CHƯƠNG 4 : KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.5. Kiểm tra sự khác biệt các thuộc tính giữa các nhóm lao động
4.5.1. Thuộc tính nhóm tuổi
Để hiểu rõ được sự khác nhau giữa Ý định nghỉ việc với các nhóm nhân viên thuộc nhóm tuổi khác nhau. Nghiên cứu thực hiện phân tích phương sai một yếu tố (One way ANOVA).
Trong bảng kiểm định phương sai đồng nhất tại phụ lục cho thấy giá trị Sig. trong phép kiểm định Levene không có ý nghĩa (sig = 0,426 > 0,05). Do đó, giả định phương sai đồng nhất của các nhóm này được chấp nhận.
Giá trị Sig. trong bảng kết quả ANOVA > 0,05 (sig = 0,294) cho thấy không có sự khác biệt Ý định nghỉ việc giữa các nhóm nhân viên với sự khác nhau về độ tuổi.
4.5.2. Thuộc tính giới tính
Để kiểm định có hay không sự khác nhau về Ý định nghỉ việc của 2 nhóm người lao động Nam và Nữ, nghiên cứu thực hiện kiểm định 2 mẫu độc lập (Independent – samples T-test).
Giá trị Sig. trong kiểm định Levene cho thấy giả định phương sai của 2 mẫu bằng nhau được chấp nhận (Sig. = 0,194 > 0,05) nên ta sử dụng kiểm định t ở phần Equal variances assumed. Giá trị Sig. ở phần Equal variances assumed > 0,05 (Sig. = 0,767) (phụ lục) cho thấy chưa thể kết luận có sự khác biệt có ý nghĩa giữa 2 giới tính Nam và Nữ về Ý định nghỉ việc.
Nghiên cứu sử dụng phân tích phương sai một yếu tố (One-way ANOVA) để kiểm định có hay không sự khác nhau về Ý định nghỉ việc giữa các nhóm nhân viên thuộc nhóm trình độ khác nhau.
Kết quả phân tích cho thấy giá trị Sig. trong kiểm định Leneve là 0.597 > 0.05 thì phương sai các nhóm này không khác nhau nên kết quả phân tích Anova có thể sử dụng.
Giá trị Sig. trong bảng kết quả ANOVA > 0,05 (sig = 0,259) (phụ lục) cho thấy không có sự khác biệt giữa các nhóm này. Như vậy không có cơ sở để kết luận về sự khác biệt về ý định nghỉ việc giữa các nhóm có trình độ khác nhau.
4.5.4. Thuộc tính tình trạng hôn nhân
Để kiểm định có hay không sự khác nhau về Ý định nghỉ việc của nhóm nhóm nhân viên có tình trạng hôn nhân thuộc các nhóm khác nhau, nghiên cứu tiếp tục sử dụng phân tích phương sai một yếu tố (One-way ANOVA).
Kết quả cho thấy giá trị Sig. trong kiểm định Leneve là 0.137 > 0.05 thì phương sai các nhóm này không khác nhau nên kết quả phân tích Anova có thể sử dụng, Sig. = 0.000 < 0.05. Như vậy, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về Ý định nghỉ việc giữa các nhóm lao động có tình trạng hôn nhân khác nhau.
Bên cạnh đó, dựa vào hệ số Mean trong bảng thống kê mô tả, ta cũng thấy có sự khác biệt về sự ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc mặc dù không lớn ở 3 nhóm tình trạng hôn nhân. Nhóm độc thân có tác động cao hơn nhóm đã kết hôn. Điều này phù hợp với thực tế vì những người đã kết hôn thì thường hướng tới sự ổn định, khả năng chấp nhận rủi ro thấp hơn so với người độc thân vì họ phải chịu trách nhiệm với gia đình. Khi có ý định nghỉ việc, những người đã có gia đình thường phải đối mặt với khá nhiều vấn đề: chi phí cho gia đình, phải xin được công việc mới, phải thích nghi, cố gắng thể hiện với môi trường mới trong khi vẫn phải chăm lo cho gia đình. Còn những người độc thân, họ không phải vướng bận, hay chịu trách nhiệm cho gia đình nên những người thuộc nhóm này dễ có xu hướng thay đổi công việc.
Chính vì vậy, những nhân viên thuộc nhóm đã kết hôn có sự tác động lên ý định nghỉ việc thấp hơn so với nhóm độc thân.
4.5.5. Thuộc tính thâm niên công tác
Để hiểu rõ được sự khác nhau Ý định nghỉ việc của các nhóm có thời gian làm việc khác nhau ta thực hiện phân tích phương sai một yếu tố (One way ANOVA).
Kết quả cho thấy giá trị Sig. trong kiểm định Leneve là 0.534 > 0.05 thì phương sai các nhóm này không khác nhau nên kết quả phân tích Anova có thể sử dụng, Sig. = 0.001 < 0.05. Như vậy, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về Ý định nghỉ việc giữa các nhóm lao động có thâm niên công tác khác nhau.
Hệ số Mean ở bảng thống kê mô tả cho thấy có sự khác biệt về sự ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc mặc dù không lớn ở cả 4 nhóm thâm niên công tác, trong đó giữa nhóm thâm niên dưới 1 năm và nhóm thâm niên từ 3 – 5 năm là có sự khác biệt rõ ràng nhất (nhóm dưới 1 năm có tác động nhẹ nhất và nhóm từ 3 – 5 năm có tác động mạnh nhất). Điều này cũng có ý nghĩa trong thực tiễn vì đối với những nhân viên mới vào tổ chức làm việc, họ thường có xu hướng làm việc và học tập chăm chỉ và tích cực hơn nhằm học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, chứng tỏ bản thân và nâng cao giá trị cá nhân và vì vậy họ có xu hướng ít thay đổi công việc hơn. Ngược lại, đối với người lao động có từ 3 – 5 năm làm việc, họ đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc, tạo ra được những mối quan hệ nhất định, có cơ hội để chứng minh bản thân vì vậy họ có nhiều cơ hội kiếm việc làm khác tốt hơn nếu doanh nghiệp không trọng dụng họ, do đó họ sẽ có xu hướng nghỉ việc cao.
