Thực trạng ảnh hưởng của các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) quản trị thị trường chiến lược trong kinh doanh dịch vụ viễn thông của tổng công ty viễn thông viettel (Trang 61 - 68)

6. Kết cấu luận văn

2.2.1.Thực trạng ảnh hưởng của các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô

a. Các yếu tố chính trị - pháp luật

thuận lợi cho hầu hết doanh nghiệp kinh doanh và phát triển, trong đó có Tổng công ty viễn thông Viettel. Hệ thống văn bản được tiêu chuẩn hóa, các quy định kết nối các mạng viễn thông công cộng đã được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam. Ngành viễn thông đang thực hiện từng bước mở cửa thị trường và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông. Cụ thể:

Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, thay thế Pháp lệnh bưu chính, viễn thông số 43/2002/PL-UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Để triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của Luật Viễn thông, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông; Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2013 (viết tắt Nghị định 72/2013/NĐ-CP). Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Nghị định này: “Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14 tháng 7 năm 2005 giữa Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quản lý đại lý Internet và Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT- BCA ngày 01 tháng 6 năm 2006 giữa Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Công an về quản lý trò chơi trực tuyến (online games)”; Nghị định số 174/2013/NĐ- CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, có hiệu lực từ ngày 15/01/2014 (viết tắc Nghị định 174/2013/NĐ-CP).

Chính sách về giá cước viễn thông hiện nay đã được áp dụng linh hoạt hơn theo các quy định kể trên, các doanh nghiệp viễn thông được tự quyết định mức phí cụ thể đối với mỗi dịch vụ viễn thông dựa trên các tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông, để đảm bảo lợi nhuận hoạt động cũng như an sinh xã hội. Bên cạnh đó, để ngăn ngừa xu hướng cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép đối thủ cạnh tranh thông qua giảm giá cước đặc biệt là từ phía các doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần khống chế theo Điều 11 Luật Cạnh tranh, Bộ Thông Tin và Truyền thông đã ban hành một số Thông tư (Thông tư 02/2007/TT-BTTTT), Quyết định (Quyết định 1622/2008/QĐ-BTTTT; Quyết định 566/2007/QĐ-BBCVT) về quản lý

giá cước dịch vụ bưu chính viễn thông; quy định danh mục dịch vụ và doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, hình thức quản lý giá cước đối với các DN chiếm thị phần khống chế. Theo đánh giá của hầu hết các DN, các văn bản này đã ngăn chặn một phần việc liên tục giảm giá trong viễn thông di động và Internet, tránh được tình trạng các DN chiếm thị phần khống chế giảm giá cước liên tục khiến các DN nhỏ hơn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh.

Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều cơ chế, chính sách chưa được ban hành kịp thời, phù hợp với tốc độ và nhu cầu phát triển công nghệ và thị trường kinh doanh dịch vụ viễn thông. Cụ thể:

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (viết tắt là Nghị định 72). Sau 7 năm thực hiện, Nghị định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần khắc phục như: Tình trạng “báo hóa” trang thông điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội; vấn đề quản lý game xuyên biên giới không có phép phát hành qua các kho ứng dụng Google Play, Apple Store; chưa có quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông, internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu (bao gồm dịch vụ cho thuê máy chủ, dịch vụ cho thuê chỗ đặt máy chủ, dịch vụ cho thuê chỗ trên máy chủ, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ mạng phân phối nội dung CDN…) là những vấn đề còn tồn tại gây nhiều khó khăn hiện nay trong các lĩnh vực thông tin điện tử, viễn thông, internet. Ngày 20 tháng 5 năm 2020, Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đối với các quy định liên quan đến hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, kho ứng dụng. Cụ thể, đối với kho ứng dụng trên mạng, hiện nay một số kho ứng dụng xuyên biên giới đang phát hành nhiều ứng dụng nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam như game cờ bạc đổi thưởng, game bạo lực, game có nội dung nhạy cảm về chính trị…; vẫn cho thanh toán các dịch vụ bất hợp pháp. Đối với dịch vụ thông tin xuyên biên giới, sẽ đưa các nội dung về quản lý thông tin xuyên biên giới đang quy định ở Thông tư số 38/2016/TT- BTTTT vào Nghị định 72. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết trong các trường hợp như: Cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm...

Nhìn chung, các yếu tố chính trị - luật pháp có tác động khá tích cực tới sự phát triển của hoạt động kinh doanh nói chung và quản trị thị trường chiến lược trong kinh doanh dịch vụ viễn thông nói riêng của Tổng công ty viễn thông Viettel. Bởi vì trên thực tế, các quy định về cấp phép và hướng dẫn kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông đã được hoàn thiện, cải tiến theo hướng đơn giản hoá, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực viễn thông, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nếu muốn tham gia hoạt động trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.

b. Các yếu tố kinh tế

Nhìn vào bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 2017 trở lại đây, dễ dàng nhận thấy nền kinh tế đã xác lập một “mặt bằng tăng trưởng mới” so với giai đoạn trước đó. Tức là kinh tế Việt Nam đang diễn biến theo một trạng thái mới khác biệt với nhiều nền kinh tế trong khu vực. Đó là tăng trưởng ở mức cao nhưng không chịu sức ép của lạm phát cũng như nền kinh tế với độ mở cao nhưng dường như ít nhạy cảm với các tác động tiêu cực của thương mại toàn cầu. Những hiện tượng trên là khác biệt rất tích cực, nhưng đã diễn ra lặp đi lặp lại trong 3 năm trở lại đây (từ năm 2017 đến năm 2019) nên dường như đã tạo cảm giác đó là những việc hiển nhiên, bình thường. Trên thực tế, những kết quả trên có được nhờ phần lớn vào việc điều hành kinh tế vĩ mô đồng bộ và nhất quán của Chính phủ với mục tiêu nâng cao tính tự chủ nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2020.

