9. Kết cấu của luận văn
4.2. Giải pháp nâng cao khả năng sinh lời của các NHTMNN tại BR-VT
4.2.2. Quản lý rủi ro tín dụng
Theo kết quả thực nghiệm, rủi ro tín dụng ảnh hưởng ngược chiều tới khả năng sinh lời của các NHTMNN tại BR-VT. Do hoạt động tín dụng là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro và việc mở rộng quy mô cho vay nhưng không quan tâm tới chất lượng tín dụng đã làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Vì thế, cần phải có những giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng tại các NHTMNN tại BR-VT.
- Mỗi NHTMNN đã xây dựng chính sách tín dụng riêng nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo khả năng ứng phó với những rủi ro xảy ra, tuy nhiên, trong quá trình cấp tín dụng, các nhân viên ngân hàng chưa thẩm định, đánh giá đúng khả năng trả nợ của khách hàng, dự báo trước những rủi ro có thể xảy ra để có biện pháp phòng ngừa như trong các quy chế, chính sách đã được xây dựng, dễ dẫn đến rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng. Vì vậy, các ngân hàng cần có biện pháp giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn để có thể xử lý kịp thời những rủi ro xảy ra, quản lý dòng tiền vay của ngân hàng đảm bảo thực hiện đúng với mục đích vay vốn. Các ngân hàng không
nên quá tập trung vào việc mở rộng tín dụng mà cho vay dễ dàng sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng cũng như làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
- Nhìn chung, các NHTMNN đã quy định cụ thể về việc kiểm tra, giám sát cho vay, tuy nhiên, việc thi hành các quy định của các cán bộ ngân hàng còn hạn chế. Vì vậy, các nhà quản lý NHTMNN tại BR-VT cần phải yêu cầu các cán bộ nghiệp vụ tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay tại đơn vị mình. Đây là công việc khá quan trọng để đảm bảo khách hàng sử dụng vốn vay của ngân hàng đúng mục đích; sớm phát hiện được khả năng trả được nợ hay không của khách hàng để hạn chế được các khoản nợ xấu phát sinh. Đặc biệt, các NHTMNN cần chú trọng việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn vay đối với khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng theo mục đích thỏa thuận cho hợp đồng tín dụng theo quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-NHNN của NHNN VN ngày 10/04/2012 Quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng (Thông tư 09), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Hiện nay, qua công tác thanh tra, giám sát của NHNN tỉnh BR-VT đã phát hiện ra nhiều trường hợp NHTMNN không thực hiện đúng quy định trên, dẫn đến không có khả năng giám sát được việc sử dụng vốn của khách hàng, khách hàng đã lợi dụng việc giải ngân bằng tiền mặt để sử dụng vào các mục đích không như thỏa thuận với ngân hàng. Vì vậy, các NHTMNN cần hạn chế việc thực hiện giải ngân bằng tiền mặt, thực hiện đúng quy định của NHNN VN theo quy định tại Thông tư 09 để giúp ngân hàng có khả năng kiểm soát được việc sử dụng vốn vay của khách hàng, hạn chế các khả năng xấu ảnh hưởng đến khoản nợ vay được các ngân hàng cấp.
- Bên cạnh việc cán bộ tín dụng tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ cần tăng cường công tác kiểm soát nội bộ định kỳ và đột xuất nhằm đánh giá, cảnh báo rủi ro, phát hiện kịp thời, ngăn chặn những tiêu cực, rủi ro có thể xảy ra đảm bảo hoạt động ngân hàng an
toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định Nhà nước và quy định nội bộ của ngân hàng.
- Các NHTMNN tại BR-VT nên rà soát, đánh giá lại việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay có bảo đảm bằng bất động sản để đưa ra chỉ tiêu quản lý phù hợp, bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động. Hướng tín dụng bất động sản vào dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Đối với các đối tượng khách hàng là kinh doanh bất động sản thì phải kiểm soát chặt chẽ trong hồ sơ pháp lý (phải có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực bất động sản), đánh giá năng lực tài chính của khách hàng, dự án kinh doanh có khả thi; hạn chế cho những người vay để mua đi bán lại bất động sản kiếm lời làm méo mó thị trường.