4.5.6. Thuộc tính thu nhập
Phân tích phương sai một yếu tố (One-way ANOVA) được sử dụng để kiểm định có hay không sự khác biệt về Ý định nghỉ việc của các nhóm lao động với sự khác nhau về thu nhập.
Kết quả kiểm định Levene cho thấy giả định phương sai đồng nhất của các nhóm được chấp nhận (sig = 0,265 > 0,05). Do đó, giả định phương sai đồng nhất của các nhóm này được chấp nhận.
Giá trị sig < 0,05 (sig = 0,001) từ kết quả phân tích Anova thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm này. Như vậy, có cơ sở để kết luận về sự khác biệt về Ý định nghỉ việc giữa các nhóm lao động có mức thu nhập khác nhau.
Hệ số Mean ở bảng thống kê mô tả cho thấy có sự khác biệt về sự ảnh hưởng đến ý định nghỉ việc đến các nhóm nhân tố thu thập. Nhóm có thu nhập trên 15 triệu và dưới 7 triệu có sự tác động thấp hơn 2 nhóm còn lại ( 7- <10 triệu và 10- <15 triệu) Điều này có thể có 2 nguyên nhân chính, đó là:
+ Theo mặt bằng về mức lương hiện tại của những nhân viên kinh doanh tại các ngân hàng TMCP tại Tp. HCM, những nhân viên có mức lương dưới 7 triệu thường thuộc nhóm thâm niên dưới một năm; mức lương 7- dưới 15 triệu thường thuộc nhóm thâm niên 3-5 năm. Như vậy hoàn toàn hợp lý với yếu tố thâm niên được giải thích ở mục trên, nhóm thâm niên dưới 1 năm - với mức lương dưới 7 triệu có tác động thấp tới ý định nghỉ việc.
+ Khảo sát chỉ lấy những kết quả khảo sát của những đối tượng là nhân viên thuộc bộ phận kinh doanh tại các ngân hàng TMCP để đưa vào phân tích, với chức vụ là nhân viên và mức thu nhập trên 15 triệu có thể được coi là mức thu nhập tốt so với mặt bằng chung tại các ngân hàng. Chính vì vậy, tác động của nhóm đối tượng này lên ý định nghỉ việc cũng thấp hơn.
Tóm tắt chương 4
Chương 4 mô tả chi tiết kết quả phân tích dữ liệu qua từng bước.
Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để mô tả mẫu nghiên cứu, mô tả số lượng mẫu khảo sát theo một số đặc tính cá nhân như: độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, tình trạng hôn nhân, thâm niên công tác, thu nhập.
Đánh giá độ tin cậy Cronbach’s Alpha cho từng thang đo các khái niệm, kết quả cho thấy tất cả các thang đo đạt yêu cầu về độ tin cậy để tiếp tục các phân tích tiếp theo.
Phân tích nhân tố khám phá EFA tiến hành với phương pháp trích Principle components và phép xoay Promax, rút trích được 5 nhân tố độc lập và 1 nhân tố phụ thuộc, bao gồm: Đào tạo và phát triển nghề nghiệp; Sự căng thẳng trong công việc; Sự thỏa mãn trong công việc; Nhân tố gây nên căng thẳng; Mối quan hệ với đồng nghiệp; Ý định nghỉ việc. Các nhân tố rút trích đều đảm bảo giá trị phân biệt và giá trị hội tụ cao.
Kết quả phân tích hồi quy cho thấy có 03 yếu tố ảnh hưởng đến Ý định nghỉ việc của người lao động. Trong đó yếu tố Sự căng thẳng trong công việc tác động mạnh mẽ nhất (Beta= 0.213), tiếp đến là Đào tạo và phát triển nghề nghiệp (Beta= - 0.219), cuối cùng là yếu tố Sự thỏa mãn trong công việc (Beta= -0.284).
Kết quả kiểm định các giả định của hàm hồi quy cho thấy mối liên hệ tuyến tính, phân phối chuẩn của phần dư, tính độc lập của sai số và hiện tượng đa cộng tuyến không bị vi phạm.
Ngoài ra, nghiên cứu còn phân tích sự khác biệt về Ý định nghỉ việc giữa các nhóm thuộc tính định tính bao gồm Độ tuổi, Giới tính, Trình độ học vấn, Tình trạng hôn nhân, Thâm niên công tác và Thu nhập. Kết quả cho thấy không có cơ sở để kết luận có sự khác biệt giữa các nhóm nhân viên thuộc các yếu tố định tính trên ngoại trừ yếu tố Tình trạng hôn nhân, Thâm niên công tác, Thu nhập là có sự khác biệt.
Trong chương 5, kết quả nghiên cứu ở chương 4 được tóm lược lại. Từ đó, làm cơ sở để đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm hạn chế tình trạng nghỉ việc tại các ngân hàng TMCP tại Tp. HCM. Bên cạnh đó chương 5 còn tổng hợp và phân tích một số hạn chế của đề tài trong quá trình nghiên cứu và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.