Kinh tế – xã hội năm 2020 của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát mạnh và diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, khi phần lớn các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Thương mại toàn cầu, giá cả hàng hóa đang dần được phục hồi, thị trường chứng khoán toàn cầu tăng mạnh trong tháng 11 và tháng 12 nhờ tín hiệu tích cực từ sản xuất và hiệu quả của vắc-xin phòng Covid-19. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu tuy vẫn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã có xu hướng phục hồi trong những tháng cuối năm 2020 và dự báo tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2021. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng

2,91% so với năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011- 2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Về sử dụng GDP năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,06% so với năm 2019; tích lũy tài sản tăng 4,12%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,97%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,33%. Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4% do trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,98 năm 2018 và 6,08 năm 2019. Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,13, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực nên ICOR năm 2020 đạt 14,28; bình quân giai đoạn 2016-2020 hệ số ICOR đạt 7,04. Các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp do việc vận hành các chính sách của Chính phủ cũng tạo điều kiện cho việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất trong nước, thậm chí giảm nhẹ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Thị trường ngoại hối cũng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng giá của đồng USD cũng bị chững lại.

Những diễn biến như trên của các yếu tố thuộc môi trường kinh tế tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp viễn thông như Tổng công ty viễn thông Viettel khi ngành kinh doanh dịch vụ viễn thông được xem là ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trên thực tế, ngành viễn thông vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh trong các nhóm ngành kinh tế, tạo điều kiện để các nhà mạng tiếp tục phát triển.

c. Các yếu tố xã hội và dân cư

Theo Tổng cục thống kê, dân số trung bình năm 2020 của cả nước ước tính 97,58 triệu người, tăng 1.098,7 nghìn người, tương đương tăng 1,14% so với năm 2019, trong đó dân số thành thị 35,93 triệu người, chiếm 36,8%; dân số nông thôn 61,65 triệu người, chiếm 63,2%; dân số nam 48,59 triệu người, chiếm 49,8%; dân số nữ 48,99 triệu người, chiếm 50,2%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2020 là 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm trước; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 48,3 triệu người,

giảm 849,5 nghìn người so với năm trước; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước năm 2020 ước tính là 2,26%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,61%; khu vực nông thôn là 1,59%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,51%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,93%.

Năm 2020, đời sống của nhân dân trên cả nước tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh Covid-19 nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của người dân nên đời sống nhân dân nhìn chung ổn định. Ước tính thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2020 theo giá hiện hành đạt 4.190 nghìn đồng. Thiếu đói trong nông dân hầu như không xảy ra trong những tháng cuối năm. Tính chung năm 2020, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 75,9% so với năm trước, tương ứng với 66,5 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 76,1%. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2020 ước khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019. Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Tính đến cuối tháng 11/2020, cả nước có 5.415 xã và 173 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong năm 2020 là hơn 24,9 nghìn tỷ đồng, trong đó 13,4 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19, hơn 4,1 nghìn tỷ đồng hỗ trợ đối tượng chính sách và người có công, 3,1 nghìn tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và 26,6 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Riêng đối với người dân bị ảnh hưởng của thiên tai, theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ các địa phương với kinh phí 2.161,8 tỷ đồng, trong đó: 381,8 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh các tỉnh miền núi phía Bắc; 1.250 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung; 530 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cấp xuất gần 23 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó hỗ trợ cho các tỉnh miền Trung là gần 19,4 nghìn tấn.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù có những vấn đề khó khăn nhất định do ảnh hưởng của dịch Covid 19, tình hình xã hội vẫn được duy trì sự ổn định cùng với số lượng dân cư

tăng lên, tỷ lệ dân số trẻ đang trong độ tuổi lao động cao. Thực tế này đã tạo ra môi trường thuận lợi cho việc thực hiện kinh doanh và thực hiện các chính sách trong phát triển thị trường chiến lược của Tổng công ty viễn thông Viettel, tuy nhiên nó cũng có những ảnh hưởng không tích cực tới hoạt động quản trị thị trường của Viettel Telecom như: điều chỉnh mục tiêu chiến lược, xác định hoặc điều chỉnh thị trường chiến lược, hoặc xác định giải pháp để đạt mục tiêu... Trong bối cảnh hiện nay, việc Viettel Telecom nắm bắt được thị hiếu và thói quen, sự thay đổi tiêu dùng cũng như văn hóa dân cư là vô cùng quan trọng và cần thiết để có thể đáp ứng các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu một cách tối đa thể theo nguyện vọng mà khách hàng mong muốn, từ đó củng cố lòng tin và mức độ trung thành của họ và gia tăng cơ hội tìm kiếm khách hàng

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) quản trị thị trường chiến lược trong kinh doanh dịch vụ viễn thông của tổng công ty viễn thông viettel (Trang 61 - 68)