dựa trên hệ số nợ mà dựa trên phân hạng thị trường.

- Ưu điểm: Thuyết trật tự phân hạng cho phép doanh nghiệp xác định cơ cấu nguồn vốn ở bất kỳ thời điểm nào, nghĩa là ở trạng thái động. Nó được ưu tiên và hữu ích trong việc giải thích những thay đổi trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp. Nó đã thành công trong việc giải thích tại sao các doanh nghiệp có khả năng sinh lời thấp thường vay nợ nhiều; các doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao, cơ hội đầu tư hạn chế sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ nợ thấp; các doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao, cơ hội đầu tư lớn sẽ vay nợ nhiều hơn. Điều này không hoàn toàn đúng với tất cả doanh nghiệp nhưng đã giải thích được tại sao hầu hết tài trợ bên ngoài của doanh nghiệp chủ yếu là từ nợ vay.

- Hạn chế: Thuyết trật tự phân hạng không cho thấy ảnh hưởng của các yếu tố như thuế, chi phí kiệt quệ tài chính, chi phí đại diện (chi phí phát sinh khi xảy ra sự thiếu đồng thuận giữa mục đích của người quản trị và người sở hữu trong một công ty) tới cơ cấu vốn. Đồng thời cũng không có mô hình lý thuyết để xác định cơ cấu nguồn vốn tối ưu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)