- Ngày 21 tháng 06 năm 2017, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42/2017/QH14). Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo cơ sở pháp lý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, bảo đảm cho hệ thống các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Vì vậy, các NHTMNN tại BR-VT dưới sự hướng dẫn cụ thể của Hội sở, xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 và thực hiện xử lý nợ xấu theo đúng tinh thần của Nghị quyết 42/2017/QH14. NHNN VN lưu ý các tổ chức tín dụng có 4 nguyên tắc xử lý nợ xấu phải luôn ghi nhớ đó là: công khai minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng/ phù hợp cơ chế thị trường, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền/ không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu/ tổ chức cá nhân để xảy ra nợ xấu thì phải chịu trách nhiệm pháp luật/ Bán theo giá thị trường: có thể cao hoặc thấp hơn so với giá trị ghi sổ, giá trị trị giá ban đầu. Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ cấu lại nếu phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền, khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo NHNN tỉnh BR-VT để được xem xét, quyết định.
4.2.3. Cơ cấu hợp lý các loại chi phí hoạt động
Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy, chi phí hoạt động tác động cùng chiều tới lợi nhuận ngân hàng thương mại, do đó, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm tiết giảm những chi phí không cần thiết, chú trọng năng suất lao động và tính hiệu quả trong lao động, đảm bảo thuyết tiền lương hiệu quả theo quan điểm của trường phái cổ điển.
- Các NHTM tại BR-VT cần có ý kiến đối với các NHTMNN hội sở chính để tập trung thực hiện cơ cấu lại mạng lưới hoạt động và thực hiện tái cơ cấu lại nhân sự, tổ chức thực hiện cơ cấu nhân sự thông suốt có hiệu quả giữa các bộ phận, giảm thiểu các chi phí đầu vào không cần thiết như chi phí hoạt động, chi phí lương nhân viên cho các chi nhánh, phòng giao dịch hoạt động không hiệu quả. Nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu tạo lòng tin đối với khách hàng, thực hiện nghiêm túc quy định lãi suất của NHNN. Khi đó, các NHTM tránh được tình trạng lôi kéo khách hàng với lãi suất huy động cao, lách trần lãi suất, tránh được tình trạnh hỗn loạn trên thị trường như trong quá khứ. Như thế, các NHTM sẽ giảm thiểu được chi phí lãi vốn huy động làm tăng thu nhập một cách hợp lý và ổn định.
- Thu hút và giữ được đội ngũ nhân viên mang lại nhiều khách hàng lớn, những nhân viên quản lý và nghiệp vụ chuyên nghiệp và làm việc năng suất cao bằng cách tăng lương, thưởng, đây cũng là yếu tố thúc đẩy tăng lợi nhuận ngân hàng. Các NHTMNN bên cạnh việc tăng lương, thưởng làm nguồn động lực cho đội ngũ nhân viên phát huy hết năng lực của mình, cần nâng cao tính gắn kết đồng nghiệp bằng việc tổ chức các hoạt động đoàn thể như hoạt động tình nguyện, chơi thể thao cuối tuần, tổ chức các buổi họp mặt (ngày hội gia đình, dã ngoại, tham quan, du lịch…) thường niên cho nhân viên nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên có dịp họp mặt, trao đổi kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống. Xây dựng hệ thống nhắc nhở sinh nhật tự động để các nhân viên có thể nhớ và chúc mừng lẫn nhau tạo mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa các nhân viên. Mặc dù những hoạt động trên làm tăng chi phí hoạt động của NHTMNN, tuy nhiên những hoạt động này
sẽ ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên và tác động trực tiếp đến chất lượng công việc.
- Bản thân các NHTMNN tại BR-VT cần tăng cường quản lý rủi ro để giảm được chi phí dự phòng rủi ro là khoản mục chi phí lớn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời cần thực hiện tiết kiệm triệt để chi phí quản lý, nhất là các khoản chi lễ tân, khánh tiết. Mỗi ngân hàng có thể đặt mục tiêu cắt giảm 3% đến 4% chi phí quản lý so với dự toán.